Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Làm chủ công nghệ để đột phá, vươn tầm

Minh Lý 27/05/2025 - 15:46

Ngày 27/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) chính thức khai mạc với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, vươn mình”.

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, quy tụ hơn 2.500 đại biểu đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, là diễn đàn chuyển đổi số lớn nhất khu vực châu Á.

Doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ lõi

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc FPT nhấn mạnh: Việt Nam đang chuyển từ vai trò "người theo sau công nghệ" sang chủ động nghiên cứu, làm chủ và thương mại hóa nhiều công nghệ cốt lõi như AI, Big Data, Cloud, Blockchain... Các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng nhiều nền tảng số “Make in Vietnam” ứng dụng sâu rộng trong chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tiêu biểu như FPT với hệ sinh thái AI xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia; Viettel làm chủ hạ tầng viễn thông thế hệ mới; VNPT triển khai các giải pháp số cho y tế, giáo dục, đô thị thông minh. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt đã phát triển thành công các ứng dụng AI tiếng Việt, trợ lý ảo, nền tảng quản trị số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

dien-dan-cap-cao-chuyen-doi-so-viet-nam-chau-a-2025-vietnam-asia-dx-summit-2025-..png
Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025).

Việt Nam sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia... tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

"Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động IT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu", Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VINASA, với khoảng 1,2 triệu lao động công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo ước tính, cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Tuy nhiên, hành trình để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển, một trung tâm công nghệ trong khu vực vẫn còn nhiều thách thức, từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Nhưng, với sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam "đột phá vươn mình" là vô cùng rõ nét.

Chuyển đổi số quốc gia hướng đến mục tiêu 20% GDP

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% năm 2021 lên gần 70% năm 2024. Chính phủ số phát triển mạnh, với trên 95% dịch vụ công cấp độ 4 được cung cấp trực tuyến. Năm 2024, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.

Hai chương trình trọng điểm – Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 – đã làm thay đổi căn bản cách vận hành của bộ máy hành chính. Mục tiêu đến năm 2025 là 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tạo động lực thúc đẩy số hóa sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, từ nhà nước tới doanh nghiệp.

Tính đến đầu năm 2025, Việt Nam đã có trên 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Không chỉ tăng về số lượng, năng lực của các doanh nghiệp cũng đã được khẳng định. Một số tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount đã nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ lõi nhằm giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia.

Với nền tảng là nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt cùng khát vọng hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt đang trở thành lực lượng tiên phong trong kiến tạo tương lai số, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 50% GDP vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57.

chuyen-doi-so-quoc-gia-huong-den-muc-tieu-20-gdp-vao-nam-2025-anh-minh-hoa-..png
Chuyển đổi số quốc gia hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 (Ảnh minh họa).

Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp công nghệ Việt bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và vươn mình ra thế giới.

Để biến cơ hội thành hiện thực, VINASA đề xuất cần có sự chung tay hành động. Cụ thể, về phía Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực.

Về phía doanh nghiệp, cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn.

Về phía xã hội, xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam đang nắm trong tay vận mệnh công nghệ của chính mình.

Diễn đàn Vietnam – Asia DX Summit 2025 không chỉ là nơi trình diễn công nghệ, mà còn là không gian đối thoại chính sách, chia sẻ thực tiễn triển khai và kinh nghiệm quốc tế. Tại các phiên chuyên đề, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như: Tháo gỡ rào cản chính sách, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số; Phát triển sản xuất xanh – thông minh, nâng cao năng lực chuyển đổi công nghệ; Khai thác sức mạnh dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, xây dựng nền kinh tế số toàn diện; Mở rộng hợp tác khu vực, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và biến động địa chính trị phức tạp.

Diễn đàn khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp công nghệ số Việt trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập khu vực. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, năng lực làm chủ công nghệ ngày càng vững vàng, Việt Nam đang trên hành trình trở thành trung tâm đổi mới công nghệ và sáng tạo của châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Làm chủ công nghệ để đột phá, vươn tầm