Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016. Năm 2018, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%.
Phó trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký văn bản số 66 /TB-BCĐĐHG thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Ảnh minh họa
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá năm 2017, Phó Thủ tướng nhận xét, năm 2017 là một năm thành công trong công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, mặc dù vẫn còn có những yếu tố không thuận lợi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2017 tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2016, CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, thấp hơn 0,47% so với chỉ tiêu Quốc hội giao (kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2017 khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với năm trước.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đạt được trong bối cảnh có nhiều áp lực lên mặt bằng giá như: việc tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình thị trường giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như điện, y tế, giáo dục); giá thị trường thế giới một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhất là xăng dầu tăng khá mạnh; thiên tai, bão lụt gây thiệt hại nặng nề và có thời điểm xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ.
Tốc độ tăng CPI được kiểm soát góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cơ bản ở mức thấp, bình quân năm 2017 chỉ tăng 1,41% so với năm 2017; Mặt bằng giá ổn định và giảm.
Đóng góp vào thành công trên có vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá. Công tác dự báo được tăng cường, khá sát với biến động giá của từng tháng, quý.
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực và chủ động trong triển khai công tác quản lý, điều hành giá; phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn với các cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt nam, Văn phòng Chính phủ để đề xuất lên lãnh đạo Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các kịch bản điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (dịch vụ y tế, xăng dầu, thuốc chữa bệnh cho người ...) phù hợp trong từng giai đoạn.
Bộ Tài chính với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị báo cáo tổng hợp, toàn diện và kịp thời kiến nghị các giải pháp phù hợp để bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Công tác truyền thông được chú trọng, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin trong xã hội đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, góp phần kiểm soát được lạm phát kỳ vọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc triển khai các công việc được giao; quan tâm đến củng cố, kiện toàn Nhóm giúp việc liên ngành; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc liên ngành theo đúng quy định tại Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Bước sang năm 2018, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2018, với quyết tâm của Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, phấn đấu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân khoảng dưới 4%.
Về chính sách tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán Quốc hội giao, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đầu tư công.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng, cơ cấu tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tạo kỳ vọng lạm phát. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6 – 1,8%.