Chiều 17/4, phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cùng 11 đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trước HĐXX, luật sư Bùi Đình Ứng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn nhắc lại nội dung trong cáo trạng về việc đấu thầu 4 gói thầu trong năm 2017 của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo đó, VKS cáo buộc ông Nguyễn Quang Tuấn cho chủ trương sử dụng trước vật tư của các nhà thầu, không báo cáo Sở Y tế Hà Nội về thực trạng này, chỉ đạo cấp dưới hợp thức việc thanh toán bằng việc xin chủ trương chỉ định thầu rút gọn với lý do cấp bách, áp đơn giá vật tư trúng thầu ấn định theo giá đấu thầu năm 2016 để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
"Đối với 4 gói thầu năm 2017, lý do thật sự của việc chỉ đạo thầu rút gọn với lý do cấp bách là gì?", luật sư đặt câu hỏi cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn.
Bị cáo Tuấn cho biết, năm 2017, UBND TP Hà Nội có chủ trương đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, theo bị cáo việc tổ chức đấu thầu của thành phố rất chậm và nếu đợi đến lúc thành phố tổ chức thì cả năm 2017 bệnh viện sẽ không có vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, đồng nghĩa với việc "bệnh viện sẽ đóng cửa, không thể cấp cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân".
Nhằm tránh tình trạng trên, bị cáo Tuấn khai đã hỏi vay một số thiết bị của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát để sử dụng trước. Toàn bộ trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các thiết bị, vật tư y tế này, theo ông Tuấn, đều được báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý.
Nội dung báo cáo cũng có phần tổng hợp số lượng vật tư tồn kho, số lượng đã sử dụng, số lượng sử dụng vượt quá...
"Cho dù vật tư thiếu, đồng thời cũng đã báo cáo về việc mượn vật tư thì có đúng quy định không?", luật sư hỏi. Bị cáo Tuấn xác nhận là không đúng theo quy định và nhận trách nhiệm về vi phạm này.
Cũng trong phần thẩm vấn, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Tuấn Đạt, cựu Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát đặt câu hỏi đối với bị cáo Tuấn về việc đấu thầu các gói thầu trong năm 2016.
Trả lời câu hỏi luật sư, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thời điểm ký duyệt các quyết định trúng thầu bản thân thật sự không thể biết việc tổ chức đấu thầu sai ở đâu.
Bị cáo Tuấn nhiều lần nhấn mạnh rằng bị cáo từng ở vai trò là người lãnh đạo, quản lý chung bệnh viện, không thể nắm được chi tiết quy trình đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu là nhiệm vụ của Phòng Vật tư y tế.
"Tôi không thể nhớ số stent được đấu thầu trúng, vì nhu cầu sử dụng của bệnh nhân là rất lớn. Bệnh viện luôn cố gắng dự tính số lượng gần sát với thực tế nhưng nhiều khi nhu cầu sử dụng vượt quá số lượng đó", bị cáo Tuấn nói.
Về cáo buộc áp đơn giá danh mục đấu thầu của năm 2016 vào năm 2017, ông Tuấn cho rằng vi phạm nằm ở quá trình đấu thầu năm 2016, dẫn đến khi áp dụng cho năm 2017 cũng sai.
Tiếp tục chất vấn cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về mối quan hệ với bị cáo Đạt, luật sư đặt nghi vấn liệu có sự thỏa thuận ăn chia, hưởng lợi giữa 2 người khi đưa stent ký gửi vào bệnh viện.
Bị cáo Tuấn khẳng định không có chuyện đó. Theo ông Tuấn, bị cáo Đạt thậm chí đồng ý hỗ trợ, giúp bệnh viện có vật tư để cứu chữa cho bệnh nhân, dù cựu PGĐ Công ty Kim Hòa Phát lúc đó còn không biết có được thanh toán hay không.
Mặc dù vậy, ông Tuấn một lần nữa nhận trách nhiệm khi cho rằng việc "vay mượn" là không đúng quy tắc.
Trong lời khai tại phiên tòa trước đó, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận: “Trong vụ án, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là người chỉ đạo chính”.
Theo lời khai của bị cáo, vào các dịp trước Tết âm lịch năm 2016, 2017, bị cáo được ông Nguyễn Đức Đảng biếu 10.000 USD. Ngoài ra bị cáo còn được doanh nghiệp biếu xì gà và 1 chai rượu.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan và việc cho các doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế ký gửi trước, sau đó hoàn thiện các thủ tục thanh toán là chủ trương đã có từ trước.
Theo lời khai của ông Tuấn, bị cáo có chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục thanh toán cho nhà thầu. Bản thân ông Tuấn cũng là người trực tiếp duyệt danh mục mua sắm năm 2016-2017 của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát. Khi chỉ đạo như vậy, ông Tuấn khẳng định không hưởng lợi.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cũng thừa nhận hành vi của mình là không đúng, nhưng khẳng định không có cách nào khác.
Đến nay, ông Tuấn đã hoàn trả lại khoản tiền nhận từ doanh nghiệp là 10.000 USD, vợ bị cáo cũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 6 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo khác đều nhận sai, thừa nhận cáo buộc của VKS.
Đối với số tiền hơn 53 tỷ đồng được xác định là hậu quả thiệt hại của vụ án, đại diện Bệnh viện Tim Hà Nội không có ý kiến gì, tôn trọng theo phán quyết của Tòa.
Người đại diện Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC Việt Nam cho hay không biết việc làm sai của các nhân viên và công ty đã nộp lại 132 triệu đồng là số tiền hưởng lợi trái phép để khắc phục hậu quả.
Lúc 17h15, HĐXX kết thúc phần xét hỏi. Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào 8h sáng ngày mai (18/4).