Ổ dịch tại TP Hải Dương có tính chất phức tạp

Đình Quế| 17/02/2021 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương nhận định, ổ dịch mới xuất hiện tại thành phố Hải Dương có tính chất phức tạp, thậm chí còn hơn ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng.

Do thời gian ủ bệnh đã lâu nên các F0 tiếp xúc với nhiều người. Việc truy vết cũng gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ổ dịch mới xuất hiện tại TP Hải Dương đã lây lan rất nhanh, đến nay đã ghi nhận 24 ca mắc, trong đó 7 ngày gần đây phát sinh 19 ca (8 ca mắc trong cộng đồng).

hai1.jpg

Toàn tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội từ 0h ngày 16/2.

Trước đó, để đảm bảo sự quyết liệt phòng, chống, dập dịch bệnh Covid- 19 lây lan trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh, bắt đầu từ 0h ngày 16/2.

Ổ dịch mới xuất hiện, TP Hải Dương đã phải thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tỉnh Hải Dương tính đến 6h sáng 17/2, tỉnh này không phát sinh ca mắc Covid-19 mới.

Hiện 12/12 huyện, thị xã, thành phố tại Hải Dương đều có ca mắc Covid- 19, tổng số ca mắc trong toàn tỉnh vẫn là 539, có 5 ổ dịch lớn tại các địa phương gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Ổ dịch tại Cẩm Giàng vẫn diễn biến phức tạp.

hai2.jpg

Các chốt kiểm soát dịch kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển của người dân

Ổ dịch Cẩm Giàng đã ghi nhận 66 ca mắc, trong đó 7 ngày đây phát sinh 52 ca. Tại ổ dịch này đã có 21 ca mắc liên quan đến Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam, ngoài Cẩm Giàng còn liên đới các địa phương khác như TP Hải Dương (4 ca), Bình Giang (3 ca), Thanh Hà (3 ca), các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ và Gia Lộc mỗi nơi 1 ca.

Toàn tỉnh đã có 3.928 F1 hoàn thành cách ly tập trung, 31.613 F2 hoàn thành cách ly tại nhà.

Vừa siết chặt quản lý trong các khu cách ly vừa đảm bảo thông thương

Ngày 16/2, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu siết chặt ngay công tác quản lý trong các khu cách ly tập trung và phong toả.

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập, kiện toàn bộ máy quản lý trong các khu cách ly tập trung, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với khu cách ly có từ 100 người trở lên giao cán bộ thuộc lực lượng quân đội làm đội trưởng, y tế làm đội phó và một đội phó khác là cán bộ địa phương. Lực lượng nào để sai sót phải chịu trách nhiệm.

Sở Y tế phối hợp UBND cấp huyện bố trí cho người đến cách ly bảo đảm giãn cách theo quy định. Trong mỗi khu vực cách ly tập trung hình thành ngay hệ thống sổ sách theo dõi, ghi chép chi tiết cập nhật tình hình thực hiện công việc mỗi ngày. Tỉnh sẽ ban hành mẫu văn bản báo cáo, văn bản kiểm tra để các khu cách ly thực hiện.

hai3.jpg

Hải Dương cũng đề nghị TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tạo điều kiện thông thương hàng hóa theo đúng Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ

Tỉnh Hải Dương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra ở 3 cấp để kiểm tra khu vực cách ly tập trung và khu vực phong toả. Việc kiểm tra có thể báo trước hoặc không báo trước. Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện cán bộ, người dân không thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch cần xử lý ngay. Lãnh đạo cấp huyện phải chịu trách nhiệm đối với công tác phòng dịch của địa phương mình nếu để xảy ra sai sót.

Về công tác hậu cần, các địa phương liên hệ với Sở Tài chính để được hướng dẫn cụ thể về kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trong khu cách ly, mua sắm trang thiết bị vật tư... phòng chống dịch. Đối với các khu cách ly tập trung trong thời gian cách ly và sau khi hết thời gian cách ly, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các địa phương cấp huyện thu gom, xử lý rác thải, làm sạch vệ sinh môi trường theo quy định. UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý môi trường, làm sạch trang thiết bị và đóng gói, niêm phong, bảo quản để dùng lại khi cần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, toàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, quy mô, tính chất thực hiện ở mỗi địa phương khác nhau. Đặc biệt phải bảo đảm thông suốt cho sản xuất, tiêu dùng, cung ứng sản phẩm. Các địa phương phối hợp linh hoạt xử lý việc lưu thông hàng hoá tại các chốt kiểm soát, không được cứng nhắc và máy móc. Giao các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản quy định danh mục hàng hoá thiết yếu để sản xuất tiêu dùng, phương án vận chuyển lưu thông hàng hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổ dịch tại TP Hải Dương có tính chất phức tạp