Gọi anh là “vua” kì nam bởi sau lần trúng trầm năm 2006, anh có trong tay hàng trăm tỷ đồng.
Gần 30 gian truân với trầm
Võ Hiệp (SN 1960), lớn lên trong một gia đình nghèo có 4 chị em tại phường Phương Sơn, Tp. Nha Trang - Khánh Hòa. 18 tuổi, Hiệp nghỉ học. Không bén duyên với chuyện học hành thi cử, anh chuyển sang làm công nhân đường sắt, sau đó đổi sang nghề đi điệu (đi trầm) và lấy vợ tại Phú Yên. Một ngày năm 2006, anh trúng “lộc” và được mọi người phong là “vua” kì nam đất Phú. Gần đây, tên tuổi của nhân vật này lại nổi đình nổi đám và cũng có thể xếp hàng “vua” trong giới chơi đá cảnh cả khu vực miền Trung và cả nước.
Anh Hiệp và cây trầm hương hóa đá ngàn năm tuổi
Anh Hiệp bên vườn cây dó 4 năm tuổi
Tuổi thơ của Hiệp sống trong cảnh bần hàn, hai bên nội ngoại đều nghèo, anh lại là lao động chính. Làm công nhân 3 năm, cuộc sống không thoát khỏi cái đói. Từ đó, anh muốn làm một việc gì lương thiện có thể thay đổi lớn hơn, anh chuyển sang đi trầm để cầu may. Không ngờ, cái nghiệp lại đeo đuổi mấy chục năm liền. Nghề “ngậm ngải tìm trầm” phiêu lưu và mạo hiểm, đây cũng là nghề “làm tôi tớ bà cậu” nên chỉ cầu ở sự may mắn. Trước khi quyết định theo nghề trầm, anh Hiệp ăn chay nằm đất suốt 3 tháng trời. Gần 30 năm (1979 - 2006) đi trầm, lúc nào anh cũng xem tâm linh là điều quan trọng: “Vận may đã đến với tôi ngay lần đầu, tôi tin tưởng điều đó, về sau tôi luôn tu thân để tâm mình được sáng”.
Anh Hiệp kể về những bước gian truân của mình: “Tôi đi trầm năm 21 tuổi, từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, có khi qua tận Campuchia. Chuyến đi dài nhất thường là một tháng. Mỗi lần đi phải sắm chuyến, hết lương thực phải về đồng bằng sắm rồi đi tiếp. Tôi đi một mình nên anh em trong giới gọi tôi là Sáu cô đơn. Kỷ niệm rất nhiều, vui cũng có, buồn cũng có và có cả hiểm nguy”.
Kỷ niệm anh nhớ suốt đời là năm 1990, anh đến làng Mèo, huyện An Khê - Gia Lai. Những người đi điệu nói sông Ma Choi cọp nhiều. Có một đêm, anh nằm kề cận với cọp giữ, sáng ra mới phát hiện dấu chân gần nơi mình ngủ, nghĩ lại mà giật mình. Nhưng “tôi tin “Bà cậu” phù hộ tôi”, anh bảo.
Suốt đời đi trầm, anh được “Bà cậu thương” 6 lần. 5 lần đầu chỉ gọi là may, số lượng trầm trúng không nhiều. Tiền bán trầm chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, cưới vợ. Dù không nhiều nhưng chính những lần này đã làm cho anh có niềm tin, tiếp tục theo đuổi ước mơ đổi đời.
Từ giấc mơ chiếc thuyền đến tỷ phú
Năm 2006, ước mơ đổi đời đã đến với Võ Hiệp. Và từ đó đến nay anh chưa đi núi tìm trầm lại. Anh Hiệp “bật mí” những điều chưa nói với ai trong lần trúng kì nam năm 2006 như sau: Tôi mạng Thổ. Tôi cũng là người “sát” trầm hơn so với anh em khác. Một đêm năm 2006, sau những ngày dài “lang thang” trên núi, tôi nằm ngủ một mình trên cánh rừng già ở tỉnh Đắk Lắk. Đêm khuya, tôi thấy một người lạ, mặc quần áo màu đà đến bảo “Sáng mai con lên đỉnh, bà cho con hai chiếc thuyền”. Sáng hôm sau tôi thức dậy, nhớ lại chuyện đêm qua, trong lòng cứ suy nghĩ mãi “sao lại có thuyền trên núi”. Nghĩ thế nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin. Hôm sau băng rừng cả ngày, buổi chiều tôi vào một đám rẫy của một người dân tộc thiểu số ở huyện Lắc, và căn duyên đã đến - tôi gặp “hai chiếc thuyền”.
Đó là một cây dó gốc có đường kính khoảng 70 cm, nằm ở bìa rẫy. Người đồng bào ở đây đã đốn cây dó này, cưa lấy ván cách đây không lâu, chỉ còn lại phần gốc và ngọn. Không ngờ kì nam lại nằm ở đó. Phát hiện rồi, tôi âm thầm lấy, mừng đến nỗi run cả người. Dưới gốc toàn kì nam loại một. Anh Hiệp kể tiếp: Tôi khai thác và chuyển “hàng” về nơi tập kết (bí mật) đã 3 lần nhưng chủ rẫy vẫn không biết tôi làm gì. Hôm sau trở lại, tôi ngồi nói chuyện và hỏi chủ rẫy: “Ông có thích giàu có không, cần khoảng bao nhiêu tiền thì có thể giàu”. Không ngần ngại, ông ta trả lời “ Tôi muốn có vài chục con bò như già làng”. Tôi liền cho ông 50 triệu đồng, ông mừng quá, quên cảm ơn và vội quay về nhà”. Ngày sau đó, cả làng nghe được kéo ra rẫy nhưng lúc này anh Hiệp đã về đồng bằng.
Ngày đó, người ta đồn anh Hiệp trúng kì nam đến vài trăm kg. Xung quanh nhà anh lúc đó người từ các nơi đổ về tấp nập, phóng viên báo, đài địa phương đã "canh" suốt nhiều ngày liền nhưng vẫn không thể nào tiếp cận được hành tung bí mật của nhân vật. Nói về việc bán kì nam, anh Hiệp thổ lộ: “Lần đầu tôi bán đổ tháo, bán một nửa cho một nửa. Sau này tôi bán được 900 triệu đồng một kg”. Người ta đồn về anh nhiều lắm, còn sự thật anh trúng bao nhiêu kg kì nam đến nay vẫn là điều bí mật.
Sau lần trúng kì nam, cuộc sống gia đình anh và bà con 2 bên nội ngoại đều có sự thay đổi. Anh cho bà con trong họ tiền cất nhà, mua xe và ít vốn làm ăn, nói chung là tương đối đàng hoàng. Số tiền trúng kì nam anh đã dành một phần làm tự thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống như anh ngày xưa. Riêng vợ chồng anh, ngôi nhà ở quê đã sửa lại kiên cố dành cho việc trồng cây và trưng bày đá cảnh. Hiện nay, vợ chồng anh và cô con gái rượu đã mua nhà và mở khách sạn.
Dày công chơi cây đá cảnh
Bén duyên với nghề đi điệu, song Võ Hiệp cũng là một người mê chơi. Tính đến nay, anh đã có gần 15 năm “đắm mình” trong thế giới đá cảnh tự nhiên. Nhà anh, từ trước đến sau chỗ nào cũng thấy đá: Đá trên bàn, trên kệ, đá dưới đất, trong phòng, nhà trên nhà dưới và cả tận ngoài ngõ, sau hè. Hiện bộ sưu tập đá cảnh của anh đã lên đến con số ngàn, trong đó có bộ Tứ linh rất quý, có những tác phẩm anh xem như vật gia bảo, để đời. Giá trị mỗi tác phẩm từ vài triệu lên đến và trăm triệu đồng. Đặc biệt, tác phẩm cây trầm hương hóa đá anh đang sở hữu thuộc hàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Nói về việc chơi đá cảnh, Hiệp cho biết: Tôi đến với đá cảnh ngẫu nhiên hơn đi trầm. Một lần lên núi, tôi ngồi nghỉ chân, tình cờ thấy một viên đá nằm trước mặt mình có hình thù ngồ ngộ. Tôi bước lại gần ngồi nhìn hồi lâu, trông viên đá giống như một “ông” rùa núi, cổ có đeo dây chuyền vàng, đầu quay sang nhìn tôi chăm chăm. Lúc này tâm trạng tôi rất khác. Không chần chừ, tôi quyết định đưa “ông” về. Đến nhà, lau hết đất bụi, để một nơi khang trang và tôi xem đó như một vật linh thiêng. Từ ngày được “ông” rùa, gia đình tôi luôn gặp may. Và cũng chính từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến đá tự nhiên, dần dần đam mê lúc nào không biết.
Sông Ba với anh như một người thân. Anh đến sông Ba bao nhiêu lần bây giờ không nhớ. Chỉ nhớ những lần cùng ăn ở, rồi chờ đợi để được sở hữu nhiều viên đá mình cho là độc đáo. Anh Hiệp đi sưu tầm đá khắp, từ Bình Định đến Đồng Nai và nơi anh đến nhiều nhất là sông Ba Hạ (Phú Yên). Nhiều tác phẩm nổi tiếng song anh quý nhất là tác phẩm hình “ông” rùa. Bây giờ có giá bao nhiêu anh cũng không bán. Còn sản phẩm có giá trị nhất là tác phẩm Cây trầm hương hóa đá. Cây độc này anh mua lại của một người quen cách đây 3 năm với giá 80 triệu đồng. Sau khi mua về, anh bỏ công làm đế, đưa đi triển lãm nhiều nơi. Những người sành chơi đánh giá khá cao về mặt hình thể, chất liệu, niên đại. Năm 2008, anh đem tác phẩm này triển lãm tại Bình Định, có người đặt vấn đề mua với giá 800 triệu đồng nhưng anh để làm “đinh” cho tỉnh nhà. Có lẽ đó cũng là cái may: “Nếu ngày đó tôi bán chắc bây giờ không tìm đâu ra được, tôi tin chắc điều đó bởi tôi đi nhiều nhưng chưa thấy tác phẩm nào đạt như tác phẩm của mình”: Anh nói.
Gần đây, giới chơi cây đá cảnh trong nước biết đến Võ Hiệp với tác phẩm Cây trầm hương hóa đá giá tiền tỷ. Trong lần tham gia triển lãm sinh vật cảnh 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tên tuổi Võ Hiệp càng đình đám cả nước với tác phẩm Nam - Bắc một nhà. Tác phẩm này được anh lặn lội sưu tầm, chế tác từ cây trầm hương thật (dó bầu đã có trầm) khoảng 160 năm tuổi. Chiều cao của tác phẩm 6,8m, đường kính chỗ rộng nhất ở chỗ nhánh đôi 1,4m, trên suốt chiều dài thân cây có rất nhiều “mắt” phân bố khá đồng đều, tạo thành những giọt nước mà theo anh Hiệp, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, sắt son của tình anh em trong ngày sum họp!
Để có được cây trầm hương quý này, Võ Hiệp đã ấp ủ ý tưởng và tìm kiếm suốt 3 năm ròng rã trên khắp đất nước. “Ý tưởng ngày thống nhất 30-4-1975 Bắc - Nam sum họp đã thôi thúc tôi đi tìm cho được cây trầm hương có hai thân. Tìm được trầm hương đã khó, lại là trầm có hai thân nên càng khó gấp bội”. Và, năm 2010, anh may mắn tìm ra cây trầm như ý tưởng ở vùng núi tỉnh Tây Ninh, giáp giới Campuchia”. Theo Võ Hiệp, chưa tính giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Nam - Bắc một nhà”, chỉ tính riêng trầm hương trong thân cây đã lên đến vài tỷ.
ĐÀO TẤN TRỰC