Nuôi chim yến trong khu dân cư: Hiểm họa khôn lường

27/03/2014 22:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thấy nguồn lợi cao về kinh tế, vốn đầu tư ít, một số hộ nuôi chim yến đã xây dựng nhà mới hoặc cải tạo chính căn nhà của mình trong khu dân cư trở thành nhà nuôi chim yến một cách tự phát, bất chấp hiểm họa về môi trường, dịch bệnh, sức khỏe...

Văn bản chế tài được ban hành cần phải triển khai triệt để

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có trên 300 hộ nuôi và dẫn dụ yến thì chỉ có 10 nhà nuôi ở Cần Giờ được cấp nuôi thí điểm, còn lại đều tự phát. Những trường hợp này không thể kiểm soát nếu có chim bị bệnh mà chủ nhà nuôi không thông báo. Các hộ nuôi chưa có phép tập trung chủ yếu tại quận 2, 7, 9, 12, Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn…

Các chuyên gia đã từng cảnh báo việc nuôi chim yến trong các khu dân cư, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường,Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đang ẩn chứa những hiểm họa khó lường về môi trường và dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú ý Tp. Hồ Chí Minh: Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chỉ có huyện Cần Giờ là được phép nuôi thí điểm chim yến, còn lại nuôi chim yến ở nơi khác là trái phép.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang bùng phát trên diện rộng, diễn biến khá phức tạp tất cả các tỉnh thành trong cả nước đang khẩn trương, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đầu năm 2014, virus cúm A/H5N1 đã gây tử vong cho 02 người tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp.

Trước tình hình đó, Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 03/2014/CT- UBND ngày 28/02/1014 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên toàn địa bàn thành phố. Qua đó, việc ưu tiên quy hoạch nhà nuôi yến được áp dụng tại huyện Cần Giờ. Với những cơ sở hiện hữu, chưa phù hợp quy hoạch, thành phố yêu cầu cần phải di dời trước năm 2015. Nhưng các cơ sở nuôi chim yến trái phép vẫn đang mọc tràn lan làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe của người dân trong khu vực. Rất nhiều đơn, thư phản ánh, khiếu nại của người dân gửi đến các cơ quan chức năng nhưng không hiểu sao các cơ quan này vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng này?

Thực trạng người dân phải gánh chịu

Vừa qua, Báo Công lý vừa tiếp nhận đơn “cầu cứu” của bà Nguyễn Thị Giáng Hương - đại diện cho hơn 10 hộ dân cư ngụ trong Khu Villa An Phú Đông thuộc khu phố 3, P. An Phú Đông, Q.12 (quận 12 là một trong những điểm nóng về tình hình nuôi chim yến tự phát) về việc 2 cơ sở nuôi yến của ông Võ Quí Đức (nhà D7) và bà Thanh Thủy (nhà 2755/3A) trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và nguy cơ gây dịch bệnh cho gia đình bà và những hộ dân sống lân cận.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hương tay cầm đơn thuốc bức xúc nói: “Cơ sở nuôi chim yến của ông Đức ở trên mái tầng 2, cách nhà tôi khoảng 2m vị trí  nuôi yến ngang với tầng 3 (phòng ngủ) của gia đình tôi. Vì vậy hàng ngày gia đình tôi phải chịu những âm thanh phát ra từ những máy gọi chim yến. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh khiến chúng tôi không thể nghỉ ngơi và làm việc được, chỉ số huyết áp của cả hai vợ chồng tôi đều tăng vọt. Riêng tôi có lúc lên tới 188/100. Bên cạnh đó là mùi hôi thối từ phân và lông chim luôn làm chúng tôi không thở được, gia đình sinh hoạt, ăn uống trong môi trường ô nhiễm như thế làm sao chịu nổi”.

Đồng đơn với bà Hương còn có các hộ nhà số C7, C6, C5, C3, chúng tôi đã đến lấy ý kiến của tất cả những hộ này và những người dân xung quanh họ điều cho rằng: “Việc gia đình ông Đức và gia đình bà Thủy nuôi chim yến trong khu dân cư khi dịch bệnh đang diễn ra như thế thì nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh do chim yến lây lan là rất cao. Người dân khẩn thiết, mong rằng chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành sớm di dời việc nuôi chim yến của 2 hộ này ra khu vực được phép nuôi theo đúng quy định của Nhà nước”.

Chim yến thường sống theo đàn nên mỗi nhà nuôi chim yến có thể lên đến hàng ngàn con. Hiện nay, dịch cúm gia cầm lan rộng nên các gia đình lân cận nhà nuôi chim yến không khỏi lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Bởi chim yến là loại chim tự nhiên, phạm vi bay rộng và việc phòng bệnh cho loài chim này rất khó khăn. Nếu để tình trạng nuôi chim yến tự phát trong khu dân cư sẽ là hiểm họa khó lường đối với người dân thành phố.

Một cán bộ đại diện UBND phường An Phú Đông cho biết: “Có 2 hộ là gia đình ông Võ Quí Đức và gia đình bà Thanh Thủy đang nuôi chim yến trong nhà ở, chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần và tuyên truyền sâu sắc về những hiểm họa của việc nuôi chim yến trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát dữ dội và phức tạp như hiện nay.

Ngày 17/10/2013, Chi cục thú y Tp. Hồ Chí Minh kết hợp với UBND phường đã xuống lập biên bản, làm việc với gia đình ông Đức, ông Đức đã thừa nhận đang nuôi khoảng 600 con chim yến trong khu dân cư tập trung. Ngày 23/10/2013, UBND phường cũng đã làm việc với gia đình bà Hương và một số hộ dân khác để lấy ý kiến và triển khai biện pháp xử lý. Nhưng những buổi làm việc nói trên chủ yếu là ghi nhận hiện trạng cùng ý kiến giữa các bên liên quan và “xin ý kiến cấp trên giải quyết” mà vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý triệt để vụ việc khiến cộng đồng cư dân nơi đây càng thêm ngao ngán và không biết còn phải chịu đựng vấn nạn này đến bao giờ.

Thiết nghĩ đây là khu dân cư Villa cao cấp (Khu nghỉ dưỡng quốc tế An Phú Đông), cộng đồng dân cư nơi đây đa phần là những người tri thức, doanh nhân thành đạt, kiều bào và có cả người nước ngoài về đây định cư, Ban quản lý khu dân cư và chính quyền địa phương phải quản lý chặt về mọi mặt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sức khỏe của cộng đồng.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Tất cả các cơ sở nuôi chim yến ngoài khu vực huyện Cần Giờ là trái phép, nhưng tại sao các cơ quan chức năng lại không xử lý quyết liệt và rốt ráo việc làm trái pháp luật này?

Chúng tôi mong rằng vấn nạn chim yến trong các khu dân cư hiện hữu sẽ được các cơ quan chức năng xử lý triệt để trước năm 2015 theo đúng như Thông tư 35/2013/ TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, sao cho vừa đảm bảo hài hòa giữa phát triển nguồn lợi chim yến với bảo vệ môi trường và vì sức khỏe của người dân.

Long Đỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi chim yến trong khu dân cư: Hiểm họa khôn lường