TAND tỉnh Đăk Nông: Chặng đường 10 năm xây dựng, trưởng thành

Mạnh Cường| 12/09/2014 17:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với đặc điểm là một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, cơ sở vật chất hạ tầng còn hạn chế… nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, trong 10 năm qua, Tòa án tỉnh Đắk Nông đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đi lên từ trong gian khó

TAND tỉnh Đắk Nông được thành lập theo Quyết định số 33/QĐ-TCCB ngày 16/1/2004 của Chánh án TANDTC. Lúc mới thành lập, hệ thống TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông gồm TAND tỉnh Đắk Nông và 6 TAND cấp huyện trực thuộc, với tổng số 55 cán bộ công chức, trong đó có 20 Thẩm phán, 23 thư ký, thẩm tra viên và 12 ngạch công chức, nhân viên khác. Sau 10 năm hình thành, số lượng công nhân, viên chức được bổ sung, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn. Với tổng số cán bộ, công chức của Tòa tỉnh đến nay là 141 cán bộ, công chức, trong đó có 46 Thẩm phán, 80 thư ký, thẩm tra viên và 15 ngạch công chức khác.

Nhắc lại những ngày tháng sơ khai, ai đã từng gắn bó với TAND tỉnh Đắk Nông thời khắc ấy chắc hẳn vẫn không quên những khó khăn, chật vật của cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và cả phương tiện đi lại. Không chỉ vậy, với đặc điểm là một tỉnh ở Tây Nguyên, được tách ra từ địa phận tỉnh Đắk Lắk với địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào, dân tộc và dân từ nơi khác di cư đến để cư trú làm ăn nên phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cán bộ, công chức Tòa án thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là thiếu đội ngũ Thẩm phán, thư ký, gây khó khăn cho công tác xét xử.

Với sự nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức Tòa án, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sau 10 năm thành lập, TAND tỉnh Đắk Nông đã không ngừng củng cố, kiện toàn về cơ cấu, tổ chức, bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức mà đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, thư ký để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn xét xử. Với nỗ lực đó, trong những năm gần đây, mỗi năm TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông đã tổ chức giải quyết, xét xử hơn 3.000 vụ án các loại, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, chính trị tại địa phương.

Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, lãnh đạo TAND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát và thực hiện đúng hướng dẫn của TANDTC. Đồng thời chủ động đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác.

TAND tỉnh Đăk Nông: Chặng đường 10 năm xây dựng, trưởng thành

Tập thể CBCC TAND tỉnh Đắk Nông chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm

Trước những khó khăn thách thức, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông luôn đôn đốc cán bộ công nhân viên trong hệ thống Tòa án của tỉnh không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức. Xác định công tác tổ chức cán bộ là khâu then chốt trong hoạt động của Tòa án nên đơn vị đã thường xuyên rà soát, kịp thời báo cáo và đề nghị TANDTC và cấp ủy bố trí, tăng cường cán bộ để đảm bảo về số lượng và chất lượng; đồng thời chủ động phân bổ, điều động hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức mà đặc biệt là Thẩm phán, thư ký cho từng đơn vị, đảm bảo công tác xét xử không để án bị tồn đọng. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia được đào tạo, học tập các lớp nghiệp vụ, tập huấn do TANDTC tổ chức; chú trọng tổ chức công tác tập huấn nghiệp vụ và tổng kết kinh nghiệm xét xử tại địa phương để kịp thời bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và Hội thẩm nhân, qua đó kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa sai sót.

“Đất cằn nay đã nở hoa”

Nhằm đổi mới và nâng cao hoạt động của Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị đã đề ra, TAND tỉnh đã tiến hành đổi mới thủ tục hành chính tư pháp theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính tư pháp và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Tòa án. Cụ thể, tháng 10/2010, TAND tỉnh Đắk Nông thành lập Tổ thụ lý và tiếp dân trực thuộc Văn phòng TAND tỉnh, giao đồng chí Chánh Văn phòng làm Tổ trưởng để hỗ trợ cho hoạt động xét xử của Tòa án, giải quyết các yêu cầu trước và sau các phiên tòa xét xử. Đây cũng là đầu mối liên thông thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động xét xử, bao gồm: tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến, đơn thư khiếu nại, tố cáo, công văn; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý, thống kê số lượng án đầu vào đầu ra, án tồn và các thủ tục hành chính tư pháp khác của Tòa án. Đồng thời ban hành quy chế tiếp công dân, niêm yết công khai tại Tổ thụ lý và tiếp dân các thủ tục hành chính, tư pháp theo quy định của pháp luật để công dân, cơ quan, tổ chức theo dõi và bố trí ba cán bộ thường trực tại bộ phận để tiếp nhận hồ sơ, tiếp công dân, các kiến nghị, phản ánh và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức.

Để công tác giải quyết án có hiệu quả, TAND tỉnh đã thường xuyên tổ chức họp giao ban giữa lãnh đạo TAND tỉnh, các Tòa, phòng và lãnh đạo TAND cấp huyện để kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm trong xét xử. Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, kiên quyết xử lý cán bộ có hành vi vi phạm; định kỳ tổ chức kiểm điểm đối với Thẩm phán có án bị cải, hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan.

Có được kết quả toàn diện như ngày hôm nay là sự chung tay của lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, nhân viên. Công tác xét xử đặc biệt được chú trọng, trong đó nắm bắt được tình hình, tập quán sinh sống của người dân. Chánh án TAND tỉnh luôn chỉ đạo đẩy mạnh xét xử lưu động để tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân, nhằm ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Theo Chánh án Nguyễn Văn Úy, việc đưa ra xét xử lưu động thực sự quan trọng bởi người dân nơi đây trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Từ những vụ án cụ thể, con người phạm tội cụ thể và từ những mức án cụ thể, người dân thấy dễ hiểu hơn, tiếp cận pháp luật hiệu quả hơn...

Năm 2014, sau chặng đường 10 năm kể từ khi đặt những viên gạch đầu tiên cho đến nay, TAND tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả nhất định. Để tiếp tục với những kết quả đó, đội ngũ cán bộ công chức TAND tỉnh Đắk Nông quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2014. “Làm được điều đó, trước hết phải tổ chức quán triệt và triển khai tốt việc thi hành Hiến pháp năm 2013 đối với TAND hai cấp; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị…”, Chánh án Nguyễn Văn Úy nhấn mạnh.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Văn Úy, ngoài việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, TAND tỉnh còn chú trọng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo 100% các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội; không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Trong thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xét xử lưu động các vụ án hình sự; làm tốt hơn nữa công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và tăng đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính… Bên cạnh đó, Tòa án tỉnh cũng chú trọng đến tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hai cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Mặt khác, đơn vị cũng tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm công tác xét xử giữa TAND tỉnh Đắk Nông với Tòa án một số tỉnh của nước bạn Campuchia, Lào…

Có thể nói rằng, giữa muôn vàn khó khăn, TAND tỉnh Đắk Nông đã từng bước khắc phục và đã đạt được những kết quả đáng kể. Trong nhiều năm liền, đơn vị vinh dự nhận bằng khen của Chánh án TANDTC, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Để có được những thành quả đó là nhờ vào sự chung tay, đồng sức, đồng lòng của tập thể cán bộ công chức của cả hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh. 10 năm không phải là ngắn, cũng chưa phải là dài để đánh dấu một quá trình phát triển, nhưng có thể khẳng định, ai cũng thấy được nơi núi rừng xa xôi, sỏi đá ấy, những “bông hoa Tòa án” đã nở và khoe sắc, bất chấp mọi khó khăn… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Đăk Nông: Chặng đường 10 năm xây dựng, trưởng thành