Từng là người lính khi đất nước có chiến tranh, hòa bình lập lại là lãnh đạo có nhiều cống hiến cho ngành Tòa án, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương còn là một trong những người có tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền và nguyên lý bảo vệ quyền con người của Tòa án.
Chuyên gia, cố vấn cao cấp xây dựng Nghị quyết 27/NQ-TW
Sinh năm 1954, trong một gia đình hiếu học ở Hà Tĩnh, năm 1972, PGS.TS Trần Văn Độ từng được đi du học nước ngoài, nhưng vì đất nước có chiến tranh, ông đã tình nguyện gác bút nghiên lên đường nhập ngũ và trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường.
Cuối năm 1974, ông được đơn vị cử đi học đại học và làm nghiên cứu sinh ở ngôi trường danh giá tại Liên bang Nga. Từ năm 1986, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ông trở về nước công tác ở Tòa án quân sự Trung ương, đến nay, ông đã có hơn 30 năm công tác và cống hiến cho ngành Tòa án. Trước khi nghỉ hưu ông là Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương.
Trung tướng Trần Văn Độ, ngoài sự uyên bác của một chuyên gia luật, một lãnh đạo mực thước, ông còn là người có lối sống rất bình dị, luôn đau đáu và mong mỏi xây dựng một hệ thống pháp luật nhân đạo, hướng thiện, vì con người; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dù đó là những vấn đề mang tính lý luận nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có tính khả thi cao, như: Mối quan hệ chế ước hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; đặc biệt là quan điểm tiến bộ về phòng ngừa tội phạm theo hướng coi trọng phòng hơn chống, xác định nguyên nhân,… các hình thức pháp luật mang tính hướng thiện, giáo dục con người, trong đó có trẻ vị thành niên.
Từ những năm 1990, tại một Đại hội trong quân đội, với tầm nhìn của người am hiểu chính trị, pháp lý, khi góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ, ông đã mạnh dạn đưa ra quan điểm cần nghiên cứu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng phân biệt rõ các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp và các cơ quan đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Sau này, những quan điểm đó được xác định là tiến bộ, dần dần được đưa vào các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013.
Đến nay, Đại hội XIII của Đảng đã thể chế hóa tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết về chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị TW 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. PGS.TS Trần Văn Độ là một trong những chuyên gia, cố vấn cao cấp xây dựng Nghị quyết 27 của Trung ương.
Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta xác định là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện công tác tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặc biệt nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của TAND.
Cụ thể, đến năm 2030, cần đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nghị quyết cũng nêu những nội dung cốt lõi mà Tòa án phải thực hiện, đó là xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Ngoài ra, Tòa án cần áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn, kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa; hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, hội thẩm khi xét xử…
Đây cũng chính là những vấn đề mà PGS.TS Trần Văn Độ đã nhiều năm nghiên cứu, thể hiện qua hàng chục đề tài khoa học mà ông làm chủ nhiệm, và hướng dẫn các Tiến sỹ luật tham gia học tập và nghiên cứu khoa học trên cả nước, cũng như đào tạo hàng ngàn Thẩm phán cho ngành Tòa án.
Người truyền tư tưởng pháp luật hướng thiện và nhân văn trong xây dựng chính sách
Cũng chính vì tư tưởng pháp luật hướng thiện đó mà trong các chính sách pháp luật, PGS.TS Trần Văn Độ đã nghiên cứu và viết rất nhiều về vấn đề này. Ngay cả khi ông còn là Thẩm phán, có những vụ án được xét xử nghiêm minh nhưng thấm đẫm tình người. Nhiều người hẳn chưa quên vụ án về một người lính trẻ mới bước qua tuổi vị thành niên đã để lại nhiều dấu ấn cho những thế hệ Thẩm phán Tòa án sau này, mỗi khi ngồi ở vị trí Hội đồng xét xử.
Nội dung vụ án là câu chuyên về một cậu lính trẻ mới vào đơn vị, nhưng thường xuyên bị những anh lĩnh cũ bắt nạt. Vào một buổi tối, khi đang canh gác, cậu nhìn thấy người bạn thân của mình bị 5 người lính cũ hay đánh mình đuổi đánh. Vì đang đứng gác, có súng trên tay, cậu bóp cò bắn chết 3 người, làm bị thương 2 người. Toà án cấp sơ thẩm xử cậu thanh niên mức án tử hình. Đến giai đoạn phúc thẩm, ông được giao xét xử vụ án.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án ông nhận thấy, cậu lính gây thảm án một phần là do lỗi rất nghiêm trọng của các bị hại (cậu từng bị đánh dã man 7 lần trước đó) và do lỗi quản lý quân nhân của đơn vị; xét thấy bị cáo còn có thể cải tạo, giáo dục trở thành người lương thiện, ông đã thuyết phục các thành viên Hội đồng xét xử quyết định sửa án sơ thẩm, tuyên cậu mức án chung thân. Sau 15 năm chấp hành án, cậu lính ấy được tha tù trước thời hạn, về đời thường và đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
Hơn 30 năm công tác trong ngành Tòa án cũng là người trải qua hai nhiệm kỳ Quốc hội (Khóa XII và XIII), ông luôn trăn trở về tính nghiêm minh, nhân đạo của pháp luật, làm sao để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; cố gắng giúp đỡ những con người lầm lỗi để họ trở về là người có ích cho xã hội.
Trong mấy chục năm làm Thẩm phán, ông chưa từng tuyên án tử hình. Những lúc phải đối diện với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, ông lại là người điều tra kĩ lưỡng, tìm hiểu tận cùng vụ việc để tuyên án với mong muốn đúng pháp luật và cứu vớt một con người.
Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương cho rằng, hình phạt tử hình ít có giá trị phòng ngừa, nhưng khi áp dụng có thể gây hệ luỵ không nhỏ cho xã hội. Những gia đình, dòng họ có người bị kết án tử hình sẽ rất khổ sở, chịu không ít sự kỳ thị của xã hội; họ ra đường chẳng dám ngẩng mặt lên; con cháu của họ khó có thể học tập, làm ăn, lập nghiệp bình thường như những người khác… Và không khéo, đó sẽ là mầm mống phát sinh tội phạm trong tương lai…
Vậy nên, chẳng phải ngẫu nhiên khi sửa Bộ luật Hình sự 1999, với tư cách một ĐBQH ông đã ủng hộ phương án bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh…
Không những là nhà chuyên môn, nhà quản lý, vị tướng trong quân đội, PGS.TS Trần Văn Độ còn là một nhà khoa học, nhà giáo thực thụ. Là Phó Giáo sư, Tiến sỹ luật lâu năm và cũng trong số ít người có đóng góp lớn cho sự nghiệp Tòa án, những cống hiến khoa học trí tuệ cho xã hội, ông đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học, đề án; công bố hàng trăm công trình khoa học các loại; đào tạo hàng ngàn Thẩm phán.
Ông cũng là người luôn đau đáu tâm tư với ngành Tòa án. Ông cho rằng, Thẩm phán hiện nay quá nhiều áp lực và mệt mỏi. Lượng án và độ phức tạp gia tăng hàng năm nhưng biên chế không tăng, thu nhập thấp, khiến đời sống cán bộ Thẩm phán vốn đã vất vả lại càng khó khăn hơn.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng, đại đa phần Thẩm phán xuất phát điểm ai cũng là người liêm chính, chí công, vô tư. Trong những buổi học, những bài giảng ông vẫn nói với các trò của mình là cán bộ Tòa án như thế. Nhưng sau lưng họ không chỉ là cơm áo gạo tiền như bao ngành nghề khác, mà còn là áp lực nghề nghiệp, những lo lắng về nhiệm kỳ hay việc tái bổ nhiệm luôn hiện hữu và bị chi phối. Hơn nữa chế độ trách nhiệm người đứng đầu quá lớn, luôn đòi hỏi Chánh án phải lo lắng nhiều điều…
Vậy nên cách hỗ trợ tốt hơn cả là từ phía Nhà nước, từ các chính sách phải làm sao đó để Thẩm phán, cán bộ Tòa án sống được với nghề và yên tâm công tác, thì bên cạnh chế độ đãi ngộ, còn là chế độ bổ nhiệm, nhiệm kỳ Thẩm phán suốt đời mà các nước tiên tiến trên thế giới đang thực hiện sẽ được áp dụng tại Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Độ tâm tư.