Đó là câu chuyện của anh Trần Chiến, sinh năm 1982 tại Nam Đàn, Nghệ An. Anh đã đi từng bước chắc chắn vào lĩnh vực nhiều người chơi, ít thành công này. Nhưng chính khó khăn và thử thách của hoa lan là nền tảng cho anh vươn tới thành tựu như hôm nay.
Sở hữu nhiều dòng lan đột biến quý hiếm
Giờ đây, trong khu vườn với diện tích khoảng 150m2 với hơn 1000 chậu lan, có rất nhiều loài lan quý hiếm mà Trần Chiến đang sở hữu. Năm cánh trắng Cờ Đỏ, năm cánh trắng Kinh Bắc, năm cánh trắng Bảo Duy, năm cánh trắng Hiển Oanh, Ngọc Sơn Cước, Người đẹp không tên, Hồng Minh Châu, năm cánh trắng Phú Thọ, Hồng Á hậu… đều có mặt trong vườn nhà anh.
Nhưng ít ai biết, anh lại không xuất phát từ một người chuyên về trồng lan, mà lại là dân… kỹ thuật.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2005, Trần Chiến rời thủ đô vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh đã có 5 năm là nhân viên thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh và thực phẩm.
Từ năm 2010 tới nay, Trần Chiến tập trung vào kinh doanh dược phẩm. Bằng kinh nghiệm tích lũy trên thương trường, anh đã thành lập và phát triển hai công ty dược phẩm riêng cho mình.
Tưởng an bài với việc kinh doanh dược phẩm, nhưng anh lại thử sức mình thêm với việc sưu tầm và trồng lan đột biến nhiều cam go.
“Từ những năm 2000, tôi có một người anh cạnh nhà công tác ở Lào. Mỗi lần anh ấy về là xách một ít lan rừng về chăm trồng. Thấy hoa đẹp lại thơm, nên tôi đã qua anh chơi, tập chăm và yêu lan từ đó. Rồi thời gian đi học đại học, công việc cuốn đi cho đến năm 2019 tôi được một người bạn ở Tuyên Quang vào Sài Gòn nhờ chở đi xem cây và mua cây lan Var. Với một chút am hiểu về cây, cũng như đam mê được hun đúc bởi các mô hình trồng, chăm sóc lan mô hình hiện đại ở nhiều nhà vườn lớn, cứ vậy mà tôi dần tiến sâu vào lĩnh vực thú vị này”, Trần Chiến chia sẻ.
Chủ trương vững vàng
Lan đột biến từ khi xuất hiện cho tới thời điểm hiện tại, luôn cạnh tranh không ngừng. Nhiều người không có bản lĩnh và kinh nghiệm, bị “ma trận” ấy làm cho thiệt hại khá nặng nề. Nhưng Trần Chiến lại rất vững vàng khi có chủ trương xuyên suốt là chăm cây thật tốt, thật khỏe. Luôn học hỏi và hỗ trợ kỹ thuật cho người chơi mới.
Khi chúng tôi hỏi anh về kinh nghiệm chơi lan thất bại ít - thành công nhanh, đặc biệt là với những người trẻ, Trần Chiến cho biết: “Thứ nhất là bản thân mỗi người phải luôn muốn được giao lưu, học hỏi và kết nối thêm những người bạn trên khắp cả nước. Đặc biệt là những người cùng đam mê cây lan. Thứ hai là cố gắng để hoàn thiện các kỹ thuật chăm cây, nhân giống và tìm kiếm nhiều cây lan mới trong bộ sưu tầm của mình”.
Đối với người chơi lan thành công, cần rất nhiều yếu tố bởi vì chơi lan là dưỡng tính và nhân văn. Vì vậy ngoài những thành công trong chơi cây còn cần phải có những lan tỏa đam mê, phải biết đủ và đặc biệt là phải biết cho đi khi mình có điều kiện về kinh tế, tinh thần.
Sau khi trải qua những thất bại, Trần Chiến đúc rút được kinh nghiệm và chia sẻ cho những người mới chơi lan. Thứ nhất là phải chuẩn cây giống, cây mẹ đã hoa. Xác định được nguồn gốc cây lan.
Thứ hai là phải mua cây khỏe, giá cả cây có thể cao hơn. Nhưng tiềm năng phát triển cây khỏe sẽ nhanh bù lại giá thành cây.
Thứ ba là phải tìm được người hướng dẫn chăm sóc, định hướng cây. Kỹ thuật chăm cây là yếu tố quyết định về chơi cây lâu dài.
Thứ 4 là phải biết chia sẻ, truyền cảm hứng cho người chơi khác. Họ không biết họ mới hỏi, và trong cái hỏi họ cũng tạo nên cái phản biện cho người chơi cây.
Thực tế cây lan đột biến có giá cao cũng có những lý do riêng, có những cây cả nước mới vài chục người sở hữu giống, mặt hoa độc, lạ và đẹp. Tuy nhiên người chơi lan nên tùy theo sức, tài chính của mình.
Trần Chiến cho biết người chơi nên đầu tư chơi lan bài bản, có nền mống từ cây nhỏ, cây ít tiền, sau đó nuôi dưỡng, chăm sóc và nâng cấp lên tầm trung và cao. Không quá chạy theo trào lưu và hãy để cách chơi là đam mê.