Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Thẩm quyền của Tòa án và quyền khởi kiện của đương sự cần được quy định rõ

27/06/2014 12:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phải xác định thẩm quyền của Tòa án; bổ sung quyền khởi kiện vụ án dân sự, hành chính của đương sự và làm thế nào để đảm bảo tính khả thi trong công tác thi hành án dân sự (THADS)…

Đây là những vấn đề quan trọng mà nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp thu, chỉnh lý ở Dự thảo Luật THADS (sửa đổi).  

 

Phải đảm bảo tính khả thi trong THADS

 

Tại Điều 7, Điều 29 Dự thảo quy định: “Người được THA có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; yêu cầu cơ quan THADS hoặc tổ chức có thẩm quyền ra quyết định THA và tổ chức việc THA. Người yêu cầu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện”.

 

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định THA (khoản thi hành cho công dân) theo hướng: Tòa án (hoặc Cơ quan THA) phải ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được THA phải có đơn yêu cầu THA. Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không THA, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THA lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA.

 

Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Thẩm quyền của Tòa án và quyền khởi kiện của đương sự cần được quy định rõ

Nhiều địa phương có số vụ tai nạn giao thông tăng

 

Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, đã có bản án thì phải THA, nếu không được thi hành thì công lý không được thực hiện một cách đầy đủ, cũng như không bảo đảm tính khả thi của pháp luật. Các ý kiến khác cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu quy định phải làm đơn yêu cầu THA thì vô hình chung lại có tác dụng ngược lại bởi trong nhiều trường hợp, người được THA không đồng tình với bản án và muốn kéo dài thời gian THA nên không làm đơn. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, có những vụ án lớn như Vinashin đã rất khó khăn trong việc THA chỉ vì các đơn vị "con” của Vinashin không có đơn yêu cầu.

 

TS. Đào Thị Xuân Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định, nếu giữ nguyên quy định hiện hành thì chưa thật sự đổi mới theo tinh thần của Hiến pháp và chủ trương cải cách tư pháp. Trong khi thực tiễn cho thấy, quy định hiện hành đã gây khó khăn, phiền hà cho các đương sự, người được THA. Và, không ít trường hợp, người được THA không biết hoặc không kịp thời làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định THA nên đã để quá thời hiệu yêu cầu THA, bị mất quyền được THA. 

Xác định đúng thẩm quyền của TAND trong THADS  

 

Theo pháp luật hiện hành, việc ra quyết định đưa bản án, quyết định về dân sự và hành chính của Tòa án ra thi hành và việc tổ chức THA thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS. Thông qua tổng kết công tác THADS của Chính phủ và qua kết quả nghiên cứu đề án: “Về thực hiện việc quản lý công tác THA” do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì cho thấy, pháp luật trong  THADS, hành chính chưa xác định đúng thẩm quyền và trách nhiệm của Tòa án, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giữ vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp, có sự cắt khúc, tách rời hoạt động xét xử với hoạt động THADS. 

 

Tòa án không có thẩm quyền ra quyết định THADS (như đã ra quyết định THA hình sự) nên không nắm được tình hình, kết quả thi hành bản án, quyết định do Tòa án ban hành; không phát hiện kịp thời và chưa gắn trách nhiệm giải quyết những hạn chế, sai sót của bản án, quyết định do Tòa án tuyên, làm cho trong một số trường hợp, công tác THADS gặp không ít khó khăn và bản án, quyết định của Tòa án không được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. 

 

TS Đào Thị Xuân Lan cho rằng, chủ trương, mục đích cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta là đề cao vai trò, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của TAND (cơ quan thực hiện quyền Tư pháp) trong hoạt động THA, để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác THA, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, trong đó có việc cần thiết phải xem xét để hoàn thiện quy trình, thủ tục pháp lý về công tác THADS; tăng thêm và ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán khi ra phán quyết phải có chất lượng tốt và khả thi, phải được thi hành và phải bảo đảm thi hành được, đồng thời rút ngắn trình tự, thủ tục của quá trình THADS. Vì vậy, việc giao trách nhiệm cho TAND ra quyết định đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành, còn cơ quan THA sẽ chỉ là cơ quan tổ chức THA là phù hợp với thực tiễn và thông lệ tổ chức THADS của nhiều nước trên thế giới.

 

Nên bổ sung quyền khởi kiện của đương sự

 

Trong thực tiễn THADS vẫn còn có những vướng mắc, bất cập, đó là có nhiều đương sự không đồng ý với một số quyết định và một số hành vi của cơ quan THA, của người có thẩm quyền trong cơ quan THA. Đương sự khiếu nại và khởi kiện theo Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính thì bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết (vì Luật hiện hành không có quy định). 

 

Về bản chất, mô hình tổ chức các cơ quan THADS hiện nay đang trực thuộc hệ thống Cơ quan hành chính Nhà nước. Theo sự phân công, thực hiện và kiểm soát quyền lực Nhà nước quy định tại Điều 94 của Hiến pháp thì đây là cơ quan có nhiệm vụ thực hiện quyền hành pháp. Vì vậy, các quyết định và hành vi của cơ quan THADS, trong quá trình tổ chức THADS là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan này. Theo quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật Tố tụng hành chính, các quyết định và hành vi này khi bị khởi kiện sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Hành chính TAND.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Luật sửa đổi lần này vẫn tiếp tục không quy định quyền khởi kiện cho đương sự trong quá trình THADS thì sẽ không phù hợp với Hiến pháp, với hệ thống pháp luật hiện hành và sẽ bỏ sót một quyền quan trọng của người dân được tham gia tố tụng và không bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã dẫn chứng, qua giám sát, khảo sát và qua tiếp xúc cử tri cho thấy, không phải quyết định nào và hành vi nào của Cơ quan THA và của người có thẩm quyền trong Cơ quan THA đều đúng pháp luật, có nhiều trường hợp quyền lợi của các đương sự bị ảnh hưởng như: Người được thi hành có đơn yêu cầu THA nhưng cơ quan THA không tổ chức thi hành hoặc nhiều trường hợp tạm dừng, tạm hoãn THA không đúng quy định, nên cần phải được phán quyết bởi cơ quan có thẩm quyền.

 

Vì vậy, các đại biểu đề nghị bổ sung đầy đủ quyền khởi kiện vụ án hành chính vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. 

 

Mai Thoa

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Thẩm quyền của Tòa án và quyền khởi kiện của đương sự cần được quy định rõ