Ông Ngô Tấn Lâm, ngụ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang rất bức xúc vì vụ án “đòi đất” của gia đình ông đã 12 năm chưa giải quyết xong. Ông đã kiện UBND tỉnh Tiền Giang ra TAND tỉnh nhưng nhiều lần triệu tập, lãnh đạo UBND tỉnh “né” không ra hầu Tòa.
Ông Ngô Tấn Lâm cho biết, ông đang mang chứng bệnh hiểm nghèo nhưng phải cố gắng điều trị và cố gắng sống … để tiếp tục đòi công lý.
Theo hồ sơ, từ lâu gia đình ông Lâm yêu cầu UBND huyện Cai Lậy phải trả lại phần đất đã trưng dụng; Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy phải trả lại 200m2 tự ý chiếm của ông và các đơn vị này phải trả lại tiền đóng thuế và bồi thường thiệt hại trên diện tích đất của ông bị chiếm trong 28 năm qua là 672 triệu đồng.
Theo các tài liệu do ông Ngô Tấn Lâm và các cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 1985, UBND huyện Cai Lậy đến thương lượng (bằng miệng) với gia đình ông Ngô Tấn Lâm trưng dụng tạm 4.000 m2 đất vườn của ông để xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phía gia đình ông Lâm phản đối, nhưng UBND huyện Cai Lậy tự ý ra quyết định thu hồi đất và tổ chức lực lượng ngang nhiên đến chặt phá vườn cây sầu riêng của gia đình ông, đồng thời buộc ông phải ký nhận bồi thường 12.000 đồng tiền thiệt hại hoa màu. UBND huyện còn hứa khi nào không sử dụng phần đất này nữa sẽ trả lại cho ông, còn sử dụng luôn sẽ đền bù thỏa đáng cho gia đình ông.
Ông Ngô Tấn Lâm và phần đất của ông bị chiếm dụng
Dù phía UBND huyện Cai Lậy “trưng dụng” 4.000 m2 đất này nhưng chỉ sử dụng 500 m2 để xây dựng điểm thu mua, chế biến hàng nông sản do Công ty thương nghiệp huyện quản lý, phần đất còn lại bỏ hoang, lãng phí. Ba năm sau, cơ sở kinh doanh này làm ăn không hiệu quả phải giải thể. Phần đất 4.000 m2 đất của ông Ngô Tấn Lâm bị UBND huyện chuyển cho Văn phòng huyện ủy quản lý mà không hoàn trả lại cho chủ theo lời hứa ban đầu.
Sau đó 10 năm, phần đất này vẫn bị bỏ hoang. Ông Ngô Tấn Lâm nhiều lần làm đơn “xin” lại phần đất của gia đình nhưng vẫn bị chính quyền và các cơ quan chức năng huyện, tỉnh từ chối. Điều rất nghịch lý là trong khoảng thời gian bị mất đất đó, ông Lâm vẫn đóng thuế cho nhà nước (!).
Đến năm 2000, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang- Đoàn Văn Tâm ký Quyết định giao phần đất này cho Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy xây kho và bến tàu. Tuy nhiên sau đó, cơ quan này lại cho một doanh nghiệp thuê với giá 10 triệu đồng/tháng trong thời hạn 10 năm (2000- 2010). Điều đáng nói là doanh nghiệp này lại sử dụng phần đất trên làm kho chứa xăng dầu buôn lậu, chủ doanh nghiệp bị khởi tố và vào tù. Hiện nay, trên phần đất này bị doanh nghiệp thuê xây một biệt thự và một số hạng mục khác rồi bỏ phế.
Ngoài diện tích 4.000 m2 đất bị trưng dụng rồi cho thuê, ông Lâm còn bị Văn phòng Huyện ủy tự ý chiếm 200 m2 đất khác làm con đường cho ô tô ra vào phần đất trưng dụng. Quá bức xúc, ông Ngô Tấn Lâm đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các ngành, các cấp trong tỉnh và trung ương nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.
Thậm chí vào năm 1997, ông Ngô Tấn Lâm đã khởi kiện UBND tỉnh Tiền Giang ra TAND tỉnh do ban hành Quyết định 2979 không hợp lý. Qua nhiều nhiệm kỳ, UBND tỉnh Tiền Giang đều ký các quyết định, công văn có nội dung không hoàn trả lại đất cho ông Lâm mà chỉ hoàn tiền thuế ông đã nộp và tiền bồi thường phần 200 m2 đất mà Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy đã tự ý chiếm đoạt của ông.
Trong khi đó, theo Điều 45 của Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 nêu rõ: “Nhà nước trưng dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp khác. Hết thời hạn trưng dụng đất hoặc thực hiện xong mục đích trung dụng đất, Nhà nước phải trả lại đất và bồi thường thiệt hại cho người bị trưng dụng đất do việc trưng dụng đất gây ra”. Hơn nữa, theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007 thì Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy quản lý và cho thuê đất là sai quy định.
Một điều rất nghịch lý là trong quá trình ông Ngô Tấn Lâm khởi kiện UBND tỉnh Tiền Giang ra Tòa án trước đây thì Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang lúc đó lại ký Văn bản rút lại Quyết định 2979 do chính mình ký, đề nghị Tòa đình chỉ vụ án. Sau đó, ngày 8/10/2015, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại ký Công văn 4800 với nội dung bảo lưu Quyết định 2979 của Chủ tịch UBND tỉnh và không xem xét lại việc xin lại phần đất 4.000 m2 của ông Lâm đã bị UBND huyện Cai Lậy “trưng dụng” rồi sử dụng không đúng mục đích.
Về vụ việc này, Luật gia Nguyễn Văn Giáp- Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang cho rằng về tình và về lý thì UBND tỉnh sai hoàn toàn. Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định, sau đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn “can thiệp” quyết định của cấp trên là sai, không đúng thẩm quyền.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ này đã lâu, ông đã “bàn giao”cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Anh Tuấn. Trao đổi qua điện thoại, ông Tuấn nói đang bận họp và sẽ hẹn ngày trả lời sau… nhưng đến nay PV vẫn chưa nhận được sự trả lời của UBND tỉnh Tiền Giang.
Liên quan đến vụ việc này, TAND tỉnh Tiền Giang cho biết, chuẩn bị mời lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang để xét xử vụ án hành chính do ông Ngô Tấn Lâm khởi kiện yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang hủy các quyết định, công văn do lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang ban hành có liên quan đến việc UBND huyện Cai Lậy và Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy đã “trưng dụng” 4.000 m2 đất và chiếm đoạt của ông nhưng không sử dụng hợp lý, bỏ lãng phí. Nếu UBND tỉnh không đến sự thì Tòa sẽ xử vắng mặt.