Các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
Thông tin trên đã được đại diện của Iran tại OPEC Amir Hossein Zamaninia xác nhận sau cuộc họp chính sách ngày 5/10 diễn ra tại Vienna (Áo) của Liên minh gồm 23 thành viên OPEC+.
Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các bộ trưởng OPEC+ và cũng là đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Hồi tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực nhằm đảo chiều lao dốc giá dầu thô vì tác động của các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Từ năm 2021, OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng.
Tháng 9/2022, OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ, với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng 10.
Trước đó, giới phân tích cũng cho rằng, OPEC+ sẽ cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ nhằm kéo giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát do tăng giá năng lượng thì đây lại không phải là một quyết định được Mỹ mong đợi.
Ngày 4/10, một nguồn tin cho biết, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách chặn đà tăng giá xăng dầu trong nước, phía Mỹ đã đề nghị OPEC+ không tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng. Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ công bố cùng ngày, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/9.
Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC, tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá dầu thô đã giảm do lo ngại nhu cầu sẽ giảm và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường và kinh tế thế giới ANZ Research (Australia) cho rằng việc OPEC+ nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng nhóm này quyết tâm hỗ trợ thị trường.
Trong một diễn biến liên quan, trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC+, tại phiên giao dịch ngày 5/10 ở khu vực châu Á, giá dầu gần như không thay đổi.
Giá dầu Brent tăng 1 xu Mỹ, lên 91,81 USD/thùng vào lúc 13h28 (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng 2,94 USD trong phiên trước.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giảm 9 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 86,43 USD/thùng, sau khi tăng 2,89 USD trong phiên trước.