Nhân kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ nhà báo vào ngày 2/11 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ quyền tác nghiệp của các nhà báo.
Đồng thời, ông Ban Ki-moon cũng tôn vinh những người làm nghề truyền thông đã bị sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ phản ánh sự thật.
Trong 1 thập niên qua đã có hơn 700 nhà báo bị sát hại trong khi làm nhiệm vụ
Tổng thư ký cho biết, “Trong 1 thập niên qua đã có hơn 700 nhà báo bị sát hại trong khi làm nhiệm vụ phản ánh thông tin tới công chúng. Điều đó có nghĩa là cứ 5 ngày lại có 1 nhà báo bị sát hại. Trong đó, nhiều người bị chết trong các cuộc xung đột. “Tuy nhiên, điều đáng nói rằng, chỉ 7% trong số các vụ sát hại được xử lý và cứ 10 vụ thì có chưa tới 1 vụ được điều tra đầy đủ”, ông nhấn mạnh.
Điều này được ông giải thích rằng, nhiều vụ tấn công nhà báo phải báo cáo và thông qua kiểm duyệt của chính phủ.
“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các nhà báo và phải đảm bảo rằng những vụ gây rối, sát hại nhà báo sẽ được báo cáo nhanh chóng và tự do mà không cần phải thông qua kiểm duyệt”, ông nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) - cơ quan đang đi đầu trong Kế hoạch Hành động vì sự an toàn của các nhà báo do LHQ khởi xướng, bà Irina Bokova cho biết, bà thường xuyên công khai lên án những vụ giết hại nhà báo và kêu gọi các cuộc điều tra kỹ lưỡng. Bà cho biết, trong 6 năm qua bà đã công khai lên án 540 trường hợp các vụ giết hại nhà báo, nhân viên truyền thông và các nhà sản xuất truyền thông xã hội.
Thời gian qua, UNESCO đã nhận được sự phối hợp của các chính phủ, tổ chức dân sự và cơ quan báo chí, bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tốt, bà nói.
Bà cũng cho biết thêm, ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra luật và cơ chế trừng phạt và cải thiện an toàn cho các nhà báo. Bên cạnh đó, Đại hội đồng LHQ, Ủy ban Nhân quyền cũng như Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết cụ thể để bảo vệ các nhà báo.
Bảo vệ các nhà báo có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với việc đạt được mục tiêu 16/10 trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, vì thế, Tổng giám đốc UNESCO hối thúc tất cả các quốc gia thông qua luật pháp thực thi những biện pháp, nhằm đảm bảo rằng, mọi cuộc điều tra và phiên tòa xét xử các vụ án tấn công nhà báo đều được tiến hành nghiêm túc.