Lòng vị tha của người mẹ

Trang Trần| 07/05/2019 06:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mẹ của đứa con trai xấu số đã chọn cách tha thứ. Với bà, tha thứ là cách để vượt qua nỗi đau và xóa đi thù hận.

Phải thừa nhận một điều, hầu hết các phiên tòa mà bị cáo bị truy tố về tội giết người thường diễn ra trong không khí nặng nề, ngột ngạt hoặc ít ra người dự khán sẽ chứng kiến những tiếng khóc tức tưởi xen lẫn những tiếng chửi bới từ gia đình bị hại vì nỗi đau mất người thân...  Vậy nhưng, trong phiên tòa hôm ấy, lòng vị tha, bao dung của mẹ bị hại trong vụ án “Giết người” đã xua đi sự nặng nề của chốn pháp đình, mở ra con đường hướng thiện cho một người trẻ bồng bột, lầm lỗi.

Phút sai lầm đâm chết bạn

Theo chân lực lượng dẫn giải, Nguyễn Văn Sang (SN 1984, trú xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bước vào phòng xử án trong sự ngóng đợi của người thân. Khoảng cách giữa bị cáo và gia đình ngăn cách bởi hàng rào và 2 dãy ghế. Có lẽ chính vì nỗi nhớ mong đã khiến cái khoảng cách chỉ chừng một cái với tay ấy lại trở nên xa xôi, rộng lớn.

Sang là người đàn ông tốt tính. Đó là lời khẳng định từ người thân và hàng xóm của bị cáo. Lập gia đình và chí thú làm ăn, Sang không nề hà bất cứ một công việc gì. Sau một thời gian loay hoay tìm hướng làm ăn, Sang quyết định mở quán nhậu nhưng buồn thay ngày quán khai trương cũng là ngày Sang khoác lên mình tội... giết bạn thân.

Câu chuyện buồn xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 4/10/2018, để mừng bạn khai trương quán nhậu tại địa chỉ Lô 6, khu tái định cư thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Nguyễn Chí Tâm (SN 1983, trú: 30 Nguyễn Sơn Hà, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng một số người bạn khác đến ngồi uống rượu ủng hộ Sang.

Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Tâm qua quán Bê thui Ngọc Vân do bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1950) làm chủ, đứng trước quán để tiểu tiện, Sang thấy vậy nên qua dẫn Tâm về. Một lúc sau, Tâm tiếp tục qua quán Bê thui Ngọc Vân, cầm vỏ chai bia ném vào trong quán làm cho nhân viên và khách trong quán Ngọc Vân hoảng sợ bỏ chạy hết ra phía sau.

Sang đang phục vụ khách bên quán mình thì nghe tiếng la chửi, đập đồ bên quán Ngọc Vân nên qua dẫn Tâm về quán rồi đi qua lại xin lỗi chủ quán Ngọc Vân. Khi Sang đang nói chuyện bên quán Ngọc Vân thì Tâm tiếp tục gây sự với khách trong quán của Sang, Tâm lật bàn làm đổ thức ăn nên khách đứng dậy bỏ về. Thấy vậy hai người bạn trong nhóm gọi Tâm về bàn thì bị Tâm dùng tay đánh vào mặt nên cả hai tức giận bỏ về.

Chưa dừng lại, khi thấy Sang từ quán bên kia chạy về để can ngăn, Tâm lại dùng tay đánh vào mặt, dùng chân đạp vào ngực Sang làm Sang ngã xuống đất, Tâm tiếp tục lấy xiên nướng đòi đánh Sang nhưng được mọi người can ngăn. Ngô Đình Vũ (SN 1985) sợ Tâm tiếp tục quậy phá quán nên lấy xe máy chở Tâm về nhà Vũ (tại 143 Nguyễn Như Đãi, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Chỉ vì Tâm mà khách trong quán bỏ về, phần lại bị Tâm đánh nên Sang bực tức vào trong bếp lấy một con dao nhọn dài khoảng 30cm đuổi theo Tâm. Khi đi ngang qua nhà Vũ, Sang thấy Vũ đang dẫn Tâm lên cầu thang nên xuống xe cầm dao vừa đi vừa gọi tên Tâm. Tại đây hai bên tiếp tục có lời qua tiếng lại, Tâm dùng tay phải kẹp cổ Sang liền ngay lúc đó Sang cầm dao đâm thẳng về phía trước trúng vào vùng bụng của Tâm.

Lòng vị tha của người mẹ

Bị cáo Nguyễn Văn Sang

Mặc dù bị đâm nhưng tay trái Tâm ôm bụng, tay phải vẫn kẹp cổ Sang để vật Sang xuống nền nhà, Sang dùng dao đâm tiếp một nhát trúng vào vùng vai trái của Tâm, Tâm mới thả Sang ra rồi lùi lại nằm xuống nền nhà. Sau khi đâm Tâm, Sang bỏ đi qua tiệm thuốc tây bên cạnh nhà Vũ, nhờ người gọi xe cấp cứu cho Tâm rồi bỏ về quán nhậu. Tâm được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Sang gục trước bàn khai báo khóc nấc, “bị cáo không cố tình giết chết người bạn thân của mình, chỉ vì một phút nông nổi, không kiềm chế được cơn giận mà bị cáo đã cướp đi mạng sống của bạn, bị cáo thấy hối hận vô cùng… bị cáo xin lỗi gia đình Tâm”. Lời xin lỗi trong nước mắt được Sang được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình xét hỏi đã thực sự chạm vào lòng thương cảm của những người có mặt tại tòa.

Người mẹ mất con chọn cách tha thứ

Khi được mời đứng dậy phát biểu ý kiến, nhiều người dự khán xì xầm, đoán già đoán non ... chắc người phụ nữ ấy vì nỗi đau mất con mà “cào cấu” mà nhiếc móc bị cáo hay ít ra bà cũng sẽ đề nghị HĐXX xử thật nặng bị cáo để "trả thù" cho nỗi đau của bà. Nhưng cho đến khi bà nói, cả phòng xử án im bặt rồi dần rộ lên những tiếng thút thít phát ra từ dưới khán phòng. Từng lời bà nói ra mới đáng trân quý làm sao, bởi ai cũng thấy được lòng vị tha vô cùng lớn của một người mẹ. 

Trước khi bà trách Sang, bà nhận phần lỗi của con mình. Bà cho rằng, nếu như con bà đủ tỉnh táo, đủ bản lĩnh để ngự trị “ma men” thì đã không dẫn đến việc Sang vì quá ức chế mà ra tay tước đi mạng sống của Tâm. Bà tiếc, tiếc vì Sang tỉnh hơn con bà nhưng hành xử nóng nảy đến tàn độc. Trong mỗi lời nói của bà khi nhắc đến con đều ứ lại nơi cổ họng, trái tim bà buốt nhói, đớn đau, bà phải dùng tay đặt lên ngực như đang cố đè nén nỗi đau vào trong. Với bà, đó là sự mất mát không gì bù đắp được, là nỗi đau không thể gọi thành tên. Chỉ trong phút chốc, vợ chồng bà mất đi đứa con, ông bà nội ngoại mất đi đứa cháu, anh chị em mất đi người thân. Sự đau thương này không đơn giản chỉ là sự vắng khuyết cái bát, đôi đũa hay chỗ ngồi trong một bữa cơm mà nó khuyết đi từ tận sâu trong tâm khảm của mỗi người.

Giận là vậy, đau là vậy... song khi đứng trước tòa người mẹ ấy đã khóc rưng rức xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã tước đoạt mạng sống của con trai mình… Bà lý giải, bà đã thấu nỗi đau mất con, bà đã hiểu được cảnh mất mát chia ly nên bà không muốn thêm một gia đình nữa tan vỡ như gia đình mình. Và hơn ai hết, bà biết hoàn cảnh gia đình bị cáo cũng rất khó khăn. Giờ có hận thù, có bắt Sang phải trả giá đắt thế nào đi chăng nữa con trai bà vẫn không thể trở về nhưng sau lưng bị cáo còn gia đình, vợ con, cha già mẹ yếu... Thay vì đau đớn nhiều gia đình, tan nát nhiều gia đình rồi sinh ra hằn học thù hận... thì dừng lại vẫn là điều bà mong muốn nhất.

“Thưa tòa, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau một người mẹ mất con, tuy nhiên, tôi xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, báo hiếu mẹ cha, chăm lo cho gia đình… Gia đình bị cáo cũng khó khăn, tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong bị cáo cố gắng cải tạo tốt để sớm về với gia đình. Về rồi, lên mộ thắp cho Tâm nén nhang cho Tâm bớt hiu quạnh, để Tâm thanh thản nơi suối vàng...”, nói xong mẹ bị hại bật khóc.

Hội trường tòa án cũng bắt đầu vang lên những tiếng sụt sùi. Cả gia đình bị cáo và bị hại đều khóc, khóc bởi xót xa, thương nhớ người đã ra đi, nhưng cũng ngậm ngùi cảm thông cho kẻ đã gây họa, bởi họ từng là những người bạn thân, gia đình 2 bên cũng không xa lại gì nhau.

Bờ vai run run, bị cáo quay về phía sau, ánh mắt ngập tràn sự day dứt, mấp máy lời xin lỗi gia đình bị hại. Trước tấm lòng bao dung của mẹ bị hại khiến Sang và gia đình bị cáo không cầm được nước mắt. Phiên tòa hôm ấy thực sự là một phiên tòa thấm đẫm nước mắt nhưng mặc nhiên không hề ảm đạm bởi tình người chốn pháp đình được thắp lên đầy ấm áp. Chính lòng vị tha và tình người đọng lại khiến cho con đường hướng thiện của những người từng gây tội ác như Sang trở nên gần hơn.

Phiên tòa khép lại với mức án 8 năm tù về tội “Giết người” từ HĐXX TAND TP Đà Nẵng. Sang tra hai tay vào còng, ngoái đầu nói với người thân: “mọi người yên tâm con sẽ cải tạo tốt, sẽ sớm quay về, đừng lo cho con, con xin lỗi...”. Lời nhắn nhủ của Sang nhỏ dần theo bóng lưng.

Sang lầm lũi bước lên xe bịt bùng. Nơi góc sân tòa, mẹ và vợ bị cáo đứng chụm đầu tựa vào nhau giữa nắng gắt, bóng của hai người phụ nữ nhập nhòa làm một. Họ nắm tay nhau lòng thầm nhủ, phải vượt qua những tháng ngày trống trải, chênh vênh... để chờ ngày Sang về đoàn tụ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lòng vị tha của người mẹ