Khung hình phạt và xử lý tài sản khủng của Trưởng phòng thuộc Cục thuế vừa bị bắt như thế nào?

Thanh Phương| 21/03/2020 19:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều bạn đọc quan tâm về khung hình phạt và việc xử lý tài sản khủng mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thu giữ khi khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Ngọc Đính, Trưởng phòng thuộc Cục thuế tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý thế nào?

Khung hình phạt và xử lý tài sản khủng của Trưởng phòng thuộc Cục thuế vừa bị bắt như thế nào?

Cơ chức năng khám xét nơi làm việc của ông Đính

Như Báo Công lý đã đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt quả tang một Trưởng phòng của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khi đang nhận 100 triệu đồng từ một doanh nghiệp để được hoàn tất hồ sơ miễn tiền thuế.

Qua công tác điều tra, chiều 19/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang ông Nguyễn Ngọc Đính, sinh năm 1963, hiện là Trưởng phòng Pháp chế Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đang có hành vi cưỡng đoạt 100 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bước đầu, ông Nguyễn Ngọc Đính khai nhận: Từ tháng 2/2020, ông Đính được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ xét duyệt xin miễn thuế của 1 Công ty TNHH ở huyện Triệu Sơn. Quá trình thẩm định, ông Đính liên tục gọi điện cho Giám đốc công ty đe dọa hồ sơ của công ty không đủ năng lực nên sẽ đề nghị tước giấy phép kinh doanh và không được miễn số tiền 3,6 tỷ đồng...

Khung hình phạt và xử lý tài sản khủng của Trưởng phòng thuộc Cục thuế vừa bị bắt như thế nào?

Số tiền và 1 số tang vật của vụ án

Chiều 19/3, ông Nguyễn Ngọc Đính hẹn gặp bà H. (Giám đốc công ty) tại sảnh tầng 1 của khách sạn Lam Kinh và nói rõ với bà H. nếu muốn được giải quyết miễn thuế thì phải chung chi 100 triệu đồng. Mặc dù không muốn đưa tiền nhưng do sợ bị tước giấy phép kinh doanh và bị thu hồi đất nên bà H. chấp nhận giao tiền cho ông Đính.

Khi giao tiếp với bà H., ông Đính thường kiệm lời, chỉ ra hiệu bằng tay hoặc viết giấy. Khi được bà H. đưa tiền tại bàn uống nước, ông Đính đã không nhận mà ra hiệu để bà H. đi ra xe ô tô của ông Đính mới nhận tiền.

Sau khi nhận tiền, ông Nguyễn Ngọc Đính đang đi ô tô về Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa thì bị Cơ quan Công an bắt giữ, tịch thu toàn bộ số tiền 100 triệu đồng mà ông Đính vừa nhận của bà H.

Ông Đính bị bắt để điều tra, làm rõ về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự 2015:

“1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy khung hình phạt đối với ông Nguyễn Ngọc Đính sẽ từ 3- 10 năm tù giam.

Tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Ngọc Đính, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ 14 cuốn sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Ngọc Đính trị giá khoảng hơn 4 tỷ đồng, 1 máy tính xách tay và 3 thùng tài liệu có liên quan.

Số tiền này theo quy định ông Đính phải kê khai tài sản căn cứ quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Cụ thể, Điều 34. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

“1. Cán bộ, công chức. 2. Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp. 3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.”

Việc kê khai này phải hoàn thành trước 31/12/2019 theo quy định tại k1 Điều 36. Trong trường hợp ông Đính không kê khai thì sẽ xử lý hành vi kê khai không trung thực và yêu cầu giải trình nguồn gốc của tài sản.

Điều 51. Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực

“1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

2. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

4. Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.”

Trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng phát hiện, chứng minh đó là tiền liên quan tới các loại tội phạm về chức vụ như tham ô tài sản, nhận hối lộ… thì sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh này.

Được biết, Bộ Tài chính đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc xử lý công chức Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, căn cứ báo cáo của Tổng cục Thuế về việc ngày 19/3 cơ quan Công an tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện tạm giữ hình sự ông Nguyễn Ngọc Đính, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế, Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao cho Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá theo thẩm quyền thực hiện tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Ngọc Đính theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác xác minh, điều tra của cơ quan Công an tỉnh Thanh Hoá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá khẩn trương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc xác minh, điều tra, kết luận vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế cũng nhận nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát quá trình xử lý vụ việc của Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá và xử lý kỷ luật công chức (nếu có) theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khung hình phạt và xử lý tài sản khủng của Trưởng phòng thuộc Cục thuế vừa bị bắt như thế nào?