Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã ra đi, nhưng với người dân Đà Nẵng, bên cạnh niềm đau xót và sự tiếc nuối khôn nguôi về một con người đức độ, họ còn luôn nhớ đến những việc lớn lao ông đã làm cho thành phố này.
Cây cầu mang tên Nguyễn Bá Thanh
Hình ảnh ông Bá Thanh bắt đầu gắn với những người dân lam lũ từ khi ông còn rất trẻ. Từ đầu những năm 80, tại Hòa Nhơn (Hòa Vang), không ít người có thành kiến với các Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX), bởi mấy đời Chủ nhiệm đều đem đến sự bất bình bức xúc, đời sống xã viên bấp bênh khiến họ thiếu niềm tin vào hoạt động HTX. Chỉ đến khi anh cán bộ trẻ Nguyễn Bá Thanh về nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm HTX 2 Hoà Nhơn thì đời sống xã viên mới được nâng lên, người dân hào hứng tham gia HTX, họ tâm phục khẩu phục cách làm và nhất mực tin yêu Chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh.
Nhưng có lẽ điều người dân nơi đây còn nhớ mãi đến vị Chủ nhiệm này bởi chuyện xây cầu. Chuyện là từ thôn Phước Thới (HTX 2) Hoà Nhơn đi đến trường Tiểu học trong thôn, học sinh phải lội qua một con mương rộng, dòng chảy bất thường, nên năm nào mùa lụt cũng có một hai em sẩy chân và bị đuối nước. Mối nguy hại rình rập, dân kêu thấu trời, nhưng hồi đó làm gì cũng phải chờ “kế hoạch” chẳng biết khi nào mới có cầu. Rồi đến một ngày ông Bá Thanh một mình mang bản thiết kế tự vẽ ra Hà Nội để kêu. Nhờ những mối quan hệ trong quá trình học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cây cầu “tự xin” được cho ít sắt thép, xi măng để làm. Xin vẫn không đủ, ông Bá Thanh nghĩ ra cách kết nghĩa với Công ty đóng tàu Sông Thu, rồi sau đó xin đơn vị này hỗ trợ vật liệu làm cầu.
Ông Nguyễn Bá Thanh thăm đường hoa, cùng vui xuân với người dân Đà Nẵng ngày mùng 2 Tết Đinh Tỵ (ảnh: Công Bính)
Ngày khởi công, thi công cây cầu, ông Chủ nhiệm Bá Thanh tả xung hữu đột, hò hét suốt ngày trên công trường. Nhờ vậy vài tháng sau, học sinh Hoà Nhơn đã có cây cầu bê tông vững chãi để đến trường. Cũng chính việc làm thiết thực, xuất phát từ sự cảm thông những khó khăn của bà con mà người dân nơi đây không gọi tên cây cầu theo địa danh Hòa Nhơn xã đặt, họ nhất mực gọi là cầu Nguyễn Bá Thanh.
“Đào giếng” cứu đói công nhân
Năm 1985, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Nghị quyết 25 về việc tăng cường đầu tư nhân tài, vật lực cho miền núi. Chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh lúc này đã là Phó Chủ tịch, Thường vụ Huyện ủy trẻ nhất tỉnh, được điều lên làm Giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng. Đây cũng là thời điểm vô cùng khó khăn, đất nước đang bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường, xóa bỏ cơ chế xin - cho. Trong khi đó, khối Liên Xô và Đông Âu lại tan rã, không còn thị trường xuất khẩu hàng hóa. Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp không có đầu ra cho sản phẩm gần như “chết đứng”. Nông trường Quyết Thắng cũng không ngoại lệ, hàng trăm công nhân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Trước tình trạng đó, ông Bá Thanh trăn trở mãi, sự đấu tranh giữa lối tư duy cũ và cách nhìn mới; giữa thực tế và nguyên tắc. Rồi ông lại nghĩ, ngồi trên đống vàng mà bó tay chịu đói là chuyện phi lý. Cuối cùng ông nghĩ ra cách cho công nhân đi đào đãi vàng sa khoáng để tạm cải thiện đời sống trong thời điểm khó khăn. Ông bày cho công nhân âm thầm khoét sâu vào lòng đất, lấy vàng sa khoáng ra suối đãi, rồi mang bán. Nhờ vậy đời sống hàng trăm gia đình đã được cải thiện.
Sau này, chuyện vỡ ra, đoàn thanh tra có về làm việc. Nhưng trước cái lý về “đào giếng lấy nước uống…” và cái tình của ông Bá Thanh không ai không nể phục, sự việc vì thế cũng được êm xuôi. Ông Bá Thanh ngày càng được người dân và những người công nhân lao động quý trọng, uy tín của ông ngày càng cao. Nhưng ông Thanh biết mình, ông không làm vì điều đó, ông âm thầm hạnh phúc khi thấy đời sống của anh em công nhân đã vượt qua cơn sóng gió, để họ có thể tin tưởng trụ vững trên những chặng đường mới.
Giao quà biếu cho nhà khách bán, lập quỹ giúp dân
Trong công cuộc xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo Đà Nẵng, ông Bá Thanh đã để lại khá nhiều dấu ấn. Mỗi việc làm của ông lại gắn với những thành quả hiển hiện trên quê hương không hề nhỏ, như chuyện mở đường Hàm Nghi xoá sạch ổ chuột, tiến đến hoàn thành tiêu chí đầu tiên của chương trình “ba có” (có nhà ở). Làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị hóa thành thị, đến chuyện xây cầu sông Hàn.
Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần vào thăm các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện
Cầu bắc qua sông Hàn giờ đây là điểm đến đầy tự hào của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, trước năm 2000, đời sống kinh tế - xã hội hai bờ Đông - Tây sông Hàn chêch lệch đến mức người Đà Nẵng chẳng ai lạ câu: “Con gái quận 3 không bằng bà già quận 1”. Ông quyết tâm xây dựng cầu sông Hàn để phát triển phía Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngang bằng với các quận trung tâm bên này sông, đồng thời khai thác cả một vùng ven biển đầy tiềm năng vẫn ngủ yên hàng trăm năm nay. Nhưng kiếm vốn đâu ra là điều ông trăn trở. Rồi, ông chủ trương kêu gọi nhân dân đóng góp tùy lòng hảo tâm, kẻ 500 ngàn, người 1 triệu đồng xây cầu.
Riêng gia đình ông Bá Thanh góp 30 triệu đồng. Số tiền bị đặt câu hỏi nghi ngờ là “lấy đâu ra?”. Với tiền lương hằng tháng của ông, đã được ông lý giải một cách đơn giản như tấm lòng ngay thẳng vì dân, vì nước của mình: “Tiền này từ bán quà người ta biếu tui”. Hóa ra, làm quan chức như ông thì có khách viếng thăm biếu quà là chuyện thường, nhưng cái khác thường của ông là vẫn nhận những quà biếu, nhưng chuyển cho nhà khách của Ủy ban giữ, bán lấy tiền lập ra quỹ để hỗ trợ người dân khi cơ nhỡ, gặp khó khăn.
Trở về với đất mẹ
Ông Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1953, tại Hòa Vang (Đà Nẵng). Ông đã có hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch, hai nhiệm kỳ Bí thư, với hơn 15 năm chỉnh trang thành phố, can thiệp làm đổi thay cuộc sống hơn 1/3 trong số 80 vạn dân Đà Nẵng. Ông là người đưa ra hàng trăm chủ trương, chính sách “không giống ai”, nhưng sau này lại là hình mẫu để các thành phố khác học tập như xây dựng trung tâm bảo trợ để nuôi người ăn xin, lang thang cơ nhỡ; hạn chế người không việc làm, không có nhà ở từ các địa phương khác nhập cư vào khu vực trung tâm; hay chính sách dưỡng liêm cho cán bộ các cơ quan pháp luật, tịch thu xe máy, sung quỹ các phương tiện đua xe trái phép…
Vậy mà chưa một lần nhận công cho riêng mình, ông luôn đề cao mỗi người dân Đà Nẵng và coi đó như động lực, sức mạnh cho mình. Ông luôn khẳng định, cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân. Tại buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của Đà Nẵng ngày 24/2/2012, lý giải cho những thành quả đã đạt được của TP Đà Nẵng, ông Thanh khẳng định: “Đà Nẵng đã tạo nên cái được lớn nhất là được lòng dân, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Tất cả những việc đó dần dần qua năm tháng đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng. Chúng ta có quyền tự hào về những việc làm được trong 15 năm qua, đã hình thành nên một Đà Nẵng hấp dẫn và lôi cuốn hơn”.
Nhưng không phải lúc nào tạo hóa cũng chiều lòng người, trước sự ra đi của ông để lại bao nỗi tiếc thương cho người dân cả nước. Trong những ngày cuối năm giá rét, không người Đà Nẵng nào không thấy hẫng hụt, chông chênh khi mất đi chỗ dựa tinh thần và niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Vẫn biết rằng sinh-lão-bệnh-tử, cát bụi sẽ trở về với cát bụi, nhưng sao lòng thấy đau đớn. Có người nói rằng, có lẽ người như ông Bá Thanh đã cống hiến quá nhiều và làm được nhiều điều mà nhiều người cộng lại trong một vòng đời chưa được cho là thọ, nên thời gian của ông sống trên đời không dài như nhiều người vẫn sống.
Có lẽ vậy!.Nhưng chính những thành quả ông đã làm được cho người Đà Nẵng đã và sẽ khiến ông còn sống mãi. Bởi lẽ, những gì ông làm được đã để lại dấu ấn được khắc ghi khắp thành phố này. Người Đà Nẵng nghĩ đến ông không giống như đắp xây một tượng đài. Họ nhớ đến ông về những hình ảnh thân quen, gần gũi trong từng bữa ăn giấc ngủ, Hơn ai hết, ông chính là người đem đến niềm tin, thổi vào tâm hồn người Đà Nẵng lòng tự hào quê hương, để từ đó mỗi người có nhận thức sâu sắc hơn, tự nguyện điều chỉnh hành vi sống xứng đáng hơn với một “Thành phố đáng sống”.