Lừa xuất khẩu lao động sang Hà Lan, Hàn Quốc chiếm đoạt tiền tỷ

Mạnh Hùng| 07/11/2019 16:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 7/11, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với nhóm bị cáo trong vụ án lừa đảo đi xuất khẩu lao động, chạy xin việc vào ngành công an và bệnh viện, tuy nhiên do vắng mặt nhiều bị hại nên HĐXX đã buộc phải hoãn phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Phùng Thị Mười (SN 1972, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), Trần Thị Sen (SN 1947, trú tại phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) và bị cáo Lương Văn Hiếu (SN 1988, trú tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), các bị cáo này cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 174 – BLHS năm 2015.

Lừa xuất khẩu lao động sang Hà Lan, Hàn Quốc chiếm đoạt tiền tỷ

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay

Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Phùng Thị Mười vốn làm nghề tự do, tuy nhiên bị cáo này đã tự “nổ” là Phó Giám đốc một Công ty có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Mười khoe có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và có người quen làm ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo đó, Mười nói với các bị hại rằng mình có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan. Mười hứa hẹn “như đinh đóng cột”, người lao động nộp hồ sơ, tiền sẽ được sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan trong thời gian 5 năm. Chi phí cho việc đi xuất khẩu lao động ở những nước này 10.000-13.000 USD/người. Thời gian xuất cảnh từ 3  - 6 tháng sau khi nộp đủ tiền.

Để chiếm được niềm tin “trọn vẹn” của những bị hại, Mười đã thuê Lương Văn Hiếu làm trợ lý tuyển dụng lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng và Trần Thị Sen là người tìm nguồn lao động cho Mười và được trả công 1.000 USD/hồ sơ. Cả hai bị cáo đều biết Mười không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động sang các nước trên.

Tin tưởng vào khả năng của Mười và các đồng phạm, trong thời gian 3 năm, từ 2015 - 2018, đã có 137 người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động đã nộp tiền trực tiếp cho bị cáo hoặc trung gian, tổng cộng hơn 30 tỷ đồng.

Cũng theo cáo buộc của cơ quan chức năng, bị cáo Mười là người trực tiếp nhận tiền của 86 lao động với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Mười không thực hiện cam kết và không trả lại tiền cho các bị hại.

Ngoài lừa đảo xuất khẩu lao động, Mười còn chiếm đoạt 280 triệu đồng của một bị hại khác và hứa xin cho bị hại này vào biên chế chính thức ngành công an.

Bên cạnh đó, bị cáo này còn có hành vi chiếm đoạt 250 triệu đồng của một nạn nhân khác, hứa xin cho người này vào làm việc tại một bệnh viện tại Hà Nội.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay do vắng nhiều bị hại trong vụ án nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn xử để triệu tập, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị hại trong vụ án này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa xuất khẩu lao động sang Hà Lan, Hàn Quốc chiếm đoạt tiền tỷ