Theo thống kê của Hiệp hội yến sào Việt Nam thì cả nước hiện có 39 tỉnh, thành có các hộ gia đình nuôi chim yến.
Thực trạng nghề nuôi chim yến tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á
Mặc dù mới hình thành và phát triển được hơn 13 năm nhưng đến nay trên cả nước đã có 4.926 nhà nuôi yến với 937.810m2 diện tích sàn nuôi, ước tính tổng đàn chim yến là 5.657.000 con và sản lượng tổ yến đang khai thác trong năm 2015 là gần 40 tấn. Con số này vượt xa các nước trong khu vực như: Indonesia đã hinh thành và phát triển gần 70 năm, đến nay có hơn 200.000 nhà nuôi yến, sản lượng chỉ đạt 2.175 tấn/năm; Malaysia với gần 40 năm phát triển đến nay có hơn 60.000 nhà nuôi yến, sản lượng chỉ đạt 200 tấn/năm và Thái Lan với hơn 30 năm phát triển đến nay mới có gần 5.000 nhà nuôi yến, sản lượng chỉ 70 tấn/năm…
So với yến đảo, sản lượng yến nuôi trong nhà cao gấp 8 lần. Theo các nhà chuyên môn thì trong 10 năm tới sản lượng tổ yến đảo có tăng nhưng rất ít và có chiều hướng bị sụt giảm do cạn kiệt nguồn thức ăn cho chim yến. Hiện sản lượng yến sào Việt Nam vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hằng năm, các thương lái đã nhập về hàng chục tấn tổ yến từ các nước Malaixia, Thái Lan, Campuchia. Trong hki đó, tổ yến Việt Nam lại được các thương lái xuất bán dạng nguyên tổ đi nhiều nước với số lượng gần 2 tấn/năm.
Theo ông Phạm Thế Ruân, trú tại Đà Nẵng - người đã từng nghiên cứu nghề nuôi chim yến trong nhà suốt nhiều năm thì nuôi chim yến trong nhà là “ngành sản xuất không khói” mới nên gần như chưa được các nhà hoạch định chính sách của nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, trước nhu cầu củ thị trường ngành này đã tự hình thành phát triển và đứng vững.
Theo tính toán, doanh thu mua bán tổ yến trên thế giới năm 2010 là hơn 6 tỷ đô la Mỹ. Doanh số này đang sụt giảm vì nhiều vùng nuôi chim yến ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị chững lại do nhiều nguyên nhân trong đó nguồn sản sinh côn trùng tự nhiên làm mồi ăn cho chim yến đang suy kiệt dần. Nạn cháy rừng hằng năm và tác động ElNino cũng là một nguyên nhân.Tại các nước trên, trước đây có nhiều khu nuôi chim yến tập trung, đàn chim yến rất đông đúc, nay thưa thớt dần, sản lượng tổ yến nuôi của các nước này đang giảm sút.
Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi như: nhiều diện tích ven biển, khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiều rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đồng lúa nước, các cây trồng nhiệt đới nên có trữ lượng nguồn thức ăn dồi dào, phong phú và ổn định cho chim Yến. Do đó, ngành nuôi chim yến của Việt Nam có thể tiến xa hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, tỷ lệ tăng tự nhiên của đàn chim Yến Việt Nam là 10,4%/năm, đến năm 2020 tổng đàn chim yến VN sẽ là 9,28 triệu con và sản lượng tổ yến sẽ là 72,5 tấn; năm 2025 sẽ là 15,585 triệu con và sản lượng tổ 121,5 tấn; năm 2030 sẽ là 25,560 triệu con và sản lượng tổ là 200 tấn và đến năm 2035 sẽ là 42 triệu con và sản lượng tổ sẽ là 327 tấn. Theo đó, mỗi năm việc xuất khẩu tổ chim Yến sẽ đạt doanh thu hàng trăm triệu đô Mỹ và sau năm 2050 việc xuất khẩu có thể sẽ đạt 1 tỷ đô la Mỹ.
Mô hình nuôi chim yến tại Đồ Sơn (Hải Phòng)
Cần thành lập Hiệp hội để phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam
Nghề nuôi chim yến ở các nước Asean và cả ở Việt Nam được các nhà hoạch định kinh tế nhận định là ngành công nghiệp xanh, sạch, không khói.., vốn đầu tư nhỏ, sử dụng diện tích đất rất khiêm tốn, dùng rất ít công nhân, không tốn kém điện năng, tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe có giá trị cao.
Để nghề nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam xứng tầm với các nước trong Asean, phát triển bền vững, tạo nguồn hàng có giá trị xuất khẩu đạt 200 triệu đô la, vươn tới 500 triệu hay 1 tỷ đô la/1 năm, nghề này cần được các nhà quản lý hoạch định chính sách quan tâm, có các chính sách tạo được sức bật lớn để trong 10 - 20 năm tới tổ yến Việt Nam xuất khẩu có khả năng chiếm 20-30% thị phần xuất khẩu tổ yến của các nước Asean.
Theo đó, nghề nuôi chim yến trong nhà cần được quan tâm giải quyết một số vấn đề chính như: Thủ tục pháp lý bởi trong 4.926 nhà nuôi chim yến thì chỉ có 9 -10 nhà yến được cấp phép xây dựng nuôi chim yến thử nghiệm từ năm 2006 tại TP.HCM còn lại là cải tạo công năng từ nhà ở. Các nhà nuôi yến hiện nay đang xây dựng vẫn ở dạng xin phép xây nhà ở và chuyển công năng nuôi chim yến; Đầu ra cho tổ yến VN xuất khẩu phải là hợp pháp chính danh. Bởi nếu tiếp tục xuất khẩu dạng xách tay thì không thể vào các thị trường truyền thống như Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc; Trong chính sách nông thôn mới, ngành nghề nuôi chim yến nên cần được quan tâm ghi vào danh mục những ngành nghề ưu tiên phát triển được sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Ngành nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam mặc dù phát triển tự phát nhưng đã đứng vững trong 12 năm qua là nhờ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao. Trong tương lai đến sau năm 2020, ngành nuôi chim yến trong nhà phải được các nhà quản lý hoạch định những chính sách phù hợp với sự tiến bộ chung của ngành nuôi chim yến các nước Asean.
Những năm tới, nghề nuôi sẽ phát triển mạnh mẽ, số lượng nhà yến sẽ tăng lên từng ngày tháng theo cấp số nhân. Do vậy, theo ông Phạm Văn Ruân: Thấy rõ sự cần thiết thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện tại ông và những hộ nuôi chim yến trong nhà đang tiến hành hoàn tất thủ tục xin thành lập hiệp hội.
Ông Ruân cũng cho biết thêm: Sự có mặt một Hiệp hội Yến sào Việt Nam sẽ gắn kết các chủ nhà yến VN, góp phần quản lý kỹ thuật, quản lý vệ sinh dịch tễ, quản lý chất lượng tổ yến từ nhà nuôi đến nơi chế biến và xuất khẩu là thật sự cần thiết. Cùng với đó đây sẽ là nơi thực hiện những chính sách của nhà nước với nghề nuôi chim yến trong nhà và là tiếng nói của những nhà nuôi chim yến đến các nhà quản lý nhà nước để có thể hoạch định những chính sách đúng đắn tạo đà cho ngành công nghiệp xanh-sạch này tiến tới xuất khẩu trị giá 1 tỷ đô la vào năm 2050.