Phải đảm bảo lợi ích nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của người dân

Mai Thoa| 23/11/2017 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhiều ĐB cho rằng, quy định của dự thảo Luật cần phải đảm bảo hai yêu cầu là lợi ích nhà nước, tổ chức cá nhân và đảm bảo thực hiện sự công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Quốc hội, báo chí và đảm bảo hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau 15 năm thi hành Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước, đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế vì vậy cần thiết phải ban hành Luật này.

Thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Do vậy, mục đích của việc ban hành Luật này nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;  Bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

Về khái niệm bí mật nhà nước, có ý kiến cho rằng, để tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đề nghị trong khái niệm bí mật nhà nước cần quy định rõ thông tin do Nhà nước quản lý và giữ bí mật.

UBQPAN cho rằng, khái niệm “bí mật nhà nước” có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để xác định các loại thông tin cần bảo vệ theo quy định của Luật này và các hình thức, biện pháp bảo vệ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… Đồng thời, khái niệm “bí mật nhà nước” gắn với khái niệm “thông tin”, vì vậy, đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước.

Phải đảm bảo lợi ích nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của người dân

ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP

Theo ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định), trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước từ 2001 đến 2016 đã đề cập đến nguyên nhân tồn tại hạn chế là: khái niệm bí mật nhà nước, đã sử dụng thuật ngữ chung chung, thiếu định tính như “có nội dung quan trọng”, “gây nguy hại” dẫn đến cách hiểu khác nhau, không thống nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại tiếp tục dùng lại những thuật ngữ ấy. Như vậy sẽ không đảm bảo khắc phục được những tồn tại, bất cập.

Về phạm vi bí mật nhà nước, dự thảo Luật quy định theo hướng khái quát (không chia phạm vi bí mật nhà nước theo từng cấp độ mật). Căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước và tiêu chí xác định độ mật quy định tại Điều 9, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương xác định và lập danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Phải đảm bảo cả quyền tiếp cận thông tin của người dân

Dự thảo Luật phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật đó bị lộ, mất.

Theo ĐB Huỳnh Cao Nhất, phạm vi như trong dự thảo còn chung chung, không xác định được các lĩnh vực, các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước, dễ dẫn đến bị lợi dụng ban hành danh mục bí mật nhà nước ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin. Vì vậy cần quy định cụ thể hơn.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị làm rõ hơn các cấp độ về phân loại bảo vệ bí mật nhà nước ở mức độ tuyệt mật, tối mật và mật, định tính, định lượng đầy đủ. Điều này vừa đảm bảo bảo vệ được các bí mật tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của người quản lý, cơ quan, đối tượng sử dụng các thông tin bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời xây dựng được chính sách để đối tượng tiếp cận được bảo vệ bí mật nhà nước như một nguồn thông tin để đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật phải đảm bảo hai yêu cầu là lợi ích nhà nước, tổ chức cá nhân và đảm bảo thực hiện sự công khai, minh bạch của cơ quan tổ chức đơn vị; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Quốc hội, báo chí và đảm bảo hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Điều này là rất khó nhưng khó vẫn phải làm và làm để đảm bảo cân đối giữa hai yêu cầu: giữa bảo vệ bí mật thông tin và công khai minh bạch, giữa quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu về đảm bảo bí mật.

ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP cũng chỉ ra một thực tế là có những cơ quan lạm dụng đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật thì chậm rà soát sửa đổi. Có những danh mục mật ban hành từ những năm 2000, 2004, đến nay vẫn dùng. “Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách Vụ trưởng hiện hành, có Bộ đóng dấu mật vào cả chất vấn của ĐBQH mà không có tin mật làm cho đại biểu không thể trả lời cử tri thông tin mà mình chất vấn”, ĐB nêu.

Theo bà Nga, việc lạm dụng như vậy dễ ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng, có thể đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp. Qua theo dõi một số vụ án và thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp văn bản quy định về bảo mật không rõ ràng. Một số phóng viên báo chí, cán bộ công chức đã bị quy làm lộ mật. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo Luật. Ngay cả khái niệm có thể “gây nguy hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc” thì khái niệm “lợi ích quốc gia, dân tộc” đã rất rộng rồi và khái niệm “gây nguy hại” cũng chưa có tiêu chí phân biệt rõ.

 ĐB Nguyễn Mai Bộ đề xuất: quy định về giải mật chưa rõ ràng, có những bí mật nhà nước phải đương nhiên được giải mật ở một sự kiện pháp lý. Ví dụ, vừa rồi chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ, kế hoạch các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi dự ở các điểm cầu truyền hình thì hoàn toàn là bí mật, nhưng khi bắt đầu MC giới thiệu là các đồng chí có mặt tại đó thì đương nhiên sự kiện pháp lý đó sẽ trở thành giải mật sự kiện đó. Cho nên nếu quy định thời hạn 10 năm, 20 năm là không cần thiết. Ngược lại, cũng có những bí mật nước nhà cần phải giữ vĩnh viễn. Ví dụ, Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng chỉ có rất ít người được biết vì nó là công trình tuyệt mật, nên không thể quy định thời hạn giải mật mà phải là tuyệt mật, ĐB nêu. 

Cũng trong sáng 22/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đọan 2017-2020. Địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên-Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng.

Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải đảm bảo lợi ích nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của người dân