Đại diện TCT Thái Sơn: Khởi tố Phùng Danh Thắm ảnh hưởng hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ

Mạnh Hùng| 30/10/2018 19:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (30/10), phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"… và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Theo đó, Vị đại diện Tổng Công ty Thái Sơn cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố ông Phùng Danh Thắm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tổng Công ty cũng như đời sống của hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ trong Tổng Công ty.

Trả lời luật sư bào chữa cho Phùng Danh Thắm, vị đại diện của Tổng Công ty Thái Sơn cho biết, sau khi ông Thắm bị khởi tố, Tổng Công ty đã phải điều chỉnh giảm 50% kế hoạch sản xuất kinh doanh, các ngân hàng lập tức quay lưng lại với Thái Sơn, có nhiều nguy cơ mất ổn định tại Tổng Công ty.

Vị đại diện này nói: “Tâm lý tinh thần của 5.000 cán bộ chiến sỹ Tổng Công ty bị ảnh hưởng trực tiếp, các công trình bị đình trệ, ngân hàng không giải ngân hoặc ngừng cung cấp vốn, do vậy đời sống cán bộ chiến sĩ rất khó khăn”.

Đại diện TCT Thái Sơn: Khởi tố Phùng Danh Thắm ảnh hưởng hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa xét xử

Thậm chí, vị đại diện này còn “lạc quan” bày tỏ mong muốn bị cáo Thắm quay lại lãnh đạo Tổng Công ty Thái Sơn: “Chúng tôi mong muốn đồng chí Thắm quay lại tiếp tục lãnh đạo Tổng Công ty, tránh cho đơn vị không bị xáo trộn trong hoạt động”.

Vị đại diện này cũng nói rất rõ về mối quan hệ của TGĐ với các Phó TGĐ, các trưởng phòng và người đại diện phần vốn trên cơ sở các Phó TGĐ, Trưởng phòng, người đại diện phần vốn sẽ là người tham mưu cho TGĐ trong điều hành, quản lý vốn. Về quản lý đơn vị trực thuộc, TGĐ có định hướng chung quản lý trực tiếp mọi hoạt động SXKD, còn đối với công ty liên doanh liên kết thì quản lý trên cơ sở cổ đông và người đại diện vốn góp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc quản lý vốn tại công ty đó.

Trước đó, HĐXX đã làm rõ về Hợp đồng số 06 và 09 về việc CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P do (Đinh Ngọc Hệ làm Tổng Giám đốc) cho hai công ty thuê xe biển xanh đối với CTCP Vận tải Bia Sài Gòn và công ty Bia Đông Bắc (CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P nắm giữ 5% cổ phần ở cả hai công ty này).

Bị cáo Trần Văn Lâm, cựu Giám đốc điều hành CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P nói “không nhớ” về hợp đồng cho CTCP Vận tải Bia Sài Gòn thuê, "việc giao xe bị cáo không ký biên bản bàn giao xe, bị cáo không nhớ là ai ký". Tuy nhiên, HĐXX công bố tại Hợp đồng số 08, CTCP Vận tải Bia Sài Gòn thuê 01 xe biển 80A, biên bản giao nhận xác định bàn giao xe biển số 80M, chính bị cáo Trần Văn Lâm là người đại diện bên giao ký vào biên bản bàn giao xe.

Người làm chứng tại phiên tòa, Kế toán trưởng của CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ án, số tiền thu được từ việc cho CTCP Vận tải Bia Sài Gòn thuê xe khoảng 4,2 tỷ đồng và khoảng 1,8 tỷ đồng từ công ty Bia Đông Bắc. Tất cả số tiền này đều chuyển vào tài khoản của Thái Sơn, Bộ Q.P. CTCP Vận tải Bia Sài Gòn chuyển 4 lần, Bia Đông Bắc chuyển 3 lần.

Một người làm chứng khác (người của CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) cho biết, căn cứ theo 2 Hợp đồng 06 và 09, số liệu hóa đơn chứng từ chưa đúng với thực tế.

Tại tòa, bị cáo Phùng Danh Thắm cho biết, khi bị cáo làm TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, các công ty con khác của Tổng Công ty không được trang bị xe như Công ty Thái Sơn, Bộ Q.P. Theo quy định của Bộ Quốc Phòng, khi xe đăng ký xong thì giao cho các đơn vị sử dụng, các đơn vị này phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng. Tổng Công ty không nắm được số tiền cho thuê xe.

Đại diện TCT Thái Sơn: Khởi tố Phùng Danh Thắm ảnh hưởng hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ

Bị cáo Phùng Danh Thắm tại tòa

Đối với việc đặt tên công ty con là CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P dễ gây hiểu nhầm là công ty của Bộ Quốc phòng, luật sư của Phùng Danh Thắm khẳng định nhiều lần là Thắm có văn bản yêu cầu công ty đổi tên. Tuy nhiên, Đinh Ngọc Hệ đã nhắc đi nhắc lại rằng Tổng Công ty chưa có bất ký văn bản nào gửi cho công ty yêu cầu này. Đinh Ngọc Hệ khẳng định: “Những văn bản có trong hồ sơ là Tổng Công ty tự đóng dấu và gửi cho HĐXX”.

Bị cáo Hệ cũng cho rằng, ông Cung Đình Minh (hiện là Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn) là người đại diện 30% phần vốn góp của Tổng Công ty tại CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P. Con số này lớn hơn 20% vốn do bị cáo Hệ làm đại diện nên ông Minh phải có trách nhiệm lớn hơn. Bị cáo Hệ nói: “Khi bị cáo là Phó phòng Kinh doanh (của Tổng Công ty Thái Sơn) thì anh Minh là Trưởng phòng Kế hoạch. Lúc đó anh Minh chức to hơn bị cáo, anh Minh cũng lên Phó Tổng Giám đốc trước bị cáo”.

Trước đó, cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho biết, tại thời điểm vi phạm, Đinh Ngọc Hệ là Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P., đã mua, đăng ký 23 xe biển quân sự; 15 xe biển xanh 80A và một số biển xanh 80M; trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm (cựu Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) ký hợp đồng thế chấp, cho thuê, cho mượn các xe nói trên.

Tại phiên tòa, bị cáo Hệ vẫn khẳng định việc cho mượn xe là để phục vụ mục đích ngoại giao của công ty. Khi giao xe cho các tổ chức, cá nhân mượn, “họ đều là những cá nhân tốt, các tổ chức đều là những tổ chức làm ăn chân chính. Quá trình sử dụng xe, các tổ chức, cá nhân đều không vi phạm pháp luật, không chở hàng cấm, nên việc cáo buộc làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội là không đúng”.

Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc) nói: “Việc đơn thư tố cáo là vu khống tôi. Tôi được Tổng Công ty Thái Sơn giao trọng trách và cũng không được hưởng lợi gì từ việc cho mượn xe, cũng không có cổ phần tại các công ty đó. Tôi đã xin phép Tổng công ty và được chấp thuận. Tôi làm theo chỉ đạo và Nghị quyết của HĐQT, có sự nhất trí của Ban TGĐ điều hành, và cũng đã hỏi ý kiến anh Thắm (Phùng Danh Thắm-cựu TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn)”,  Hệ nói về hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe biển xanh, xe biển quân sự dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và quân đội.

Đối với hành vi lập khống hồ sơ để hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, bị cáo Hệ khẳng định bản thân “không hề biết” việc này.

Các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo chỉ đạo lập hợp đồng khống, nhưng bị cáo đã khai là không biết việc này. Hệ cho rằng ông  Bùi Văn Tiệp (cựu Đại tá quân đội, cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân, người trước đó đã bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 24 tháng tù treo) đã vu khống cho mình khi khai với cơ quan điều tra chính Hệ là người nhờ Tiệp đứng ra nhận số xăng dầu kém chất lượng là của Sư đoàn 367 gửi.

Không chỉ tố Tiệp, Đinh Ngọc Hệ còn tố thuộc cấp của mình là bị cáo Trần Văn Lâm đã vu cáo cho mình: “Chỉ có mình Lâm nhờ anh Tiệp và trực tiếp làm việc với anh Tiệp. Anh Trần Văn Lâm cũng hoàn toàn vu khống cho bị cáo. Tất cả lời khai của anh Lâm là hoàn toàn mâu thuẫn”.

“Anh Lâm có khai anh Lâm và anh Sơn (Trần Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Chi nhánh Bình Dương, CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) lên làm việc với Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương và được Quản lý thị trường hướng dẫn làm hợp đồng khống, sau đó anh Lâm về báo cáo lại với bị cáo và lập hợp đồng khống. Nhưng thực tế bị cáo không hề biết việc này”.

Về nội dung này, tại cơ quan điều tra, ông Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) khai Đinh Ngọc Hệ có gọi điện nhờ ông Cung can thiệp để Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương không xử phạt CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P Chi nhánh Bình Dương về hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, Hệ khẳng định: Từ trước đến giờ bị cáo chưa nhờ anh Lê Thanh Cung bất cứ việc gì và cũng không gọi điện cho anh Cung bất cứ việc gì. Trước đó, bị cáo có gặp ông Cung 2 lần, trong đó có dẫn theo Trần Văn Lâm và giới thiệu “đây là anh Lâm, Giám đốc điều hành của em, sau này có việc gì mong anh giúp đỡ”.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng và giấy tờ giả để kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương… Hệ cho rằng lỗi này không thuộc về cá nhân bị cáo mà thuộc về… tổ chức. Theo bị cáo, năm 2000, bị cáo tin tưởng vào “anh em xã hội” nên đã đi mua bằng Đại học giả. Khi được chuyển bị về công tác tại Tổng Công ty Thái Sơn, cơ quan tổ chức cũng đã biết việc này. "Đến tháng 3/2014, bị cáo đã có được bằng Đại học “xịn”, nhưng vì năm 2010 tổ chức kê sai. Năm 2011 bị cáo hưởng bậc 8/10 nhưng tổ chức đã kê khai bậc 9/10 để thăng quân hàm cho bị cáo từ Trung tá lên Thượng tá mà chưa đến niên hạn" - Út "trọc" phân trần.

Hệ cho rằng chính việc tổ chức kê sai mới dẫn đến việc bị cáo phải chịu hình phạt tù về tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”. Hệ nói: “Do việc kê khai sai ngay từ đầu nên năm 2014 bị cáo đã có bằng Đại học thật rồi nhưng cơ quan tổ chức không đưa bằng Đại học thật vào mà lại đưa bằng Đại học giả vào hồ sơ của bị cáo. Nếu họ làm đúng thì bị cáo không đến nỗi như ngày hôm nay”.

Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 7h 30' sáng ngày mai (31/10).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại diện TCT Thái Sơn: Khởi tố Phùng Danh Thắm ảnh hưởng hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ