Vợ kinh tế khó khăn, chồng nhận nuôi 2 con sau ly hôn có được không?

Đặng Liễu| 06/06/2019 14:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu bạn chứng minh được rằng vợ bạn ko có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm cho con có được đầy đủ các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần thì bạn vẫn có quyền được trực tiếp nuôi con nhỏ.

Tôi và vợ kết hôn với nhau từ 2007 có đăng ký kết hôn. Chúng tôi có 2 người con chung (con lớn sinh năm 2009; con nhỏ sinh năm 2017). Qua quá trình chung sống do không hợp nhau nên chúng tôi nảy sinh mâu thuẫn, khó hòa hợp. Sau nhiều tranh cãi và không tìm được tiếng nói chung nên cả đồng ý ly hôn. Theo thỏa thuận ban đầu chúng tôi đồng ý chia đôi tài sản và mỗi người nuôi 1 đứa con.

Hiện chúng tôi đang làm thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên hiện nay do vợ tôi chưa có việc làm ổn định, từ trước đến nay tôi là trụ cột kinh tế của gia đình, vợ tôi ở nhà nội trợ…

Do đó tôi có mong muốn được nuôi cả 2 đứa con, còn tài sản thì vẫn chia đôi. Theo quy định của pháp luật thì tôi có được quyền nuôi cả 2 con hay không? Sau khi ly hôn tôi phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào?

(N.T.M, Quế Võ, Bắc Ninh)

Vợ kinh tế khó khăn, chồng nhận nuôi 2 con sau ly hôn có được không?

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla

Trả lời: Dựa trên những thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau: 

Thứ nhất, về quyền nuôi con khi ly hôn:

Căn cứ khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

Theo quy định trên thì vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp này, pháp luật tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của hai bạn về việc nuôi con. Nếu hai người không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ theo các điều kiện vật chất như: gia cảnh, thu nhập, điều kiện kinh tế, tài sản...các yếu tố về tinh thần như: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ. Bên nào đưa ra được những căn cứ thuyết phục hơn sẽ được Tòa án xem xét giải quyết và trao quyền nuôi con. Ngoài ra đối với con trên 07 tuổi Tòa án xem xét đến nguyện vọng, ý kiến của con.

Thêm vào đó, tại khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định:

“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Theo như bạn trình bày thì con thứ 2 của bạn sinh năm 2017. Do đó, trong trường hợp này con nhỏ dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên để cho mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên nếu bạn chứng minh được rằng vợ bạn ko có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm cho con có được đầy đủ các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần thì bạn vẫn có quyền được trực tiếp nuôi con nhỏ. Thêm vào đó, như bạn trình bày thì bạn là người có công việc, thu nhập ổn định trong khi vợ bạn không có việc làm, không có thu nhập nên đây là điểm bất lợi của vợ bạn khi giành quyền nuôi con với bạn.

Thứ hai, về chế độ cấp dưỡng với con cái và vợ chồng sau khi ly hôn:

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con….”

Tại Điều 110 Luật Hôn nhân gia đình cũng quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con:

 “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con….”

Như vậy, nếu bạn không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo đúng quy định của pháp luật trừ trường hợp hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định theo quy định tại điều 116  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn theo Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định : “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lí do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.

Tuy nhiên, đối với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau ly hôn, do hiểu biết pháp luật còn kém, nên nhiều người cho rằng ly hôn là chấm dứt hoàn toàn quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa hai vợ chồng. Chính vì lý do này trong đa số các trường hợp, tuy một bên sau khi ly hôn lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu nhưng cũng không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong một số trường hợp khác tuy có hiểu biết pháp luật về quyền yêu cầu đựơc cấp dưỡng của mình nhưng khi khó khăn, túng thiếu thì cũng không thực hiện quyền yêu cầu đó bởi tâm lý e ngại, tránh gặp mặt vợ cũ hoặc chồng cũ. Do đó, vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng còn ít được thực hiện trên thực tế.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ INTERLA

MST: 0104753368

Trụ sở: Số 6A, ngõ 281/69/16 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

          Địa chỉ liên hệ: P507 tòa nhà Nông lâm sản chế biến, số 25 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội

         Trưởng văn phòng: Luật sư Trương Quốc Hòe

         Điện thoại: 0845.169.599

        Email: truongquochoe.interla@gmail.com;

Facebook: https://www.facebook.com/luatsu.interla/

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ kinh tế khó khăn, chồng nhận nuôi 2 con sau ly hôn có được không?