Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được xác định từ mép luồng trở ra mỗi phía và theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Cụ thể, phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trong trường hợp luồng không nằm sát bờ: Đối với luồng đường thủy nội địa trên hồ, vịnh, cửa sông ra biển, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt từ 20-25 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp I, cấp II từ 15-20 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp III, cấp IV từ 10-15 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp V, cấp VI là 10 m.
Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trong trường hợp luồng nằm sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ ít nhất là 5 m; trường hợp luồng nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt.
Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với hành lang an bảo vệ luồng hàng hải thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang luồng hàng hải.
Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và pháp luật về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện
Nghị định cũng quy định điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện. Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện) quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trong đó có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa và phải bảo đảm 4 điều kiện sau đây:
1- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
2- Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
3- Có cán bộ kỹ thuật, bộ phận kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
4- Có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.