Nợ xấu và sở hữu chéo diễn ra tại các ngân hàng đang là vấn đề nóng hiện nay; cơ chế quản lý các dự án BOT, BT... cần đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - đó là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với KTNN 23/8.
Kiến nghị xử lý hơn 19.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo của KTNN, tháng 7/2016, cơ quan này đã có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 trước Quốc hội khóa XIV. Theo đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 19.863,5 tỷ đồng (tăng thu ngân sách 8.565,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 5.562 tỷ đồng, các khoản xử lý tài chính khác 5.735,9 tỷ đồng); kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi bổ sung 110 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Để triển khai Kế hoạch kiểm toán năm 2016 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, KTNN đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Phân giao nhiệm vụ kiểm toán rõ ràng cho các đơn vị trực thuộc; hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu; xây dựng 4 đề cương kiểm toán chuyên sâu... Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong toàn ngành.
Kết quả, đến ngày 15/8/2016, KTNN đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán, kết thúc 115/223 đoàn kiểm toán; xét duyệt 79 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT); phát hành 38 BCKT thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2016; cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 BCKT đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy: Tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN 1.137 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.093 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời như cơ chế quản lý các dự án BOT, quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với KTNN ngày 23/8
Trước đó, trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8, các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến vào việc phân bổ vốn vay nước ngoài (ODA). KTNN cũng đã chỉ ra, năm 2014, việc giao kế hoạch vốn ODA của Bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các bộ ngành, địa phương, khi giao thấp so với nhu cầu tới hơn 24.300 tỷ đồng. Bộ này cũng giao kế hoạch hơn 4.500 tỷ đồng vốn ODA cho 254 dự án không đăng ký, trong khi có 359 dự án đăng ký số vốn hơn 7.000 tỷ đồng lại không được giao vốn. Một số dự án hoàn thành nhiều năm trước nhưng không giao đủ vốn, nên năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch chi trả… dẫn tới giải ngân ngoài dự toán lớn. Đây là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt.
Bên cạnh đó, các DNNN được Chính phủ bảo lãnh vay vốn chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro; nhiều dự án sử dụng vốn không hiệu quả, khó trả nợ. Tính hết năm 2014, tổng dư nợ nước ngoài quá hạn của các dự án lên tới hơn 1,29 tỷ USD. Trong đó, Vinashin (nay là SBIC) có tới 60 dự án với số nợ 281,3 triệu USD, Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên nợ 21,48 triệu USD, Xi măng Hạ Long nợ 10,3 triệu USD… Ngoài ra, có 10 dự án Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số tiền 4.703 tỷ đồng.
Những lĩnh vực cần KTNN “phủ sóng”
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề cập đến nhiều lĩnh vực quan trọng mà KTNN cần phải có kế hoạch “phủ sóng” đến. Đó là tình hình nợ xấu và sở hữu chéo đang là vấn đề nóng bỏng, diễn ra tại các ngân hàng cổ phần hiện nay; cơ chế quản lý các dự án BOT, BT hiện nay; tình trạng lãng phí đầu tư công, nợ công tăng cao...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, là một trong số ít các cơ quan nhà nước được Hiến pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN cần phải phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững. Nền kinh tế chúng ta sau nhiều năm tăng trưởng mạnh thì gần đây có dấu hiệu chậm lại, còn rất xa so với yêu cầu về tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã đặt ra. Dư địa để tăng trưởng đang bị hẹp lại, hiện nguồn thu của chúng ta chỉ còn trông vào tiêu dùng, xuất khẩu... nên rất khó khăn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nợ xấu là vấn đề rất nan giải hiện nay, trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố mới chỉ xử lý được hơn 13 %. Tức là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, tình hình nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Việc quản lý các DN, nhất là các DNNN hiện nay cũng đang là vấn đề lớn. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ DNNN mà cả DN tư nhân cũng đứng trên bờ vực khó khăn. Những “đại gia” như DN Hoàng Anh Gia Lai phải nợ lương cầu thủ, còn nợ vay ngân hàng… Công tác quản lý đất đai, tài nguyên lãng phí, đặc biệt là kỷ luật quản lý tài sản của chúng ta rất kém.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nhiệm vụ KTNN là quản lý chặt chẽ tài sản quốc gia, ngăn chặn tham nhũng, hướng tới một nền tài chính minh bạch, hiệu quả, chứ không phải chỉ ra những sai phạm đơn thuần, kiến nghị thu hồi... Và, để làm được điều đó, KTNN phải hoạt động độc lập, không phải chịu bất kỳ sức ép nào, chỉ tuân theo pháp luật, đó cũng là yêu cầu mà Hiến pháp đặt ra. Tiếp theo là làm đúng quy trình, chặt chẽ, từ việc đưa ra kế hoạch kiểm toán đến xử lý sau kiểm toán, phải lấy hiệu quả, chất lượng là chính, không hình thức, phải đi đến cùng tất cả các vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan KTNN đẩy mạnh chuyên sâu kiểm toán những vấn đề bức xúc như quản lý các dự án BOT, BT... Thực tế cho thấy, đầu tư xây dựng cơ bản là vấn đề thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhất hiện nay. KTNN phải công khai, cụ thể những công trình vi phạm, nhất là liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng tài sản công lãng phí. Công khai minh bạch kết quả kiểm toán, làm rõ đối tượng vi phạm để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng.