Vụ nam thanh niên bị đạn găm trúng đầu: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Việt Đỗ| 06/06/2018 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Cơ quan điều tra cần thiết thực nghiệm hiện trường, tái hiện lại hành vi sử dụng súng nhằm xác định việc kẹt đạn và hướng đạn bắn có phù hợp với hiện trường hay không.

Như Báo Công lý thông tin, vào khoảng 14h chiều 3/6, anh Trần Văn Kiệt (19 tuổi, quê Quảng Nam) cùng người bạn tên Nam điều khiển xe máy biển số 59V8-2218 chạy trên Quốc lộ 1A theo hướng từ quận Thủ Đức đi quận 12.

Lúc này, cũng có một đoàn xe gồm nhiều thanh niên đi xe máy với tốc độ cao chạy cùng hướng. Khi đến trước số nhà 1197/3d Quốc lộ 1A thuộc phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) bất ngờ có tiếng súng nổ. Sau đó, nhiều người thấy anh Kiệt gục xuống. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.

Vụ nam thanh niên bị đạn găm trúng đầu: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Hiện trường vụ việc

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an TP.HCM, VKSND TP, Công an quận 12 đã nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc.

Qua điều tra ban đầu, Công an TP.HCM xác định người nổ súng là Trung tá Nguyễn Hữu Huệ - Phó trưởng Công an phường An Phú Đông. Hiện, Công an TP.HCM đang giám định viên đạn và làm các thủ tục cần thiết.

Theo đó, khoảng 14h ngày 3/6, ông Huệ nhận tin báo có một nhóm thanh niên tổ chức đua xe trái phép tại khu vực ngã tư chùa Khánh An (nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua phường An Phú Đông, quận 12). Ông Huệ ngồi sau xe máy của một đồng nghiệp cùng lực lượng Công an đến giải tán nhóm đua xe.

Khi phát hiện có hàng chục xe máy tổ chức đua trái phép trên quốc lộ 1. Đến giao lộ ngã tư chùa Khánh An, một nhóm thanh chặn làn xe ô tô để cho đoàn đua quay đầu xe hướng về ngã tư Vườn Lài (giao lộ đường Vườn Lài - quốc lộ 1, quận 12).

Lúc này, ông Huệ có nổ súng bắn chỉ thiên nhiều phát nhằm giải tán nhóm đua xe. Sau khi bắn hai phát súng chỉ thiên, đến phát thứ ba thì bị kẹt đạn. Ông Huệ đang tìm cách xử lý viên đạn bị kẹt thì súng lại phát nổ.

Sau đó, ông Huệ cùng đồng nghiệp vẫn tiếp tục truy đuổi phía sau đoàn đua đến ngã tư Vườn Lài. Lúc này, nhóm đua xe trái phép rẽ nhiều hướng để tẩu thoát. Khi thấy nhóm đua xe tan ra, ông Huệ quay trở lại thì thấy có hai thanh niên tham gia quá trình đua xe, cổ vũ cho nhóm đua xe bị ngã và được nhiều người đưa đi cấp cứu.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội)  khẳng định, để có căn cứ làm rõ vụ việc, Cơ quan điều tra cần thiết thực nghiệm hiện trường, tái hiện lại hành vi sử dụng súng nhằm xác định việc kẹt đạn và hướng đạn bắn có phù hợp với hiện trường hay không. Nếu có căn cứ xác định, việc gây ra hậu quả là do vô ý thì hành vi của Phó CA phường có dấu hiệu phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 129 BLHS 2015.

Theo luật sư Thơm, vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó, thực hiện một cách cẩu thả hoặc tin tưởng là hậu quả không xảy ra nhưng thực tế đã dẫn đến hậu quả chết người.

Trong khoa học pháp lý hình sự, có hai hình thức lỗi cơ bản nêu trên được xác định trong các trường hợp phạm tội vô ý:

Thứ nhất, vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề.v.v…

Thứ hai, vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

“Xét trường hợp Phó Công an phường An Phú Đông, nếu có căn cứ xác định vô ý gây hậu quả làm chết người trong trường hợp này thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp khi sử dụng vũ khí trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thơm cho biết.

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nam thanh niên bị đạn găm trúng đầu: Góc nhìn pháp lý của luật sư