Vụ tại nạn giao thông ở Vĩnh Phúc: Cần xem xét thấu tình, đạt lý, thể hiện tính nhân đạo

Phương Nam| 15/11/2018 09:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tế, có những vụ tai nạn giao thông xảy ra nhưng người điều khiển gây tai nạn đã bỏ chạy, lẩn trốn trách cả nhiệm pháp lý và dân sự… nhưng ở trường hợp dưới đây, sau vụ tai nạn là tình người đáng suy ngẫm và cần được xem xét sao cho thấu tình đạt lý.

Khoảng 11h00 ngày 15/2/2018 (trưa 30 Tết), tại km 8 + 500 đường tỉnh lộ 310B hướng từ đường 310 ra quốc lộ 2 thuộc địa phận thôn Vĩnh Tiến, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Đỗ Văn Tuyên điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 30E-166.54 đã đâm vào phía sau hộp xích xe mô tô BKS 29S6- 394.87 do ông Dương Xuân Trọng đang đi cùng chiều phía trước làm ông Trọng bị thương tích nặng, sau đó đã tử vong. Đỗ Văn Tuyên bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 260 BLHS.

Theo quy kết của VKSND huyện Bình Xuyên thì Tuyên đã điều khiển xe với tốc độ 91 km/h (tốc độ tối đa cho phép là 90 km/h) là quá tốc độ cho phép và không đảm bảo khoảng cách an toàn. Các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Bình Xuyên cũng xác định, sau khi gây hậu quả, Tuyên đã tích cực đưa nạn nhân đi cứu chữa nhưng không qua khỏi, tích cực thăm hỏi, động viên đồng thời tự nguyện bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần, lo toan các khoản ma chay… với tổng số 150 triệu đồng. Gia đình nạn nhân cũng nhiều lần có đơn đề nghị cơ quan pháp luật huyện không truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cơ quan truy tố cũng xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông này cũng có một phần lỗi của người bị hại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đã vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ. Bản thân Tuyên là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, lần đầu phạm tội với lỗi vô ý. Quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình nên được tại ngoại; có nơi cư trú ổn định, luôn chấp hành việc triệu tập đến làm việc của các cơ quan pháp luật.

Vụ án đã được TAND huyện Bình Xuyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đỗ Văn Tuyên 15 tháng tù giam. Theo các chuyên gia pháp lý thì hành vi phạm tội của Tuyên thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 260 BLHS. Tuyên có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, tận tình chạy chữa cho nạn nhân và tích cực thăm hỏi, bồi thường khắc phục hậu quả... nên có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS: “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” và điểm s khoản 1 Điều 51: “người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” đối với Tuyên là chính xác. Tuy nhiên, hành vi của Tuyên thuộc trường hợp tội ít nghiêm trọng và lần đầu phạm tội nên cần xem xét đến tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 51 BLHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Vụ tại nạn giao thông ở Vĩnh Phúc: Cần xem xét thấu tình, đạt lý, thể hiện tính nhân đạo

Đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Tuyên của vợ, con nạn nhân

Bên cạnh đó, Điều 54 BLHS về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ nên trường hợp của Tuyên cần được xem xét và Tòa án có thể xử theo tội danh có mức hình phạt thấp hơn. Theo khoản 1 Điều 260 BLHS thì Tuyên có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Cho nên, nếu không xử theo tội nhẹ hơn thì cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, vừa thực hiện theo chủ trương “giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt không giam giữ” nêu trong Nghị quyết 49 và cũng là thể hiện chính sách nhân đạo.

Quan trọng hơn là Nghị quyết số 02/2018- NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng quy định rất rõ các trường hợp có thể được hưởng án treo. Theo đó, tại Điều 2 quy định, người bị kết án phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện: Bị phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cứ trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định và xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho hưởng án treo không nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Ở trường hợp này, theo xác định của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bình Xuyên thì Đỗ Văn Tuyên có đầy đủ các điều kiện theo quy định trong Nghị quyết số 02 nêu trên.

Bên cạnh đó, trong đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho Đỗ Văn Tuyên, vợ và các con của nạn nhân đã nêu: “Sự việc không may đã xảy ra, hai bên đã giải quyết theo đúng đạo lý và pháp luật nên chúng tôi đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự anh Đỗ Văn Tuyên và như vậy cũng là tránh cho chúng tôi kéo dài những đau thương mất mát và đơn thư, ý kiến lên các cấp ngành. Rất mong được chấp nhận”.

Mới đây, vào ngày 30/10/2018, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Chiến đã nêu: “Về chế định án treo được quy định trong luật và được xem như là một chế định nhân đạo khi mà chúng ta ứng xử đối với các hành vi vi phạm. Theo chủ trương của Đảng được ghi trong Nghị quyết 49, phải giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt không giam giữ…”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tại nạn giao thông ở Vĩnh Phúc: Cần xem xét thấu tình, đạt lý, thể hiện tính nhân đạo