Ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Ký túc xá ĐH Luật Hà Nội

Thảo Nguyên| 16/05/2017 19:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/5, Sở Y tế Hà Nội xác nhận, vừa xuất hiện một ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 11 người mắc ngay tại ký túc xá Đại học Luật Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo đó, ngày 26/4, Trung tâm Y tế quận Đống Đa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá Đại học Luật Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Trước đó, ngày 22/4, bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh được phát hiện, gần đây nhất, ngày 3/5 đã phát hiện bệnh nhân thứ 11.

Trong tổng số 11 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) của ổ dịch Ký túc xá trường Đại học Luật Hà Nội, có 3 bệnh nhân được xác định, trong đó có 2 trường hợp mắc chủng D1; 8 bệnh nhân lâm sàng.

Ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Ký túc xá ĐH Luật Hà Nội

Cán bộ TTYT Dự phòng Hà Nội giám sát tìm ổ bọ gậy nguồn tại khu vực ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra thực tế tại trường Đại học Luật Hà Nội và phát hiện một ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu tại phòng ở của sinh viên.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã yêu cầu cán bộ y tế trường học tham mưu với Ban giám hiệu tổ chức mời sinh viên họp để thông báo về dịch bệnh và hướng dẫn vệ sinh để diệt bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết.

Ngày 16/5, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định ổ dịch SXH ở trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã ổn định, không phát sinh thêm ca bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, quận Đống Đa là nơi ghi nhận số lượng mắc SXH cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 ca mắc SXH ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch ở 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, tính đến ngày 16/5, có 95% bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội được xuất viện. Các ca bệnh và ổ dịch được điều tra xử lý kịp thời, đúng quy định trong vòng 48 giờ.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách: diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài ta; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Ký túc xá ĐH Luật Hà Nội