Với giá trị thương hiệu 125,31 triệu USD, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã lọt Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023 do Brand Finance công bố.
Sáng ngày 15/8, Brand Finance, tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu phối hợp Mibrand Vietnam, đơn vị chuyên sâu về tư vấn thương hiệu và nghiên cứu thị trường tổ chức diễn đàn “Brand Finance - Mibrand Vietnam Forum 2023”. Trong khuôn khổ sự kiện, Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance và Mibrand Việt Nam trao chứng nhận chính thức về giá trị thương hiệu, thứ hạng, chỉ số sức mạnh thương hiệu và ghi nhận các thành tựu của các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Theo đó, thương hiệu OCB được định giá 125,31 triệu USD năm 2023, chỉ số sức mạnh thương hiệu đạt 52,86 xếp hạng A, với những chỉ số này, OCB đã lọt Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời nằm trong Top 5 ngân hàng mới gia nhập bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam trong năm nay.
Trong đợt đánh giá lần này, Brand Finance tiến hành xác định sức mạnh tương đối của các thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các số liệu đánh giá hoạt động đầu tư tiếp thị, vốn cổ đông và hiệu quả kinh doanh. Tuân thủ ISO 20671, đánh giá của Brand Finance về vốn cổ đông kết hợp với dữ liệu gốc trong nghiên cứu thị trường từ hơn 150.000 người tham gia phỏng vấn tại 38 quốc gia thuộc 31 lĩnh vực. Bảng xếp hạng đầy đủ, các thông tin chuyên sâu, biểu đồ phân tích và nhiều thông tin khác về phương pháp luận cũng như định nghĩa các thuật ngữ đều có trong Báo cáo xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam năm 2023 của Brand Finance.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc OCB chia sẻ: “Với xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Thành quả này là minh chứng khẳng định vị thế của OCB trong hành trình 27 năm xây dựng và phát triển, là ngân hàng hàng đầu về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả hoạt động. Hiện nay, OCB không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động trên toàn quốc, tăng độ phủ thương hiệu, tiên phong số hóa, giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm tài chính và trải nghiệm dịch vụ một cách tối ưu nhất.”
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của OCB tăng hơn 47% so với cùng kỳ 2022, đạt 2.560 tỷ đồng. Với con số này, OCB là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai trong hệ thống. Đặc biệt, OCB là một trong số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR, nhờ tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Riêng với hoạt động chuyển đổi số, đây là chiến lược trọng điểm đem đến sự bứt phá của OCB trong những năm gần đây. Theo số thống kê mới nhất, ngân hàng số OCB OMNI tăng trưởng ấn tượng với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ; Nền tảng tìm, vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home đã kết nối thêm gần 30.000 môi giới, thêm 40.000 tài sản được đăng tin, đi vào vận hành thành công mobile app dành cho môi giới và mobile app dành cho khách hàng vay. Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 500.000 lượt tiếp cận và gần 2.000 hồ sơ đã được giải ngân. Mặc dù mới được tung ra thị trường từ tháng 3/2023, nhưng ngân hàng số thế hệ mới Liobank cũng đã gặt hái được những dấu ấn đầy ấn tượng như: hơn 300,000 lượt khách hàng đã tải và cài đặt Liobank với hơn 100,000 khách hàng mới.
Vừa qua, OCB cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty công nghệ tài chính – Backbase và Công ty SmartOSC, tiến hành triển khai nền tảng ngân hàng tương tác Backbase (Engagement Banking Platform - EBP) nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo mô hình ngân hàng hợp kênh. OCB kỳ vọng xây dựng hệ thống ngân hàng số tối ưu, cá nhân hóa cho từng khách hàng trên tất cả các kênh, bằng cách số hóa toàn diện hành trình và điểm chạm của khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ liền mạch, tức thời, gia tăng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Mục tiêu trong năm đầu tiên ra mắt sẽ tăng gấp đôi số lượng khách hàng sử dụng và đạt 10 triệu khách hàng sử dụng hàng tháng trong năm thứ năm.
Song song với hoạt động kinh doanh, OCB cũng luôn nỗ lực xây dựng, phát triển môi trường làm việc hiện đại, năng động, kiến tạo đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn hóa cao.