Sau nhiều lần ra tù vào tội không ai ngờ được rằng Phan Trọng Lương lại chuộc lỗi lầm bằng cách ấy.
Giờ thì Lương đã là ông chủ lớn, ông chủ của cánh rừng hàng trăm hecta. Và, lớn hơn cả là Lương đã nhận ra đâu mới là cuộc sống thực, cuộc sống có ý nghĩa đối với mình và với cả gia đình.
Lỗi lầm chồng chất
Sinh năm 1975, lại là con út trong gia đình 5 chị em, từ nhỏ, Phan Trọng Lương đã có tính cách như “công tử bột” trong một gia đình thuần nông. So với đám bạn trong làng cùng trang lứa, cậu nhanh chóng trở thành “đàn anh” ở những trò đánh khăng, đánh đáo...lúc tóc còn để chỏm. Thời đó, nhắc đến Lương, người dân đều biết đến cậu là một kẻ lỳ lợm nhất vùng. Vừa ham chơi, lại cộng thêm cái tính ngang ngược, học hết lớp 7, Lương bỏ học để theo đám bạn đi bụi rồi trở thành đại ca trong đám giang hồ ở quê lúa.
Ngày ấy, nhắc đến cái tên Phan Trọng Lương, người dân ở đây ai cũng ghê sợ bởi bộ mặt bặm trợn của cậu. Năm 1994, Lương đã gây ra tội đánh người gây thương tích ở xã Quang Thành (Yên Thành, Nghệ An) vì những câu nói chướng tai của một người trên tuổi mình.
Lần này, cậu bé vốn nổi tiếng “có máu mặt” trong cả huyện Yên Thành đã phải ngồi tù 9 tháng ở Trại Tạm giam Công an tỉnh vì tội cố ý gây thương tích. Ra tù, lang thang bạt khắp xứ một thời gian, hết đường “hành nghề” xưng hùng xưng bá, năm 1995, Lương quay về quê nhà cùng cha mình nhận trồng chăm sóc gần 150 héc ta rừng giẻ ở khu vực đồi dốc Trăn thuộc xã Đồng Thành, huyện Yên Thành.
Những tưởng tại đây, chàng thanh niên tuổi 20 này sẽ tu chí cùng gia đình gây dựng cơ nghiệp trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc, nào ngờ số kiếp giang hồ lại tiếp tục trỗi dậy trong con người Lương. Ngày đó, về “tu chí” cùng gia đình chưa được bao lâu, giữa năm 1995, cái tên Lương mới nghe có vẻ gắn với kiếp lương thiện như bố mẹ anh hằng mong đợi lại gặp cảnh một số tay anh chị làng bên vào rừng phá phách, ức hiếp cha mẹ đang nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, cậu đã vác dao đi tìm gặp những kẻ cố ý phá hoại tài sản trên đất nhà mình. Và, cùng lần này, Lương tiếp tục dính vào vòng lao lý 1 năm ròng ngồi tù cũng vì tội cố ý gây thương tích.
Cũng ra tù rồi quyết “tu” lại từ đầu nhưng bản tính bất cần đời của Lương tiếp tục gây ra những lỗi lầm. Năm 1997, Lương đi tù lần 2 được ra trại chưa đầy 1 năm thì tiếp tục bị bắt đi tù lần 3 với tội cố ý gây thương tích, đánh thương tật người khác. Tù tội vì những lỗi lầm này hết lỗi lầm khác, đến nỗi anh chị em trong gia đình thân thích cũng phải khiếp vía người em trai út như Lương.
Bản tính ngang bướng rồi thích hành hung người nào dám làm chướng tai Lương, cậu đều không chần chừ khi ra tay đánh trọng thương người khác vì những lý do lãng xẹt. Khi thì chướng tai vì một câu nói, lúc thì ngứa mắt chỉ vì một hành động được Lương xem là phải dạy cho người đối diện mình một bài học…
Lần 3 vào tù cải tạo 1 năm, đến năm 1998, lúc ra tù, Lương lại cuỗm tiền gia đình để đi đánh bạc. Lúc này, kẻ vào tù như cơm bữa này đã phải ngồi bóc lịch 3 tháng trong Trại Tạm giam khi bị công an theo dõi và phá vụ đánh bạc ở ngay trong huyện Yên Thành. Lại một lần nữa, người dân ở quê lúa Yên Thành khi nghe tên Phan Trọng Lương trong danh sách các đối tượng tham gia đánh bạc bị công an bắt, ai cũng nghĩ đến y bằng cái lắc đầu rằng: hết thuốc chữa cho kẻ bất nhân. Lần này, vợ con, gia đình và ngay cả chính bố mẹ già còm cõi của Lương chẳng còn dám ngước mặt lên nhìn hàng xóm nữa vì tội tình con mình gây ra. Hết đánh người gây thương tích, Lương tiếp tục dính “chàm” vào tội tổ chức đánh bạc. Với số lần phạm tội của Lương, đến trời đất cũng đành bó tay cho một kẻ tội đồ đã từng gây ra những lỗi lầm kế tiếp lầm lỗi.
Lương trên khuôn viên đập Vệ Vừng và cánh rừng hàng trăm hecta
Trồng rừng để phục thiện
Bây giờ, sau 4 lần vào tù ra tội, đã tu chí làm ăn rồi nhưng ngồi đối diện với tôi, Phan Trọng Lương vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc lại số lần phải vào Trại của mình. Sau gần chục năm, Phan Trọng Lương vẫn chưa quên hẳn những lầm lỗi do chính mình gây ra cho gia đình, vợ con và chính cả người thân thích của mình.
“Em cũng hết đường rồi. Ngày nhìn cha em lúc lâm trung rồi nghĩ lại bản thân mình, em thấy tội tình mình gây ra là quá lớn đối với gia đình. Lần đó, sau khi ra tù, em cố gắng dè tính tình của mình hơn với vợ con và cả chính bản thân mình. Chẳng có con đường hoàn lương nào tốt hơn là cố gắng cải tạo mình bằng lao động, bằng cách tiếp tục thay cha giữ hàng trăm héc ta rừng đang độ khép tán. Nếu lần này, em mà dính vào tù tội nữa thì đời coi như xong, là mất hết tất cả”. Thú thật, nghe đến đây và ngồi đối diện với một con người từng 4 lần vào tù, tôi vẫn không thể tin nổi Lương lại nói ra được những lời như từ đáy lòng mình khi có mặt 2 đứa con trai kháu khỉnh cùng người vợ tảo tần của anh.
Nhìn chị Đặng Thị Thu nhanh tay rót nước mời khách, tôi lại thấy ở chị hiện lên rõ mồn một cái vẻ khắc khổ, thân hình già trước tuổi vì phải thay chồng gánh vác việc gia đình cho những năm tháng Lương ngồi tù. Quá trưa, khi thấy khách có vẻ không tin những lời tâm sự của một kẻ lầm lỗi như mình hoàn lương để hướng thiện, Phan Trọng Lương dẫn chúng tôi ra thăm cánh rừng giẻ mươn man đâm chồi nảy lộc. Đứng bên những gốc cây giẻ cao lớn vượt mấy đầu người bạt ngàn xanh tốt, ai cũng hiểu để giữ được màu xanh ở vùng đất vốn được coi là khô cằn sỏi đá này không phải dễ.
“Giữ được rừng có khi phải đánh đổi cả mấy kiếp người. Vợ chồng em gần chục năm nay thay nhau chăm sóc rồi đến mùa trồng thêm rừng cũng phải vay mượn của anh em để thuê người trồng đó các anh ạ. Giờ thấy chồng mình hăng say bảo vệ rừng, cứ qua mỗi năm thấy cây cối tốt tươi, em tin chồng mình đã dần trả nợ được với rừng cây, với chính đời người và chuộc lỗi với vợ con rồi” – Chị Thu xen ngang câu chuyện về cách trồng bảo vệ rừng của chúng tôi với người chồng của mình.
Bây giờ, ngoài hơn 100 héc ta rừng giẻ, vợ chồng Lương còn trồng thêm bạch đàn, tràm và nhiều cây gỗ có giá trị. Chưa hết, mấy năm nay, vợ chồng anh còn nhận thầu quản lý, bảo vệ khu sinh thái đập Vệ Vừng với dung tích gần 18 triệu mét khối nước. Lương còn khoe, riêng từ việc nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, hàng năm anh còn thu hoạch từ việc thả nuôi cá trên khu vực đập này với lại ròng gần 100 triệu đồng. Chưa kể việc thuê 20 đến 30 nhân công thường xuyên chăm sóc và thu hoạch hạt dẻ vào mùa vụ, trừ chi phí cũng thu về độ 50 đến 60 triệu đồng.
Ngồi du thuyền trên khuôn viên đập Vệ Vừng rộng gần 1000 héc ta mặt nước, ngắm những đàn cò bình yên thả cánh đậu trắng cả một cánh rừng, chúng tôi không thể tin nổi một người từng lầm lỗi như anh lại “tạ tội” được với cuộc đời mình bằng cách ươm mần bằng chồi non lộc biếc cho cả vùng đất mình đã từng sinh ra. Chiếc thuyền nan đung đưa chòng chành lướt chậm rãi trên mặt hồ bao la, Phan Trọng Lương thủ thỉ vào tai tôi: giá như có chiếc xuồng máy để chạy nhanh hơn những lúc săn đuổi đối tượng vào khu vực săn bắn chim cò nơi đây thì rừng xanh này bình yên biết mấy?!.