Chiều nay (29/5), phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong sự cố chạy thận xảy ra ở Hòa Bình khiến nhiều ngươi tử vong diễn ra ở phần tranh tụng, Viện Kiểm sát đã đối đáp với các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo.
Đáng chú ý, trong phiên tòa chiều nay, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung do xuất hiện tình tiết mới.
Theo quan điểm của VKS, vi bằng do Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cung cấp về băng ghi âm cuộc gọi điện giữa ông Hoàng Công Tình và Đinh Tiến Công, VKS cho rằng có dấu hiệu của việc hợp lý hóa tài liệu. Có hay không việc đối phó với cơ quan điều tra hay đổ trách nhiệm cho bị cáo Hoàng Công Lương, Viện Kiểm sát cho rằng cần phải làm rõ việc này.
Với hai công văn của Bộ Y tế gồm: Công văn 4342 ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Công văn số 2322 ngày 27/4/2018 gửi Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương). VKS xác định hai công văn này có mâu thuẫn về nội dung.
Qua trả lời của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, VKS thấy ông Quang không nắm được nội dung này, do vậy cần xem xét mâu thuẫn giữa hai công văn của Bộ Y tế vì gây ảnh hưởng trực tiếp đến xác định tội danh của các bị cáo. Cần làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan đến những nội dung này. Đại diện Viện Kiểm sát nói: “Viện Kiểm sát xác định đây là tình tiết mới cần điều tra bổ sung, do vậy VKS đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ bổ sung”.
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử
Trước việc 6 Luật sư của Hoàng Công Lương đều cho rằng Lương vô tội và chứng chứ buộc tội đã bị thay đổi, VKS cho biết trong luận tội và trong cáo trạng VKS chưa bao giờ khẳng định Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, Lương chỉ được giao phụ trách về chuyên môn.
Theo đó, VKS khẳng định nhiệm vụ của Hoàng Công Lương được giao phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên bởi những căn cứ sau: Vì có chuyên môn phù hợp nên được giao phụ trách chuyên môn theo lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu. Luật sư Chiến cho rằng Lương chỉ phụ trách chuyên môn điều trị, nhưng tại Cơ quan điều tra Lương khai rõ được ông Khiếu phân công bằng miệng phụ trách chuyên môn và quản lý phân công điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ông Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình, và Đinh Tiến Công tại phiên tòa đều ghi nhận nhiệm vụ của Lương, ngay ngày 29/5/2017 và 29/6/2017, Tình khai Lương có trách nhiệm chính trong việc ra y lệnh, độc lập với khoa HSTC.
Ngoài ra còn có 11 y bác sỹ và điều dưỡng khẳng định Lương được giao. Việc các cá nhân này thay đổi lời khai tại tòa, Viện Kiểm sát cho rằng không thể dựa vào lời khai thay đổi này vì trước khi họ được xem sổ họ đã khai là bác sỹ Lương được phân công nhiệm vụ quản lý đơn nguyên. Những điều dưỡng viên khai tại tòa là chưa đúng nên VKS không áp dụng quy tắc suy đoán vô tội.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của luật sư về việc ông Khiếu có quyền giao nhiệm vụ cho Lương hay không. Đại diện VKS khẳng định ông Khiếu có quyền vì đây không phải là phân công nhiệm vụ quản lý.
Nói về hành vi khách quan của Hoàng Công Lương tại phiên tòa đã được làm rõ, ngày 29/4/217, Lương ký đề xuất sửa chữa RO2 và biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị, trong đó có nội dung tẩy, rửa màng RO, do đó Lương phải nắm được nội dung mình đã ký. VKS khẳng định đây không phải là hành vi nguy hiểm nhưng đặt ra vai trò của bị cáo Lương với vai trò là người ký.
Ngày 29/5/2017 chỉ nghe điều dưỡng thông báo hệ thống RO đã sửa xong, bị cáo buộc phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng vì VKS dựa vào quy trình kỹ thuật lọc máu đã quy định rõ 8 bước trong chạy thận nhân tạo, trong đó có bước 1 là kiểm tra máy trong tình trạng vô trùng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Theo đó, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng bị cáo Lương cần phải biết việc này, phù hợp với công văn 4342 Bộ Y tế đã trả lời Cơ quan CSĐT.
VKS không cáo buộc bị cáo Lương phải biết nguồn nước theo tiêu chuẩn nào mà chỉ cáo buộc bị cáo phải biết tầm quan trọng của nước RO 2, nghĩa là phải đảm bảo an toàn trước khi vào cơ thể người bệnh.
Với vai trò là người đề nghị sửa chữa và phụ trách tại đơn nguyên, bị cáo không thể chỉ nghe qua lời 1 điều dưỡng viên thông báo mà phải dựa vào quyền của người bệnh là được khám và chữa bằng phương pháp an toàn, nên buộc bị cáo phải kiểm tra lại thông tin hệ thống RO đã an toàn.
Bên cạnh đó, VKS cũng khẳng định Lương không buộc phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước nhưng căn cứ vào QĐ 1195 của Trưởng khoa lọc máu phải kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào chạy thận. Quy trình thực hiện có quy định cụ thể một bác sỹ điều trị phải thăm khám và ra y lệnh. Do vậy, trước khi ra y lệnh phải đảm bảo tất cả các bước này theo quy định.
Bị cáo Lương với vai trò là người phụ trách chuyên môn nhưng đã tự ý ra y lệnh khi chưa xin ý kiến của Trưởng khoa nên Lương phải chịu trách nhiệm.
Nguyên nhân chính đầu tiên vẫn là do nguồn nước do Quốc làm có hóa chất tồn dư. Nhưng nguyên nhân thứ hai là Lương không thực hiện các bước kiểm tra. Trong trường hợp Lương đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì Lương sẽ bị miễn trừ trách nhiệm.
Theo đó, qua xét hỏi, bằng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vị đại diện VKS khẳng định các nạn nhân lọc máu chu kỳ chứ không phải lọc máu cấp cứu. Ngay sau khi sự cố xảy ra, theo hồ sơ, tùy từng thể trạng của từng người, 10 nạn nhân còn sống thì 4 nạn nạn nhân không bị ảnh hưởng nhiều, trong đó có 2 bệnh nhân tự đi về trong ngày, do đó VKS loại trừ tình huống cấp thiết và Bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân.
Về trách nhiệm dân sự, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng tại sao không xử lý trách nhiệm hình sự ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. VKS xác định Thiên Sơn có hành vi vi phạm chuyển nhượng thầu, đối với những vấn đề liên quan đến ông Đỗ Anh Tuấn, nếu các luật sư có căn cứ thì kiến nghị để xử lý trong vụ án khác.
Cũng trong phần đối đáp, VKS xác định trong vụ án này nguyên nhân gây ra hậu quả là 3 bị cáo, 3 bị cáo này thuộc người của pháp nhân nào thì pháp nhân đó phải chịu bồi thường.
Riêng bị cáo Quốc là Giám đốc Công ty Trâm Anh nhưng thực hiện hợp đồng với tư cách là người của Công ty Thiên Sơn nên VKS giữ quan điểm Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Ngoài ra, VKS cũng cho rằng, qua phần xét hỏi tại, thấy một số gia đình đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo Lương, nên VKS áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lương về việc này. Còn các gia đình có người bị tử vong không xin giảm nhẹ vì cho rằng Hoàng Công Lương không có tội, Viện Kiểm sát không cho đây là tình tiết giảm nhẹ.