Chiều nay (8/1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm đã kết thúc phần công bố cáo trạng, chuyển sang phần xét hỏi.
Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) khai quá trình chuẩn bị ký hợp đồng Tổng thầu EPC số 33 ngày 28/2/2011 gồm 14 điều khoản, nhưng bị cáo không nhớ cụ thể nội dung các điều khoản. Tuy nhiên, Vũ Đức Thuận thừa nhận hợp đồng này chưa đầy đủ điều kiện pháp lý.
Do PVC khó khăn về tài chính, muốn có tiền trả nợ ngân hàng và sử dụng vào những mục đích khác nên đã ký hợp đồng để có tiền. Bị cáo này cho biết thêm, năng lực tài chính của PVC từ 2010 trở đi rất khó khăn, công ty cũng không có kinh nghiệm để thực hiện dự án lớn như Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khai, trong các cuộc họp giao ban ngày 1/6/2011 tại công trường, ông Đinh La Thăng đề nghị tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị Hợp đồng. Quá trình chuẩn bị ký kết Hợp đồng chuyển giao về Tập đoàn, bị cáo hoàn toàn không được tham gia. Sau khi đã chuyển về PVN, ông Thăng yêu cầu dự án này là dự án trọng điểm quốc gia, được thực hiện cơ chế đặc thù nên cần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.
Bị cáo Vũ Đức Thuận (Ảnh: Hải Đăng)
Nguyên Phó Tổng GĐ Sơn khai, việc chỉ đạo chuyển tiền cho PVC, Sơn thực hiện theo phân công của Tập đoàn. PVN có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng. Ở thời điểm đó, Sơn khai không nhận thức được rằng Hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện. Bị cáo này nói chỉ biết rằng đây là dự án lớn cần phải có cơ chế đặc thù.
Sau đó có nghị quyết chuyển về Tập đoàn nên bị cáo nghĩ hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Nguyễn Xuân Sơn khai: “Sau này khi được Viện kiểm sát cho biết, bị cáo mới nghĩ rằng hợp đồng này vi phạm quy định của pháp luật và mình đã có những sai sót”.
Bị cáo này cũng nói thêm: "Bị cáo thấy rằng mình có trách nhiệm quản lý tài chính của Tập đoàn. Còn trách nhiệm kiểm tra giám sát nhà thầu sử dụng tiền có đúng mục đích hay không là trách nhiệm của Trưởng ban quản lý dự án".
Cũng trong phiên tòa chiều nay, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) khai: Khi Hợp đồng EPC số 33 được ký kết, bị cáo chưa được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng, sau này có đọc lại Hợp đồng và thấy nhiều nội dung còn sơ sài.
Từ đó, bị cáo có báo cáo nhanh về tình hình tài chính được làm hàng tháng, quý, phân tích đánh giá tình hình tài chính của đơn vị. Sau đó, báo cáo này đã gửi lên HĐQT và có báo cáo với bị cáo Thuận, Tiến.
Thuận có họp đánh giá về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2011 và khen báo cáo làm cẩn thận, dặn bị cáo tập trung thu hồi, giám sát tài chính để làm cho tài chính lành mạnh hơn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Ảnh: Hải Đăng)
Nội dung báo cáo, ngày 30/4/2011 PVC đã đầu tư quá vốn điều lệ 1.013 tỷ, PVC đã vay hơn 800 tỷ trên tổng số 721 tỷ được phê duyệt hạn mức; hầu hết các khoản nợ này đến quý 3/2011 đến hạn trả nợ; tình hình công nợ phải thu của PVC rất lớn và bị các đơn vị chiếm dụng vốn, trong khi PVC phải đi vay lãi ngân hàng; rủi ro tình hình tài chính do các khoản đầu tư của PVC nếu các đơn vị không có những cải thiện trong công tác tài chính thì PVC sẽ phải trích lập dự phòng.
Số tiền tạm ứng cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, thời điểm đó tình hình tài chính của PVC mất cân đối trầm trọng. Các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn phải trả nợ, nên khi tiền tạm ứng về hầu hết ngân hàng thu nợ trên tài khoản.
Đối với khoản đầu tư tài chính, theo phương án tăng vốn được ĐHCĐ phê duyệt, khi phương án tăng vốn được hoàn thành, nhưng HĐQT ra nghị quyết góp vốn trước khi phương án tăng vốn hoàn thành, trước tình trạng đó bị cáo Đạt có báo cáo HĐQT, Ban Tổng Giám đốc về tình hình tài chính khó khăn, bị cáo biết là mình sai nhưng không có cách nào khác.
Bị cáo Phạm Tiến Đạt (Ảnh: Hải Đăng)
Liên quan đến khoản đầu tư tài chính bị cáo thực hiện theo nghị quyết HĐQT, bị cáo Đạt không nhớ cụ thể ai chỉ đạo trực tiếp vì có rất nhiều nghị quyết. Riêng khoản trả nợ ngân hàng là 763 tỷ đồng, còn lại đầu tư góp vốn vào các đơn vị hơn 200 tỷ đồng, hỗ trợ vốn lưu động cho các công trình hơn 100 tỷ.
Bị cáo Đạt nói thêm, theo nhận thức ban đầu, bị cáo làm về tài chính nên việc thu xếp tiền nhàn rỗi phục vụ cho nhu cầu trước mắt thì sẽ tạm sử dụng sau đó thu hồi về để trả lại, bị cáo nghĩ chắc là sẽ không gây hậu quả gì.
Sau này làm việc với cơ quan điều tra bị cáo đã nhận thức được việc làm đó là sai.
Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng GĐ PVC) trả lời HĐXX: Số tiền tạm ứng về Tổng công ty, bị cáo có chi một số khoản góp vốn theo chỉ đạo của Chủ tịch và TGĐ.
Bị cáo này tiếp tục cho rằng, là người phụ trách tài chính kế toán của công ty, bị cáo nhận thức thời điểm đó chỉ nghĩ rằng số tiền vi phạm sẽ được hoàn trả lại. Bị cáo nhận thức được hành vi của bị cáo là sai quy định. Bị cáo không nhớ số tiền cụ thể mình đã chi, nhưng tổng số tiền tạm ứng là trên 1.300 tỷ đồng và hơn 6 triệu USD, trong số đó bị cáo sử dụng sai mục đích trên 1.300 tỷ đồng.
Trước HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng BQL Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) khai: Năng lực của PVC là rất yếu nên cần phải có nhà thầu nước ngoài trong giai đoạn chuyển giao chủ thể… Bị cáo đã cảnh báo với lãnh đạo tập đoàn bằng 3 văn bản rằng Hợp đồng số 33 có vấn đề và không đủ điều kiện thực hiện, đề nghị tập đoàn có ý kiến về việc này, nhưng tập đoàn vẫn không có ý kiến gì.
Bị cáo Vũ Hồng Chương đối chất với Nguyễn Xuân Sơn tại tòa (Ảnh: Hải Đăng)
"Cụ thể, bị cáo đã báo cáo trực tiếp cho TGĐ Phùng Đình Thực. Tuy nhiên, bị cáo Sơn nói nội dung công văn của Chương gửi lên có 2 ý, bị cáo thấy như thế là không ổn và đã có công văn hướng dẫn rất rõ để Ban quản lý thực hiện. Bị cáo bị ép bởi lãnh đạo tập đoàn. Tôi đã làm hết tất cả mọi trách nhiệm nhưng vẫn không cản được anh Đinh La Thăng và TGĐ lúc nào cũng giục phải giải quyết nhanh...Tôi lại là cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên, trong quy chế tập đoàn bị cáo phải thực hiện công việc do TGĐ phân công"- bị cáo Chương khai.
8 giờ sáng mai (9/1) phiên tòa xét xử sẽ tiếp tục làm việc.