TNGT 5 người chết ở Hải Dương: Hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các phương tiện giao thông

Như Loan| 24/07/2019 15:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 5 người chết ở Hải Dương gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và xử lý hậu quả tai nạn giao thông của các cơ quan chức năng.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào sáng ngày 23/7/2019 tại xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) đã khiến 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, lúc 4 giờ 15, trên quốc lộ 5, chiều đường Hà Nội - Hải Phòng, tại vị trí lối sang thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành (Hải Dương) ô tô Mercedes 16 chỗ ngồi va chạm với ông Đào Quang Huấn, sinh 1938 ở thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa. Vụ tai nạn giao thông làm ông Huấn chết tại chỗ.

Khi công an đang phân luồng giao thông thì chiếc xe tải chở nước 29H-150.97,(thuộc Công ty TNHH Tiếp Vận Việt, địa chỉ tại số 12/21 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội)  do lái xe Hà Văn Hoàng (sinh năm 1993,ở xóm 9, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lái theo hướng Hà Nội - Hải Phòng định chuyển hướng sang chiều đường ngược lại thì va vào dải phân cách giữa, tiếp tục lao vào đoàn người và xe máy đang chờ sang đường vào xã Cộng Hòa rồi lật nghiêng, làm ít nhất 5 người chết tại chỗ, 2 người bị thương.

Sau đó, vào lúc 5 giờ 30 cùng ngày, tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 5 và đường vào thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (cùng huyện Kim Thành), xe ô tô đầu kéo 16H-3598, kéo rơ-moóc 15R-01085 do Phạm Đức Ngạn, sinh 1990 ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) lái hướng Hải Phòng - Hà Nội va chạm với xe ô tải tải 34L-7671 do anh Lê Văn Huy ở xã Cộng Hoà điều khiển chạy từ đường thôn Hợp Nhất ra.

Vụ va chạm làm ô tô tải 34L-7671 tiếp tục va chạm với xe ô tô đầu kéo 20C-03061, kéo rơ-moóc 20R-002.43 đang chạy chiều đường Hà Nội - Hải Phòng. Anh Lê Văn Huy bị thương nặng và chết trên đường đi bệnh viện cấp cứu. 3 vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 23/7 trên quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành làm 7 người chết, 2 người bị thương.

Tai nạn thương tâm xảy ra khiến dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng và xót xa. Câu hỏi về việc quản lý các phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và xử lý hậu quả của tai nạn giao thông của các cơ quan chức năng được đặt ra.

PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội để có cái nhìn toàn diện về mặt pháp lý liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.

TNGT 5 người chết ở Hải Dương: Hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các phương tiện giao thông

Hiện trường vụ tai nạn

PV: Thưa luật sư, xin ông cho biết khi các phương tiện tham gia giao thông trên đường thi phải tuân thủ theo những quy định nào của pháp luật?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 53 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số. (Điều 54 Luật giao thông đường bộ năm 2008).

Căn cứ Điều 55 Luật giao thông đường bộ quy định:

“3. Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định).

4. Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.

5. Chủ phương tiện, người lái xe ô tô chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.”

Như vậy, căn cứ theo những quy định trên của pháp luật thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới để được lưu thông trên đường phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, do đây là một nguồn nguy hiểm cao độ nên người điều kiển phương tiện, chủ sở hữu phương tiện giao thông phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng.

Trường hợp phương tiện không đáp ứng được quy chuẩn chất lượng thì không được lưu thông trên đường. Nếu người điều kiển phương tiện, chủ phương tiện khi phát hiện phương tiện không đủ điều kiện lưu thông nhưng vẫn cố ý cho lưu thông mà gây ra tai nạn thì tùy từng tính chất mức độ hành vi sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

PV: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi để xảy ra tai nạn giao thông của chủ phương tiện cũng như người điều kiển phương tiện tham gia giao thông?

Ls. Trương Quốc Hòe: Tại Khoản 1, Điều 584 BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Trong vụ tai nạn giao thông trên, hành vi điều khiển xe gây tai nạn của tài xế xe tải đã xâm phạm đến tính mạng của các nạn nhân. Theo Ủy ban ATGT quốc gia, xe tải 29H-15097 gây ra tai nạn là của công ty vận tải có trụ sở tại Hà Nội. Căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, trong trường hợp này phía công ty phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng theo khoản 1 Điều 591 bồi thường thiệt hại đối với trường hợp tính mạng bị xâm hại và khoản 1 Điều 590 đối với trường hợp sức khỏe bị xâm hại BLDS 2015 đã quy định.

TNGT 5 người chết ở Hải Dương: Hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các phương tiện giao thông

Luật sư Trương Quốc Hòe

PV: Vụ việc tai nạn giao thông kép ở Hải Dương khiến dư luận hết sức lo ngại về vấn đề bảo vệ hiện trường tai nạn. Xin ông cho biết pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Ls. Trương Quốc Hòe: Theo quy định tại Điều 38 của luật giao thông đường bộ 2008 thì khi xảy ra tai nạn giao thông thì những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, UBND cấp xã, cơ quan công an, y tế phải có nghĩa vụ bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Như vậy, pháp luật đã có quy định về trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có tai nạn giao thông xảy ra. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những yêu cầu chung chung chưa cụ thể về vấn đề bảo vệ hiện trường tai nạn và cảnh báo nguy hiểm cho những phương tiện khác khi lưu thông trên đường.

Trong vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Hải Dương, theo một clip ghi lại hiện trường vụ tai nạn thì tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn đầu tiên lúc 4h30’, nạn nhân đã tử vong và nằm ở giữa đường, đã có xe ô tô của lực lượng công an đến để thực hiện công tác điều tra vụ tai nạn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, trên đường không có bất kỳ một biển cảnh báo hạn chế tốc độ hay một tín hiệu nào, một vật cản nào để giúp mọi người nhận biết được có tai nạn xảy ra.

Rõ ràng, chúng ta thấy đây là một kẽ hở của pháp luật. Hàng năm số lượng các vụ tai nạn giao thông xảy ra là rất lớn nhưng pháp luật lại chưa có những quy định chi tiết liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông. Do đó, cần thiết Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan cần thiết phải ban hành những hướng dẫn cụ thể để quản lý về vấn đề này.

PV: Để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm như thế này không xảy ra, theo ông mỗi cá nhân cũng như cơ quan nhà nước cần phải làm gì?

Ls. Trương Quốc Hòe: Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại Kim Thành, Hải Dương nêu trên không phải xảy ra lần đầu tiên. Trước đó, vào tháng 1 năm 2019 thì cũng chính tại Quốc lộ 5 thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương cũng đã để xảy ra tai nạn thương tâm khiến 8 người tử vong. Điều này cho thấy một thực trạng quản lý yếu kém của cơ quan chức năng trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sau hàng loạt các vụ tai nạn thương tâm xảy ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án để kiểm soát tai nạn xảy ra trên đường quốc lộ 5 (ví dụ: làm đường gom hay xây cầu vượt cho người đi bộ sang đường…).

Về phía người dân, trước khi cơ quan nhà nước có những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, đặc biệt về việc di chuyển qua lại của những hộ gia đình ở hai ven đường quốc lộ 5 thì mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Khi phát hiện có tai nạn xảy ra không nên tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến việc cứu chữa bệnh nhân, làm ảnh hưởng đến hiện trường vụ tai nạn giao thông và gây cản trở đến các lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TNGT 5 người chết ở Hải Dương: Hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các phương tiện giao thông