Một đứa bé 10 tuổi bị thất học giữa thủ đô, bị ông bố đẻ, bà mẹ kế hành hạ đến gãy xương sườn, còn mẹ đẻ 2 năm không biết đến mặt con. Bảo vệ trẻ em tốt đến thế là cùng!
Vụ việc cháu bé 10 tuổi ở quận Cầu Giấy bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ tàn bạo đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, bức xúc. Thân thể đứa bé 10 tuổi chằng chịt những vết sẹo vì bị bố dùng móc áo, guốc, chân đánh đập suốt một thời gian dài.
Người bố ác hơn thú dữ đang bị Cơ quan Công an tạm giữ để điều tra, nguyên nhân của vụ việc sẽ dần được làm sáng tỏ. Nhưng sáng tỏ rồi thì sao?
Có ai tin nổi, giữa lòng thủ đô Hà Nội mà một đứa trẻ bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ sút 20kg, khuôn mặt chằng chịt vết sẹo và chỉ được ăn bánh mì khô với cơm nguội không?
Những vết sẹo, vết thương trên cơ thể cháu bé có thể lành nhưng tổn thương về tâm lý thì vĩnh viễn còn đó, không thể lành lặn, không thể phục hồi.
Tuyệt nhiên không thể coi người đàn ông đánh con ruột của mình như thế là bố. "Hổ dữ không ăn thịt con", có người bố nào lại tàn nhẫn hơn cả loài động vật hoang dã?
Cháu K. bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ suốt 2 năm trời
Đứa trẻ mới 10 tuổi phải một mình tìm cách trốn chạy khỏi bậc sinh thành và cái nhà như địa ngục trần gian. Một đứa trẻ không được quan tâm, không được yêu thương, không được bảo vệ và không thể phản kháng, cầu cứu trước đòn roi là một sự thất bại mang tính hệ thống của xã hội.
Chúng ta kêu gào, chúng ta phê phán nhưng không thể ngăn chặn được những vụ việc đau xót như thế xảy ra. Sao không thể đưa ra một biện pháp tức thời, quyết liệt với hành vi bạo hành trẻ em?
Sao không lập tức tước quyền làm bố, thậm chí cấm vĩnh viễn những con "thú dữ" ấy ở gần trẻ em? Và còn hàng loạt các ban ngành, hàng loạt các quy định của pháp luật hiện hành chẳng lẽ chỉ tồn tại cho có?
Người mẹ của cháu bé bị bố bạo hành tâm sự với báo chí rằng, chị sẽ không thể nhận ra đứa con đẻ của mình sau hai năm xa cách nếu nó không mặc cái áo mà chị đã mua. Chị còn bảo, người chồng cũ nại ra nhiều lý do khiến chị không gặp được con trong ngần ấy năm trời. Rồi chị cũng không nghĩ rằng, bố có thể tàn nhẫn với con tới mức ấy.
Nhưng thực lòng, tôi không có lý do nào để thông cảm được cho chị. Hai năm ròng, không một lần được gặp đứa con trai mới mấy tuổi đầu mà có thể an nhiên sống hay sao?
Nếu không có sự lạnh nhạt, nếu không có sự thờ ơ, vô cảm của người mẹ thì sự việc đâu đến nỗi này.
Tôi không biết cái ngày mà họ đưa nhau ra Tòa án ly hôn, gã đàn ông và người phụ nữ ấy đã giành giật những đứa trẻ về mình như thế nào? Chắc hẳn họ đã vẽ ra một tương lai rất tươi sáng, một cuộc sống tràn ngập tình yêu thương, sự bảo bọc.
Sau phiên tòa, những đứa trẻ như rơi vào một cái bẫy mà chính người cha, người mẹ đã giăng ra nhằm thỏa mãn sự ích kỷ.
Tôi thực sự hoảng hốt, thực sự thấy bất an khi nghĩ tới hình ảnh những đứa trẻ bị cha mẹ chúng kéo đi sau những phiên tòa. Một gia đình đổ vỡ cũng chính là tình yêu thương đã không còn tròn vẹn. Đó rất có thể là những ngày tháng u tối của những đứa trẻ khi một nửa yêu thương cũng không dành hết về mình.
Có bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ đói, bị đánh đập và bị buộc phải bỏ học như cháu bé 10 tuổi giữa lòng thủ đô mà chúng ta còn chưa biết hay không? Câu hỏi ấy thật nhức nhối.