Nghề báo là một nghề cao quý, song cũng là nghề nguy hiểm và có nhiều rủi ro. 90 năm qua, báo chí đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và phát triển kinh tế đất nước.
Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về một số nội dung liên quan đến nghề báo.
PV: Với tư cách là cơ quan quản lý báo chí về chuyên môn, nghiệp vụ, ông có thể đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí hiện nay?
Ông Hà Minh Huệ: Quan niệm phổ biến ở phương Tây cho rằng, báo chí là quyền lực thứ tư, sau nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp trong cán cân quyền lực xã hội. Ở ta, báo chí được coi là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là diễn đàn của nhân dân.
Thời gian qua, báo chí về cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Hàng ngày, hàng giờ, các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp một lượng thông tin khổng lồ với nội dung phong phú, đa dạng, đa chiều, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, kết hợp cả thông tin nghe - nhìn để cung cấp nhanh nhất, thuyết phục nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Các cơ quan báo chí, tùy theo tôn chỉ, mục đích của mình đã và đang phản ánh đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và thế giới, tham gia phản biện xã hội và thể hiện rõ vai trò là diễn đàn của nhân dân.
Trong hoạt động của mình, báo chí cung cấp thông tin sâu, tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về nỗ lực quyết liệt của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Đặc biệt, báo chí đã phản ánh việc cả nước triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, có hiệu lực từ đầu năm 2014, với việc Quốc hội tăng cường xây dựng pháp luật phù hợp với tinh thần và lời văn của Hiến pháp mới.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Tuy nhiên, cùng với những thành tích đó, báo chí vẫn còn mắc những sai sót, khuyết điểm đáng chê trách, thể hiện cụ thể như: Bị dư luận phê phán là việc một bộ phận báo chí, đặc biệt là báo mạng, các phụ trương, phụ bản của báo in đưa những tin giật gân, câu khách, mà lâu nay chúng ta gọi là “lá cải hóa” báo chí, cốt để thu hút quảng cáo, bán báo kiếm tiền, không quan tâm tới những tác hại to lớn có thể có của những thông tin đó đối với xã hội. Có những thông tin gây tác hại tới cả một thế hệ nếu thông tin đó động chạm tới thế hệ trẻ. Một số nhà báo vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật, chỉ vì mục đích vụ lợi, do non kém về nghiệp vụ, yếu kém đạo đức…
PV: Hiện nay, mạng xã hội phát triển rất mạnh, những thông tin không được kiểm chứng tràn lan trên mạng internet, ảnh hưởng không nhỏ đến những tờ báo chân chính. Vậy, làm thế nào để khắc phục điều đó, thưa ông?
Ông Hà Minh Huệ: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin những năm gần đây đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng cũng gây không ít xáo trộn trong đời sống báo chí. Các trang thông tin điện tử, các blog, các facebook, twitter cá nhân mọc lên như nấm, cung cấp cả những thông tin ngoài luồng, không được kiểm chứng, là tự sự, thúc đẩy bởi những động cơ cá nhân, những nhóm lợi ích, thậm chí bởi những quan điểm sai trái, thù địch. Thực tế cho thấy, cái gọi là thông tin được cung cấp trên mạng xã hội đôi khi làm nóng dư luận xã hội, nhất là những thông tin đó đi vào những lĩnh vực nhạy cảm chính trị, kích động bạo loạn. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ thông tin trôi nổi trên mạng internet không có chủ nhân có trách nhiệm, khác hẳn với một cơ quan báo chí chính thống, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình làm.
Chính vì những tiện ích, tốc độ và khả năng không giới hạn về không gian và thời gian của mạng điện tử, mà các chuyên gia truyền thông quốc tế, các nhà quản lý báo chí cho rằng, báo in sẽ sớm bị cáo chung, vì không thể cạnh tranh được với báo mạng. Thực tế cũng đã cho thấy, ở Mỹ và nhiều nước khác đã có những cơ quan báo in bị đóng cửa, chuyển sang làm báo mạng.
Cũng không thể phủ nhận tiện ích của mạng xã với tư cách là một diễn đàn trao đổi rộng rãi của các cá nhân, giữa các cá nhân. Tuy nhiên, vì lợi ích cộng đồng, hãy đừng lợi dụng mạng xã hội để phục vụ những mục đích cá nhân, lợi ích cá nhận vị kỷ, hẹp hòi, thậm chí thù địch.
Câu hỏi của phóng viên là làm thế nào để khắc phục, hạn chế tác hại của các trang mạng xã hội? Theo tôi, mạng xã hội phát triển là một xu thế khách quan hiện nay, do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào hạn chế tác hại của nó, sử dụng nó vào mục đích của mình, biến nó thành có lợi. Một giải pháp quan trọng là tăng cường vai trò, vị thế và chất lượng của các cơ quan báo chí chính thống, cung cấp thông tin toàn diện, đầy đủ, chuẩn xác để chiếm lĩnh “trận địa”, “thị trường”. Cũng như trên chiến trường, thương trường, ai là người nắm vững thông tin, người đó sẽ chiến thắng.
PV: Liên quan đến việc một số cơ quan báo chí vừa qua bị xử lý vì thông tin sai sự thật, hoặc vì những lý do khác, ông có cho rằng đó là do đạo đức của người làm báo hay là sự cẩu thả trong việc thẩm định nguồn tin?
Ông Hà Minh Huệ: Điều đáng buồn là thời gian qua vẫn có một ít số cơ quan báo chí, phóng viên bị xử lý, xử phạt hành chính vì những sai phạm, vi phạm các quy định của pháp luật, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tôi cho rằng việc mắc các sai phạm đó có hai nguyên nhân.
Thứ nhất là do sự non kém về nghiệp vụ báo chí, trong đó có việc nhà báo đó, người làm báo đó không biết mình phải làm gì cho đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không biết những gì được làm và không được làm. Không thể có chuyện nhà báo nhìn thấy gì, biết được cái gì là tung hết lên mặt báo. Nhà báo là phải biết chắt lọc.
Hai là, người đó kém về mặt đạo đức, có thể đã biết những gì mình làm sẽ sai, sẽ vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm bất chấp hậu quả, chỉ vì chạy theo một mục đích nào đó như kinh tế, hư danh chẳng hạn. Có lúc nhà báo “quá đà” trong việc thực thi nhiệm vụ của người làm báo, quá đề cao vai trò của mình như người phán xét, quên mất chức năng lớn nhất của mình là người phản ánh, người ghi chép lịch sử. Nên nhớ, cơ quan báo chí, người làm báo không phải là người phán xét đúng sai, càng không phải là “bao công” xử án. Một số nhà báo khá “tinh tướng” khi đến cơ sở tác nghiệp, thu thập nguồn tin, bày trò đe dọa này nọ để kiếm chác. Những người như thế không xứng đáng đứng trong đội ngũ những người làm báo chúng ta.
Với những sai phạm mà các cơ quan báo chí, các nhà báo mắc phải, có những điều đã diễn ra quá lâu, đã bị nhắc nhở, xử lý, nhưng vẫn còn tái diễn, tôi cho rằng các cơ quan báo chí cần giáo dục lại những nguyên tắc cơ bản của nghề báo, tuân thủ chặt chẽ 9 điều trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành từ năm 2005.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!