Người dân đào được đá quý sẽ bị tịch thu?

Trang Nhi| 09/07/2019 10:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng người dân tự ý khai thác khoáng sản diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, tình hình trật tự an toàn xã hội thêm phức tạp. Vậy việc khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Những ngày gần đây, tại khu vực núi đá bãi Bưởi, thôn Chính Quân, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái xuất hiện tin đồn người dân đào được khối đá quý màu xanh trị giá gần 4 tỷ đồng. Ngay sau đó người dân khắp nơi kéo nhau đào xới đá quý ở khu vực này.

Theo báo cáo của Công an huyện Lục Yên, đến ngày 7/7, còn khoảng 120 người tham gia đào bới, khai thác chủ yếu ở các khe đá, gốc cây to, hố sâu bằng các công cụ thô sơ.

Liên quan đến việc này, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những phân tích căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về việc khai thác trái phép khoáng sản.

Luật khoáng sản năm 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định: Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Hàng trăm người thi nhau đào bới tìm đá quý trên rừng tại Yên Bái sau tin đồn có người tìm được viên đá quý trị giá 5 tỷ đồng. Ảnh: Báo Giao Thông

Hàng trăm người thi nhau đào bới tìm đá quý trên rừng tại Yên Bái sau tin đồn có người tìm được viên đá quý trị giá 5 tỷ đồng. Ảnh: Báo Giao thông

Việc khai thác khoáng sản của cá nhân, tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ đều nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động khoáng sản được quy định tại điều 4 Luật Khoáng sản: Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tự ý đào bới, khai thác khoảng sản là hành vi bị cấm theo quy định tại điều 8 của Luật Khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản của người dân tại Yên Bái có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 3 điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản:

Điều 44. Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: “Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại, cụ thể như sau: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai dưới 100 tấn”.

Ngoài bị xử phạt tiền, cá nhân có vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g, h khoản 1; điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Và biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Người dân đào được đá quý sẽ bị tịch thu?

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX

Hành vi khai thác trái phép khoáng sản cụ thể là đá quý sẽ bị xử phạt như trên, nhưng nếu chỉ là việc người dân vô tình nhặt, đào được đá quý thì họ có quyền sở hữu và được quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 229 BLDS 2015 có quy định: "Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước". Mức lương cơ sở hiện này theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP là 1.390.000 đồng.

Như vậy, nếu việc khai thác đã được đăng ký thì người khai thác được đá quý có quyền sở hữu, sử dụng định đoạt. Trường hợp người dân chưa đăng ký khai thác khoáng sản mà nhặt được, đào được thì phải báo cáo và giao nộp lại cho Nhà nước để được hưởng quyền lợi, nếu không sẽ bị tịch thu và xử phạt theo quy định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đào được đá quý sẽ bị tịch thu?