Ngày 10/4, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và đồng phạm trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới Dự án B5 Cầu Diễn, theo đơn kháng cáo của các bị cáo và bị hại.
Trong phiên tòa xét xử chiều ngày 10/4, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi bị cáo Châu Thị Thu Nga, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Housing Group. Trong đơn kháng cáo, bị cáo cho rằng mình không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai: Trang web là trang báo điện tử phản ánh toàn bộ hoạt động của tập đoàn; công ty quảng cáo, giới thiệu dự án B5 Cầu Diễn có nội dung đúng sự thật. Ngoài ra, Housing Group lập mô hình không đúng thực tế là hoàn toàn không đúng bởi theo quy định của tư vấn kiến trúc, không cấm lập mô hình tư vấn thiết kế.
Ngoài ra, bị cáo Châu Thị Thu Nga cho rằng việc cho thực hiện thi công cọc khoan nhồi nếu bị xử lý chỉ là phạt hành chính. Công ty đã thực hiện 59 cọc khoan nhồi và cọc đại trà, chỉ có 18 cọc thí điểm. Đến thời điểm thi công cọc khoan nhồi thí điểm và cọc khoan nhồi đại trà, công ty đã có khách hàng tham gia góp vốn. Việc thi công chỉ để đẩy nhanh tiến độ dự án, tiết kiệm chi phí. Theo bị cáo, mặt bằng đã giải phóng xong rồi.
Lý giải về điều này, cựu đại biểu Quốc hội cho biết các cọc khoan nhồi của dự án nằm chìm dưới lòng đất; đứng bên ngoài, khách hàng hoàn toàn không nhìn được cọc khoan nhồi. Do vậy, việc khách hàng nhìn thấy cọc khoan nhồi mới đặt tiền là không đúng.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa xét xử
Tiếp tục giải thích những nội dung kháng cáo để chứng minh mình không có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Châu Thi Thu Nga cho biết hình thức huy động vốn bao gồm: thỏa thuận góp vốn, hợp đồng góp vốn, thỏa thuận vay vốn, hợp đồng vay vốn, hợp đồng đặt cọc.
Trong quá trình này, bị cáo Châu Thị Thu Nga khai không biết khách hàng nào, công ty không quảng cáo hay giới thiệu dự án, bị cáo này nói: “Khách hàng đến công ty, chúng tôi còn đóng cửa, không tiếp khách. Bản thân khách hàng cũng không biết chúng tôi là ai”. Tuy nhiên, theo cáo trạng, từ năm 2011, dự án chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý lên cổng thông tin điện tử của công ty Housing Group và công ty HAIC, là chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn.
Về hoạt động tổ chức thu tiền từ các khách hàng, Châu Thị Thu Nga tự nhận mình đã vi phạm trình tự huy động vốn. “Nhưng nếu bị cáo không bị bắt, chắc chắn Housing Group sẽ bàn giao được nhà cho các khách hàng. Với tâm huyết của mình, tôi chưa hề có ý định gian dối, chỉ mong thực hiện dự án, trả nhà cho khách hàng”, bị cáo Nga khẳng định.
Theo bị cáo Nga, khi tiến độ dự án bị chậm, công ty thường xuyên có văn bản thông báo tới khách hàng, nhưng do thời gian kéo dài nên đã có khách hàng khởi kiện. Nhưng tới nay, khách hàng vẫn yêu cầu trả nhà chứ không đòi tiền. Hiện Công ty Housing Group vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình do bị cáo đã có giấy ủy quyền, giao toàn quyền giải quyết vụ việc này cho HĐQT mới của công ty.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Bên cạnh đó, trong đơn kháng cáo, cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga cũng đề cập tới phần dân sự. Theo đó, bị cáo Châu Thị Thu Nga tiếp tục cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi hoàn hơn 54 tỉ đồng là hoàn toàn không đúng bởi tất cả các khách hàng có mặt tại phiên tòa đều không đòi rút vốn mà họ chỉ muốn lấy nhà.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Châu Thị Thu Nga tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét khoản tiền vì toàn bộ số tiền đó là do Housing Group chi, pháp nhân là Housing Group. Ngoài ra, bị cáo Nga cũng đề nghị làm rõ các khoản chi do Housing Group chi cho dự án B5 Cầu Diễn để công ty có cơ sở tiếp tục triển khai tiếp dự án. Vì vậy, bị cáo Nga cũng đề nghị CQĐT làm rõ vấn đề này
Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, các bị cáo đồng phạm có đơn kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo trước đó, xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được hưởng án treo.
Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, sau khi kết thúc phần kiểm tra căn cước với các bị cáo, bị hại cùng một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, luật sư Phạm Văn Phượng, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty CP xây dựng NHS và Công ty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC) với lý do thân chủ của luật sư mời quá gấp nên đã xin HĐXX hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX vẫn quyết định tiếp tục phiên tòa.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (11/4).