'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Nhóm PV| 09/06/2014 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội danh (Lừa đảo, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái), tuyên phạt 30 năm tù cho cả 4 tội danh.

* Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật

Đúng 12h15, Tòa tuyên bố kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm.

12h05: Tòa công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank. Tòa cũng đồng thời tiếp tục công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc.

Mức án dành cho các bị cáo:

1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964): 30 năm tù cho 4 tội danh (Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Cố ý làm trái; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). 

2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956): 5 năm (trước đó bị đề nghị từ 7 đến 8 năm tù)

3. Trịnh Kim Quang (SN 1954): 4 năm tù (trước đó bị đề nghị từ 6 đến 7 năm tù).

4. Phạm Trung Cang (SN 1954): 3 năm tù (trước đó bị đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)

5. Lý Xuân Hải (SN 1965): 8 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm (trước đó bị đề nghị từ 12 đến 14 năm tù).

6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958): 2 năm tù (trước đó bị đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm).

7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952):  5 năm 6 tháng tù (trước đó bị đề nghị từ 9 đến 10 năm tù).

8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969): 5 năm tù (trước đó bị đề nghị 7 đến 8 năm tù).

 

11h50: HĐXX yêu cầu tất cả các bị cáo đứng lên nghe tuyên án: Áp dụng điều 159, điều 139, điều 185 xử phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm tù về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hình phạt chung là 30 năm tù giam. Phạt Nguyễn Đức Kiên số tiền 75 tỉ đồng có dư, phạt hành vi lừa đảo 100 triệu đồng xung công quỹ, cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong thời hạn 5 năm sau khi mãn hạn tù

 

11h45: Đối với Nguyễn Đức Kiên, đối chứng với lời khai của các bị cáo và những người liên quan tại tòa, HĐXX khẳng định, dù không giữ chức vụ gì trong ACB nhưng Kiên có vai trò quyết định tại ACB. Với những căn cứ đã nêu tại tòa, HĐXX khẳng định hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Kiên là đặc biệt nghiêm trọng, làm lũng đoạn thị trường tiền tệ của Nhà nước, cho nên cần phải có mức án nghiêm khắc nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên một số bất động sản do Kiên và vợ đứng tên, theo quan điểm của HĐXX sẽ tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

11h30: Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB, theo HĐXX bản chất vụ việc là với hình thức hợp đồng đầu tư, Công ty Chứng khoán thuộc Ngân hàng ACB (ACBS) thông qua Công ty ACI và Công ty ACI-HN do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT đã thực hiện mua cổ phiếu của ngân hàng ACB. Và tiền của ACB lại trở về với ACB. Liên quan hành vi này còn có hai ngân hàng Kienlongbank và Vietbank.

HĐXX nhận định, việc HĐQT ACB ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện đầu tư cổ phiếu là trái với quy định của Bộ Tài Chính. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Ngân hâng ACB số tiền 678 tỷ đồng. 

Theo HĐXX, việc truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 

11h05: Theo HĐXX, việc ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các chi nhánh ngân hàng của Vietinbank theo thỏa thuận ngoài hợp đồng là vi phạm quy định về lãi suất của NHNN. Về trách nhiệm dân sự, số tiền 718 tỷ đồng bị thiệt hại đã được giải quyết trong vụ án Huỳnh Như lừa đảo nên HĐXX không xem xét.

Đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Ngân hàng ACB), đã thực hiện thỏa thuận lãi suất tiền gửi, điều hành nhân viên gửi tiền đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền có sự giúp sức của Huỳnh Thị Bảo Ngọc nên HĐXX đề nghị cần khởi tố vụ án đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc.

10h55: Đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX thấy rằng, khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực, không có quy định nào cho phép Ngân hàng thương mại ủy thác tiền gửi cho các nhân viên đi gửi ở các tổ chức tín dụng khác.

Theo quy định hoạt động của Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y thì lại thêm một lần nữa khẳng định, việc thực hiện ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền không đúng pháp luật. Theo đó, HĐXX khẳng định, việc ủy thác tiền gửi khi luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực là hoàn toàn sai. 

Các thành viên của thường trực HĐQT biết việc ủy thác phải có hướng dẫn nhưng vẫn thực hiện chủ trương ủy thác tiền gửi nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

10h40: HĐXX kết luận việc truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là đúng người đúng tội. HĐXX cần phải phạt bị cáo một khoản tiền là 100 triệu xung công quỹ nhà nước. Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên biết rõ cổ phiếu đang được thế chấp nhưng vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng và chỉ đạo cho Nguyễn Hải Yến thực hiện. Hành vi của Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Hải Yến giữ vai trò đồng phạm. Tuy nhiên do các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của Kiên. Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận nên HĐXX thấy cần xem xét trong lượng hình đối với các bị cáo.

'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Bầu Kiên ngồi nghe luận tội của HĐXX

 

10h30: Đối với tội Trốn thuế, HĐXX nhận thấy rằng, toàn bộ điều hành ủy thác kinh doanh vàng với ngân hàng ACB tại Công ty B&B do Kiên chỉ đạo. 

Đối với việc hợp đồng ủy thác kinh doanh của bà Hương với Công ty B&B là không có cơ sở vì Công ty này không đăng ký kinh doanh mua bán vàng. Cho nên HĐXX cho rằng, việc ủy thác này là không hợp pháp. 

Theo đó, bản chất của vụ việc là,  hoạt động kinh doanh này là giữa Công ty B&B thông qua Ngân hàng ACB. Cho nên Công ty B&B phải có nhiệm vụ kê khai thuế. Như vậy, Công ty B&B trong năm 2009-2010 kinh doanh có lãi, nhưng đã không nộp thuế, đặc biệt là thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác kinh doanh giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB.

HĐXX cũng khẳng định có đủ căn cứ kết luận Kiên tội trốn thuế. Việc truy tố Kiên tội danh này là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên tại tòa

 

10h00: Theo HĐXX: Hành vi Kinh doanh trái phép, Đầu tư cổ phiếu thông qua 6 công ty do Nguyễn Đức Kiên quản lý. Tại phiên toà, Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc tiến hành đầu tư cổ phiếu, cổ phần là được phép, hoạt động không vi phạm pháp luật và không cần phải có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, HĐXX nhận định Nguyễn Đức Kiên thành lập các công ty chỉ để đầu tư cổ phần, cổ phiếu. Hành vi của bị cáo này đã thoả mãn tội danh Kinh doanh trái phép.

 

HĐXX nhận định về các lệnh giao dịch mua bán vàng, nếu không có lệnh của ông Kiên những người khác không thể thực hiện. Căn cứ vào lời khai của người liên quan, lời khai của Lý Xuân Hải, việc thực hiện các lệnh mua bán của ông Lê Quang Trung chỉ là hình thức, Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chủ đạo. Việc nói rằng ông Trung phải chịu trách nhiệm là không có căn cứ. 

 

HĐXX cho rằng, Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng không thành khẩn nên cần có mức phạt nghiêm khắc.

9h50: HĐXX căn cứ vào các tài liệu đã được điều tra, căn cứ vào phần xét hỏi và tranh tụng tại tòa, qua đó kết luận có đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép với số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.

HĐXX cũng xác định, các bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Kiên về hành vi Lừa đảo.

9h35: Như vậy, với bản bản tóm tắt toàn bộ nội dung vụ án kèm kết luận, HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên vi phạm cả 4 tội danh mà VKS đã truy tố.

9h30: Đối với việc kê biên tài sản, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu gồm: Nhà và đất tại số 5, Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM; Nhà và đất ở tại số 22, Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP HCM; Ngoài ra còn kê biên hơn 2.400m2 đất tại 78/6 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Ngoài ra, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân đang sở hữu tại Ngân hàng ACB.

9h15: Với việc truy tố hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, HĐXX cấp sơ thẩm kết luận: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã cùng nhau bàn bạc để nhân viên gửi tiền nội và ngoại tệ (gồm tiền VNĐ, USD) tại một số tổ chức tín dụng.

Hành vi này của các bị cáo đã làm trái quy định tại điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

9h05: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty ACB Hà Nội) đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Công ty Cổ phần TNHH Một thành viên Thép Hòa phát. 
Hành vi của Kiên và đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự.

9h00: Với việc truy tố hành vi Trốn thuế (điều 161 Bộ luật Hình sư) của bầu Kiên, HĐXX kết luận: Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng thế chấp, uỷ nhiệm chi để chi trả các khoản nợ.

'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Bầu Kiên căng thẳng khi nghe tòa tuyên án

8h50: Sau khi đọc hàng loạt những chứng cứ, luận cứ, HĐXX khẳng định Nguyễn Đức Kiên đã có hành vi Kinh doanh trái phép phạm vào điều 159 bộ luật hình sự. Sau đó, Chủ toạ Nguyễn Hữu Chính tiếp tục chuyển sang phần đọc hành vi Trốn thuế của “bầu” Kiên.

8h45: Theo bản tuyên án, đối với tội kinh doanh trái phép, theo truy tố, thông qua 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty Cổ phần đầu tư ACB; Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu; Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội; Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, bầu Kiên đã thực hiện chỉ đạo việc kinh doanh trái phép.

8h30: Trong phần đầu bản kết luận vụ án, Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính thay mặt HĐXX đã nêu rõ 4 tội danh mà VKS truy tố bị cáo Nguyễn Đức Kiên, gồm: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng.

Cùng với đó, vị chủ tọa cũng đưa ra những căn cứ lập luận chặt chẽ để làm rõ từng tội danh nêu trên.


'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa

8h15: HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính bắt đầu đọc bản tuyên án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính yêu cầu lực lượng công an mở còng cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên và bắt đầu nghe toà tuyên án. Mở đầu buổi tuyên án, HĐXX đọc lại tóm tắt về căn cước, nhân thân và khái quát về thời gian bị ra quyết định bắt giữ của các bị cáo trong vụ án.

'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

Bầu Kiên trong vòng bảo vệ của lực lượng cảnh sát tại tòa

7h00: Những hình ảnh mới nhất do PV ghi nhận cho thấy, xe thùng đã đưa bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tới TAND thành phố Hà Nội để chuẩn bị cho phiên xét xử.

'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh

'Bầu' Kiên đã đến tòa, chờ giờ tuyên án

Sau hơn 10 ngày xét xử vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) bị cáo buộc 4 tội danh gồm Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng.

Trong phần luận tội, đại diện VKS cấp sơ thẩm đã đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên với tổng hợp hình phạt của 4 tội danh nêu trên là 30 năm. Các bị cáo đồng phạm còn lại bị đề nghị từ 3 - 14 năm tù giam.

Điều đáng lưu ý trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, đó là việc Nguyễn Đức Kiên và bốn luật sư bào chữa đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này đồng thời đưa ra những lý lẽ chứng minh bị cáo vô tội.

vo bau kien, bau kien, xet xu bau kien, tran xuan gia, huyen nhu, nguoi phu nu cua bau kien

Nguyễn Đức Kiên

Trong khi đó, đại diện VKS khẳng định: Việc VKS truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật… nên cần cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian dài.

Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định mình vô tội và cho rằng việc vô tội thế nào đã được thể hiện qua các phiên xét xử.

Mức án đề nghị của đại diện VKS đối với các bị cáo trong vụ án:

1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), Phó chủ tịch HĐ sáng lập ACB: 18-24 tháng tù tội kinh doanh trái phép, phạt tiền từ 25-30 triệu, tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền bị cáo đã sử dụng kinh doanh trái phép; 4-5 năm về Tội trốn thuế, phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn; 16-18 năm tù về tội lừa đảo; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng từ 3-5 năm sau khi mãn hạn tù.

Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.

2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái,

3. Lý Xuân Hải (SN 1965), Tổng giám đốc ACB: 12-14 năm tù về tội cố ý làm trái.

4. Trịnh Kim Quang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái.

5. Phạm Trung Cang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), Phó TGĐ ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Tổng giám đốc ACBI: 9-10 năm tù về tội lừa đảo.

8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng ACBI: 7-8 năm tù về tội lừa đảo.

Đối với ông Trần Xuân Giá đã tách vụ án nên không đề nghị.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Bầu' Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh