Bảo vệ người lao động được hiểu là ngăn chặn mọi sự xâm hại có thể xảy ra đối người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Với vai trò đó “Bảo vệ người lao động ” là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của Luật lao động.
Bảo vệ việc làm cho người lao động
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn ở vị trị yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lí, điều hành của người sử dụng lao động. Chính pháp luật cũng thừa nhận điều đó. Với việc thừa nhận của pháp luật nên trên thực tế, xảy ra hiện tượng lạm quyền của người sử dụng lao động và dẫn tới những thiệt thòi cho người lao động. Từ đó, muốn tạo ra quan hệ lao động được bình đẳng hơn, pháp luật lao động đã có những quy định để bảo vệ người lao động, qua đó hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.
Việc xác định nguyên tắc này trước hết là dựa trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi, ngay từ những năm đầu phát triển nền kinh tế thị trường Đảng đã chủ trương là: “Phải tăng cường bảo vệ người lao động, trọng tâm là ở các doanh nghiệp”. Cụ thể hóa chủ trương này của Đảng, tại Hiến pháp năm 1992 đã có những quy định ghi nhận sự bình đẳng, bảo vệ người lao động (ở Điều 3, Điều 56). Từ cơ sở chủ trương của Đảng và Hiến pháp năm 1992, mà Bộ luật lao động năm 1994 và sau này là Bộ luật Lao động năm 2012 ra đời đều có những quy định, để cụ thể hóa nguyên tắc bảo vệ người lao động.
Trong các quy định của pháp luật lao động, nội dung của nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm trong việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà còn được pháp luật lao động biểu hiện trên nhiều phương diện: Việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm...
Bảo vệ người lao động trước hết là giải quyết và bảo vệ việc làm cho họ, để cho họ có duy trì cuộc sống. Chính vì vậy, pháp luật lao động có những quy định nền tảng về quyền có việc làm cho Người lao động, theo đó tại điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động có quyền: “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.
Từ việc xác định quyền của người lao động trong việc lựa chọn việc làm, pháp luật cũng ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước về việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động theo đó: “Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm” (Khoản 2 Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2012 ).
Bên cạnh đó, nguyên tắc bảo vệ việc làm cho người lao động còn được thể hiện, khi tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp chỉ được thực hiện khi phù hợp với các quy định của pháp luật lao động, để từ đó bảo vệ quyền lợi về việc làm của người lao động.
Bảo vệ quyền được trả lương theo thỏa thuận
Tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lí do, mà tiền lương của người lao động thường bấp bênh, không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra để làm việc. Vì vậy, vấn đề bảo vệ tiền lương cho người lao động là nội dung quan trọng trong nguyên tắc bảo vệ người lao động của luật lao động và để thực hiện mục đích này, pháp luật lao động đã có những quy định, qua đó bảo vệ tiền lương của người lao động.
Người lao động được pháp luật bảo vệ một cách toàn diện
Tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn, pháp luật lao động có quy định: “Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương” (Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012 ).
Bên cạnh đó, để bảo vệ người lao động, pháp luật lao động cũng quy định mức bồi thường, trả lương, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong những trường hợp làm việc do rủi ro khách quan hoặc do lỗi của người sử dụng lao động như bị ngừng việc, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải điều trị hoặc bị chấm dứt hợp đồng hay sa thải trái pháp luật… người lao động đều được người sử dụng lao động trả lương.
Bảo vệ quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, pháp luật cho phép người lao động ở bất kì doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước đều có quyền tham gia Công đoàn, điều này được thể hiện ở điểm c khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động có quyền: “Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật…”. Khi pháp luật đã ghi nhận quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn của người lao động, thì pháp luật có những quy định để đảm bảo quyền này của người lao động khi nghiêm cấm các hành vi của người sử dụng lao động đối với việc thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn của người lao động (Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2012 ).
Từ đây, có thể thấy quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động là một trong những quyền quan trọng trong nguyên tắc bảo vệ người lao động đã được pháp luật thừa nhận.
Bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động
Với tinh thần bảo vệ người lao động một cách toàn diện, bảo vệ tất cả các quyền con người trong lĩnh vực lao động thì các quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động là đối tượng quan trọng cần được pháp luật lao động coi trọng bảo vệ.
Vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng. Bộ luật lao động cũng quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho người lao động. Việc sử dụng lao động phải đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng lao động phải phải rút ngắn thời gian làm việc cho các đối tượng: Lao động tàn tật, lao động vị thành niên, lao động nữ mang thai, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại để đảm bảo sức khỏe cho họ.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm bằng bất cứ hình thức nào. Việc phân biệt đối xử, trả thù, trù dập người lao động vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Ngay cả khi người lao động vi phạm kỷ luật thì người sử dụng lao động cũng không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người lao động.
Những quy định trên là nhằm mục đích để bảo vệ người lao động khi họ tham gia vào các quan hệ lao động, điều đó đã trở thành nguyên tắc cơ bản và được pháp luật lao động ghi nhận.