Ngày 09/7/2015,TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Thị Thanh Phương (SN 1959, thường trú tại Tiểu khu 5, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Theo cáo trạng, năm 2008, Trần Thị Thanh Phương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần du lịch Hà Tây tại Hà Nội nay là Cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu và nhân lực Quốc Tế (Giám đốc Chi nhánh Hà Nội) dùng Hợp đồng cung ứng lao động số 01/2007/HATTOCO- VIETVANDA và Quyết định của Giám đốc Cty CPDL Hà Tây số 188/QĐ-XKLĐ, ngày 05/10/2007, đã hết giá trị sử dụng, liên kết với Lê Minh Toàn (tức Lê Xuân Vàng - Trưởng Văn phòng LOD Huế, thuộc Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài của Bộ Giao thông vận tải, để tuyển 60 lao động tại Thừa Thiên Huế đi XKLĐ tại Cộng hoà Séc.
Theo thoả thuận giữa Phương và Toàn, khi lao động được xuất cảnh thì Phương trả cho Toàn phí tạo nguồn 300USD/01 lao động, vì vậy, Toàn đã tuyển lao động theo yêu cầu của Phương.
Tháng 01/2008, mặc dù không có Hồ sơ xuất khẩu lao động được cấp phép theo đúng quy định nhưng Phương và Toàn vẫn tiến hành ký thoả thuận tham gia chương trình đi XKLĐ tại Cộng hoà Séc với 60 lao động tại các tỉnh TT- Huế, Quảng Bình, Quảng Nam và Đắk Lắk.
Trên cơ sở thoả thuận đã ký, trong các ngày 21, 22 và 26/01/2008, Phương đã tiến hành thu tiền đợt 1, mỗi lao động phải nộp 16.000.000 đồng. Tổng số tiền Phương thu của 60 lao động là 672.000.000 đồng và 12.000 USD.
Tháng 9/2008, Phương (đại diện cho Chi nhánh Hà Nội) ký Hợp đồng đi làm việc có thời hạn tại Cộng hoà Séc với 60 lao động. Đồng thời, cấp cho 60 lao động này Giấy xác nhận tuyển dụng lao động, để người lao động làm thủ tục vay vốn tại các Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).
Tháng 10/2008, Chi nhánh Hà Nội thông báo cho các lao động nộp tiền đợt 2 mỗi người thêm 30.000.000 đồng để làm Visa và mua vé máy bay đi Cộng hoà Séc.
Mặc dù không có lao động nào được tuyển có Visa nhập cảnh và lưu trú tại Công hoà Séc, nhưng để Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân và chuyển tiền vay vốn của người lao động cho mình, nên trong các ngày 05 và 08/11/2008, Phương đã liên tục ký 03 Công văn gửi các Phòng giao dịch NHCSXH, với nội dung hoàn toàn giả tạo, có danh sách lao động kèm theo đã trúng tuyển đi XKLĐ có thời hạn tại Cộng hoà Séc, đã có Visa và dự kiến lịch xuất cảnh (lịch bay).
Nhận được 03 Công văn nêu trên, Phòng giao dịch NHCSXH đã giải ngân cho các lao động. Sau khi nhận tiền vay, các lao động đã nộp mỗi người 30.000.000 đồng cho Chi nhánh Hà Nội.
Ngày 25/11/2008, Chi nhánh Hà Nội thông báo cho 60 lao động đã ký đi lao động tại Cộng hoà Séc chuyển sang thị trường Cộng hoà Slôvakia, với lý do tình hình cấp Visa vào Cộng hoà Séc gặp khó khăn.
Do chờ đợi thời gian quá lâu, nghi ngờ khả năng đưa đi xuất khẩu lao động của mình bị Chi nhánh Hà Nội lừa, nên nhiều lao động đã trực tiếp đến Chi nhánh Hà Nội và Văn phòng LOD Huế để đòi lại số tiền đã nộp.
Sợ bị bại lộ việc làm sai trái của mình, Phương đã chi trả cho 15 lao động với tổng số tiền là: 155.200.000 đồng và 6.000 USD; đồng thời chuyển vào cho Toàn số tiền 662.000.000 đồng, nhờ Toàn trả lại tiền cho người lao động. Tuy nhiên, Lê Minh Toàn mới chỉ trả lại cho 14 lao động, với tổng số tiền là: 224.000.000 đồng. Do đó, các lao động đã làm đơn tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng.
Qua xác minh của cơ quan điều tra tại Công ty CPDL Hà Tây: Năm 2008, Công ty CPDL Hà Tây không giao cho Chi nhánh Hà Nội thực hiện hợp đồng cung ứng lao động nào đã được Cục QLLĐNN cấp Phiếu trả lời và đang có hiệu lực để đưa lao động đi làm việc tại Cộng hoà Séc và Slôvakia.
Bị cáo Phương tại phiên Tòa
Như vậy, tổng số tiền Phương đã chiếm đoạt của 60 lao động là 1.742.027.000 đồng, nhưng Phương đã trả lại cho các bị hại 476.112.200 đồng và ngày 26/6/2015 bị cáo Phương tác động gia đình đã nộp thêm 10.000.000 đồng để khắc phục hậu quả cho những người bị hại. Tổng số tiền bị cáo Phương còn nợ chưa bồi thường cho các bị hại là: 1.298.525.000 đồng.
Đối với số tiền 422.000.000 đồng do Phương chuyển khoản cho Lê Minh Toàn nhờ trả cho người lao động, nhưng Toàn không trả, ngoài ra, có 17 lao động trình bày việc mình có nộp tại Văn phòng LOD Huế do Toàn thu với tổng số tiền là 362.000.000 đồng và 6000 USD. Việc thu này Phương không biết và không uỷ quyền cho Toàn thu hộ khoản tiền nào của người lao động.
Xét thấy, đây là các hành vi độc lập của Toàn, không liên quan trực tiếp đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phương trong vụ án này, do đó, cơ quan điều tra tách ra khỏi hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra Toàn.
Căn cứ lời khai của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của những người bị hại, và lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cùng các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương.
Nhưng xét thấy, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã bồi thường trả lại tiền cho một số bị hại, bố mẹ bị cáo đều là người có công với nước. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phương 11 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt chưa trả cho những người bị hại theo yêu cầu của những người bị hại.