Với việc trộm cắp laptop của người hàng xóm bên cạnh để lấy tiền chơi game và ăn xài thì hành vi này có dấu hiệu tội trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
Ngày 15/10/2019 con trai tôi là Nguyễn Văn Tiến, năm nay 17 tuổi do mê chơi game quá nên cháu lấy trộm của nhà hàng xóm một cái máy laptop trị giá 18 triệu đồng đem bán để lấy tiền chơi game và tiêu xài. Trong lúc tiêu thụ, tẩu tán tài sản ăn trộm được thì bị công an bắt. Xin hỏi con trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không. Nếu bị truy cứu thì đó là tội gì? Mức án phạt tù là bao nhiêu? Nếu gia đình tôi tiến hành bồi thường cho hàng xóm giá trị chiếc laptop thì con tôi có được miễn truy cứu trách nhiệm không?
Nguyễn Văn Năm (Tuyên Quang)
Ảnh minh họa
Trả lời : Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất: Độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tính đến thời điểm tiến hành hành vi phạm tội cháu Nguyễn Văn Tiến 17 tuổi. Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cháu Tiến đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm:
‘‘Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác..’’
Như vậy, con trai bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Thứ hai: Truy cứu về tội trộm cắp tài sản
Cháu Nguyễn Văn Tiến lấy trộm của nhà hàng xóm một cái máy laptop trị giá 18 triệu đồng đem bán để lấy tiền chơi game và tiêu xài. Hành vi phạm tội của cháu Tiến là hành vi trộm cắp tài sản. Căn cứ theo điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 138. Trộm cắp tài sản:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Theo quy định nêu trên, với việc trộm cắp laptop của người hàng xóm bên cạnh để lấy tiền chơi game và tiêu xài thì hành vi này có dấu hiệu tội trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS, do không có tình tiết tăng nặng nên hành vi của cháu Tiến có định khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đây được xem là tội phạm ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, với hành vi trộm cắp tài sản là máy tính xách tay gây thiệt hại đến tài sản của người hàng xóm bên cạnh thì con trai anh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội ; phòng cháy chữa cháy ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, theo điều 584 BLDS năm 2015 cũng có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
‘‘Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác’.
Như vậy, với hành vi cố ý lấy trộm laptop, gây thiệt hại về tài sản cho nhà hàng xóm thì ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, con bạn còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà hàng xóm bằng tài sản của mình; nếu tài sản con bạn không đủ để bồi thường thì vợ chồng bạn phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. (khoản 2 Điều 586 BLDS).
Thứ 3: Nếu gia đình tôi tiến hành bồi thường cho hàng xóm giá trị chiếc laptop thì con tôi có được miễn truy cứu trách nhiệm không?
Việc gia đình tiến hành bồi thường cho hàng xóm trị giá chiếc laptop là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị hại. Đây không phải là căn cứ để được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 29 BLHS 2015:
‘‘Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.’’.
Mà căn cứ theo điểm b, khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
‘‘Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;’’
Theo đó, việc gia đình bạn tiến hành bồi thường thiệt hại là giá trị chiếc laptop cho gia đình hàng xóm là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của cháu Tiến.