Lừa đảo tinh vi, Huyền Như làm nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Văn Vũ| 26/12/2014 22:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự quen biết, thông hiểu quy trình nghiệp vụ, mẫu biểu của ngân hàng, Huyền Như đã “phù phép” hàng loạt hồ sơ giả vay tiền và chính sự tin tưởng quá mức mà nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”…

Chiều nay 26/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Bảo vệ cho Ngân hàng VietinBank, luật sư Lê Hồng Nguyên đồng ý với các ý kiến của các luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi VietinBank về việc giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của các nguyên đơn dân sự yêu cầu buộc VietinBank có trách nhiệm hoàn lại số tiền mà Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt.

Lừa đảo tinh vi, Huyền Như làm nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Các bị cáo tại phiên tòa

Luật sư Nguyên cho rằng, tôi đã nghe rất rõ chủ tọa nêu phạm vi xét xử phúc thẩm, Tòa án xét xử các bị cáo theo tội danh mà VKS đã truy tố. Trong vụ án này, với Huyền Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có tội “Tham ô tài sản”. Do đó, đề nghị của đại diện VKS xem xét hủy một phần án sơ thẩm theo tội danh tham ô là chưa có căn cứ.

Tiếp đó, luật sư Nguyên tập trung phân tích về tính pháp lý về việc mở tài khoản của Công ty An Lộc tại VietinBank; về mục đích sử dụng của việc mở tài khoản; nguồn gốc tiền gửi của Công ty An Lộc; về thỏa thuận lãi suất vượt trần; về hợp đồng gửi tiền của Công ty An Lộc; về sự tắc trách của Công ty An Lộc dẫn đến việc Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt; về việc VietinBank không hề có chủ trương huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, không biết gì về các giao dịch “thỏa thuận ngầm” giữa khách hàng với Huyền Như…

Sau khi phân tích, luật sư Nguyên cho rằng, hợp đồng gửi tiền giữa Công ty An Lộc và VietinBank là hợp đồng giả, không có giá trị pháp lý nhằm che đậy sự thật khách quan, có dấu hiệu tội phạm hình sự. Vì thế mong HĐXX không chấp nhận hợp đồng này, mối quan hệ dân sự giữa Công ty An Lộc và VietinBank.

Lừa đảo tinh vi, Huyền Như làm nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Quang cảnh tranh luận tại phiên tòa

Bên cạnh đó, luật sư Nguyên còn phân tích và viện dẫn những chứng cứ chứng minh về hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như. Luật sư Nguyên cho rằng, tiền bị chiếm đoạt là một chuỗi hành vi mà Huyền Như đã thực hiện dựa trên sự tắc trách của khách hàng. Cụ thể, Huyền Như tự bỏ tiền túi thanh toán cho các nhân viên công ty, trả lãi suất chênh lệch; hợp đồng chưa ký tiền đã vào tài khoản; trong hợp đồng ghi nhận cho bên B có quyền tự trích vào tài khoản tiền gửi. Như đã lợi dụng vào lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Sau khi lập luận và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Nguyên đề nghị HĐXX bác yêu cầu kháng cáo Công ty An Lộc và quan điểm của đại diện VKS.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng đại diện VietinBank đồng ý với quan điểm của các luật sư, đề nghị HĐXX bác yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn dân sư yêu cầu buộc VietinBank phải hoàn trả tiền do Huyền Như chiếm đoạt; bác ý kiến đề nghị của đại diện VKS.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương (gọi tắt Công ty Thái Bình Dương), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cảm ơn đại diện VKS đã có quan điểm đề nghị xem xét lại phần hậu quả thiệt hại đối với Công ty Thái Bình Dương; về việc khấu trừ số tiền thiệt hại…

Luật sư Thiệp cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên còn có nhiều vấn đề chưa có cơ sở pháp lý. Theo đó, luật sư Thiệp tập trung phân tích và viện dẫn căn cứ pháp lý về quy định kinh doanh; về hành vi của bị cáo Tuấn mà bản án sơ thẩm tuyên buộc; về vấn đề xác định việc gửi tiền có phải là hợp đồng ủy thác đầu tư hay không? Về bản chất việc sử dụng hợp đồng ủy thác… 

Luật sư Thiệp cho rằng, giao dịch giữa bị cáo Tuấn với VietinBank là giao dịch gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi theo quy định. Vì bản chất hợp đồng ủy thác đầu tư thì không thể có lãi cố định tính trên số ngày tiền gửi vào ngân hàng mà phải căn cứ theo hiệu suất kinh doanh. Đây cũng không phải việc cho vay tiền để hưởng lãi. Bị cáo Tuấn đưa số tiền nhàn rỗi của công ty gửi ngân hàng để hưởng lãi suất là việc làm theo chủ trương chung của công ty, người thực hiện là kế toán trưởng của công ty, tiền lãi nộp về công ty.

Liên quan đến số tiền hưởng lợi của bị cáo Tuấn là 72 tỷ 568 triệu, luật sư Thiệp đã phân tích về các chứng cứ sử dụng để đưa ra quy kết của bản án sơ thẩm; về những bất hợp lý trong việc xác định những số liệu; về việc hậu quả đã giảm từ 80 tỷ xuống hơn 21 tỷ; về nhân thân của bị cáo Tuấn…

Sau khi đưa ra luận điểm chứng minh, luật sư Thiệp mong HĐXX chấp nhận nội dung kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, xem xét lại các chứng cứ, tính toán lại số liệu. Bị cáo Phạm Anh Tuấn đồng ý quan điểm của luật sư.

Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Thanh, luật sư Phạm Thanh Khương cảm ơn HĐXX trong phần thẩm vấn đã cảm thông cho các bị cáo nhóm tội vi phạm quy định cho vay do hành vi lừa đảo của Huyền Như gây  ra.

Sau khi phân tích về hoàn cảnh phạm tội, ý thức phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, luật sư Khương cho rằng, xuất phát từ hành vi lừa đảo của Huyền Như quá tinh vi và hoàn hảo nên bị cáo Thanh không thể phát hiện. Do đó, luật sư Khương đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thanh đồng ý với quan điểm của luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân, nguyên giao dịch viên Phòng giao dich Đinh Tiên Hoàng, Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Đỗ Hải Bình thừa nhận rằng, bị cáo Ngân không phủ nhận về việc có sai sót liên quan đến 51 khoản vay cầm cố thẻ tiết kiệm. Số tiền thiệt hại là 239 tỷ đồng trên giá trị tài sản bảo đảm là 246 tỷ đồng.

Luật sư Bình cho rằng, tình tiết định tội trong nhóm tội này buộc phải có hậu quả xảy ra. Chưa có văn bản nào xác định thiệt hại của ACB. VietinBank cũng khẳng định không có thiệt hại nào. Vậy thiệt hại mà bản án sơ thẩm quy kết có cơ sở hay không? Còn quy kết cho rằng không có tài sản bảo đảm? Sổ tiết kiệm chính là tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, khi nhận nhiệm vụ giải ngân số tiền, bị cáo Phúc Ngân đã báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo. Từ đó cho thấy, hành vi phạm tội của bị cáo Ngân chưa được cấp sơ thẩm xem xét một cách toàn diện, khách quan, đầy đủ.

Sau phân tích và đưa ra cơ sở pháp lý, luật sư Bình đề nghị HĐXX xem xét cho hoàn cảnh phạm tội, thực hiện theo chỉ đạo cấp trên nên chấp nhận yêu cầu kháng cáo. Bị cáo Phúc Ngân đồng ý quan điểm bào chữa của luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng VIB, luật sư Trần Minh Hải tập trung phân tích về sự lừa đảo bằng thủ đoạn tinh vi của Huỳnh Thị Huyền Như dẫn đến bị cáo Danh là nạn nhân bị sập bẫy; về quyết định sai lầm từ phía Ban lãnh đạo VIB Tp. Hồ Chí Minh trong việc quyết định không cần đi xác nhận, phong tỏa tài sản bảo đảm về dẫn đến bị cáo Danh là nạn nhân của quyết định sai lầm này; về sự bất cập trong các quy định pháp luật cũng như quy định nội bộ liên quan đến quy trình nghiệp vụ tín dụng…

Sau khi lập luận và đưa ra cơ sở pháp lý, luật sư Hải đề nghị HĐXX xem xét đến nhân thân gia đình bị cáo có công cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quy, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Danh đồng ý với ý kiến của luật sư.

Sáng mai 27/12, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần tranh luận.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo tinh vi, Huyền Như làm nhiều nạn nhân “sập bẫy”