Thực phẩm bẩn đang thực sự là một hiểm họa đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Lo ngộ độc, lo ung thư trở thành nỗi ám ảnh đối với chị em nội trợ và cả xã hội hiện nay.
“Người dân không ăn thì không thể tồn tại, còn ăn thì lại phó thác cho số phận vì thực phẩm bẩn" – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga từng chua xót nhận định trên nghị trường Quốc hội.
Thực phẩm chế biến tại sàn nhà
Rất nhiều biện pháp được sử dụng nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn nhưng dường như chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này ngày càng trầm trọng. Vì vậy, để ngăn chặn thực phẩm bẩn hiệu quả hơn, Quốc hội đã sử dụng pháp luật hình sự làm một công cụ để Nhà nước mạnh tay hơn đối với loại tội phạm này. Kể từ ngày 1/7/2016, BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, với chế tài nghiêm khắc hơn cho những hành vi vì lợi nhuận bất chính mà sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, hóa chất tạo ra thực phẩm bẩn.
Về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo pháp luật hiện hành người nào gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe của người tiêu dùng thì phải đối mặt mức án 1-5 năm, đến Điều 317 BLHS 2015 tội danh này được quy định chi tiết hơn và chế tài nghiêm khắc hơn. Khung hình phạt đã mở rộng từ 3 đến 20 năm thay vì 3-15 năm như luật cũ. Số tiền bị phạt cũng cao hơn, lên tới 500 triệu đồng.
Hay tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, mức phạt cao nhất của tội này cũng mở rộng tới 20 năm tù, còn ở luật cũ chỉ 15 năm. Nếu pháp nhân phạm tội trên có thể bị phạt tiền 1-15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, người phạm tội sẽ bị phạt tù chung thân nếu thuộc các tình tiết tăng nặng như thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên... Đối với tội phạm là pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 1-18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh. Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì bị phạt tiền 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với mức hình phạt cao nhất đến mức tù chung thân thì có thể nói Nhà nước có công cụ đủ mạnh để trừng trị những đối tượng có hành vi vi phạm các qui định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vấn đề chỉ còn ở việc vận dụng và áp dụng pháp luật vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.
Trở lại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng nguyên nhân của vấn nạn thực phẩm bẩn là do việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Quản lý tại nhiều ngành, nhiều cấp còn buông lỏng, cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý.
Do đó, bà Nga đề nghị “Chính phủ sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính”.
Xem ra nếu không có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan lập pháp đến hành pháp và tư pháp thì thực phẩm bẩn vẫn có đất sống.