Đương sự không thể tự thu thập chứng cứ phải làm gì?

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla| 04/12/2019 16:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong các vụ án dân sự có những tài liệu chứng cứ mà tự bản thân đương sự có thể cung cấp được cho Tòa án.

Hiện tôi đang là nguyên đơn trong vụ án dân sự. Sau khi nộp đơn khởi kiện và thụ lý, Tòa án ra thông báo yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, có một số tài liệu tòa yêu cầu hiện nay đang được lưu giữ tại cơ quan khác. Khi tôi liên hệ để tiến hành thu thập thì bị làm khó và không thể tự mình thu thập được. Như vậy, mong luật sư cho biết khi không tự mình cung cấp các tài liệu chứng cứ cần thiết trong vụ án dân sự thì đương sự phải làm gì?

Độc giả Nguyễn Thị Mai (Hải Phòng) 

Trả lời Theo quy định tại Điều 93 BLTTDS 2015 thì “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”

Trong các vụ án dân sự có những tài liệu chứng cứ mà tự bản thân đương sự có thể cung cấp được cho Tòa án nhưng cũng có những tài liệu, chứng cứ mặc dù rất quan trọng và đương sự biết tới sự tồn tại của chứng cứ đó nhưng lại không thể thu thập được thì có thể làm theo những bước sau:

Thứ nhất, đương sự có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ cho mình để giao nộp cho Toà án. Việc yêu cầu cần được thể hiện bằng văn bản. Khi nộp đơn, văn bản yêu cầu cần có biên bản bàn giao đơn yêu cầu hoặc đương sự có thể gửi văn bản yêu cầu qua đường bưu điện để lấy bằng chứng chứng minh cho Tòa thấy tự bản thân đương sự không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ khi cần thiết.

Thứ hai, Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được:

Quy định này của BLTTDS là nhằm khắc phục những trường hợp đương sự không có khả năng, điều kiện để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên để tránh tình trạng đương sự không chịu tự thu thập chứng cứ trước khi yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ, Điều 106 BLTTDS quy định "Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.".

Đương sự cũng có quyền đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập theo yêu cầu của đương sự.

Ngoài ra, theo quy định mới của Luật Giám định Tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII đã thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2013 thì đương sự trong vụ án dân sự còn có quyền yêu cầu giám định “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Người yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Đây là sự mở rộng hơn so với Pháp lệnh giám định tư pháp 2004. Theo quy định của Pháp lệnh (Điều 1) thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án) mới được trưng cầu giám định tư pháp, đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ nêu trên chỉ có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định chứ không được trực tiếp yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đương sự không thể tự thu thập chứng cứ phải làm gì?