Họ, những người lao động nghèo đã cố vay mượn, chạy vạy một khoản tiền lớn để xuất khẩu lao động với hi vọng lật cuộc đời sang trang mới. Đảo ngọc Đài Loan đón họ với những ước mơ, những kỳ vọng lớn lao.
Nhưng nào ngờ, đó là chuỗi ngày tủi nhục, cay đắng, trốn chạy dưới cái mác lao động nhập cư trái phép. Ngày đi khấp khởi nỗi vui, ngày về ngập trong nước mắt. Nợ nần vẫn nằm lại với vợ trẻ con thơ, với cha già mẹ ốm, đau xót nhường nào.
6.500 USD “mua” 8 năm sống tủi nhục bên xứ Đài
Tôi đến nhà chị Trần Thị Duyên (40 tuổi, ở thôn Hà Phú, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang) vào một ngày đầu hạ nắng cháy da. Trong ngôi nhà nhỏ chị mới xây năm 2011, khói hương tỏa nghi ngút, nơi góc nhà là bàn thờ người chồng vừa bỏ mạng ở Đài Loan vào giữa tháng 3 năm nay, anh tên Lê Văn Tuấn (39 tuổi). Nỗi đau mất chồng quá lớn, khiến gương mặt chị lúc nào cũng u buồn và nước mắt nhòe nhoẹt nơi khóe mắt.
Thời điểm năm 2006, anh chị mới cưới nhau được 5 năm, có một cô con gái 4 tuổi, vì miếng cơm manh áo, anh Tuấn thường xuyên phải đi làm thuê xa nhà, một ngày lao động quần quật cũng chỉ được 15-20 ngàn.
Cuộc sống khó khăn, túng bấn trong ngôi nhà cấp 4 hai gian lụp xụp, đã khiến anh chị quyết tâm đi vay lãi để được đi xuất khẩu lao động như những người khác trong làng. Chị Duyên bảo rằng, người trong làng chị đi xuất khẩu lao động nhiều vô kể và ai đi cũng trở nên giàu có.
Nỗi đau quá lớn khiến chị Duyên lúc nào cũng u buồn
Sau khi đã tham khảo nhiều người trong làng, thị trường lao động mà vợ chồng anh Tuấn nhắm tới là đất nước Đài Loan xa xôi. Và, để được lao động ở xứ Đài trong vòng 3 năm, anh chị phải đóng cho công ty môi giới số tiền là 6.500 USD tương đương với 130 triệu đồng.
Phía công ty môi giới quảng cáo rằng, anh Tuấn đi đúng đơn hàng có mức lương cao nên chỉ cần một năm lao động bên xứ người là sẽ thu hồi được số tiền đã nộp cho công ty.
Đến Đài Loan, anh Tuấn làm việc cho một công ty sản xuất gạch men và anh bị sốc khi nhận tháng lương đầu tiên. Số tiền thực tế anh nhận được chỉ bằng một nửa số tiền công ty môi giới hứa hẹn.
Càng những tháng về sau việc càng ít, số ngày làm trong tuần và số giờ làm trong ngày giảm xuống. Điều đó đồng nghĩa với số tiền lương anh Tuấn nhận được hàng tháng cũng giảm theo.
Tháng lương cao nhất của anh Tuấn là 7 triệu, tháng thấp nhất là 3 triệu, số tiền ấy không đủ cho một mình anh sinh hoạt chứ nói gì đến có tiền tiết kiệm gửi về nhà. “Cả một năm đầu tiên anh Tuấn không gửi được một đồng nào về cho vợ con”, chị Duyên cho hay.
Cuộc sống bên xứ người quá khó khăn, thiếu thốn, buộc lòng anh Tuấn phải tìm việc làm thêm. Anh Tuấn nhận bất cứ việc gì và làm bất kể thời gian nào trong ngày. Để có thể tích góp được ít tiền gửi về cho vợ, anh Tuấn thường xuyên phải ăn mỳ tôm sống.
Khi thời hạn lao động trong hợp đồng sắp hết, anh Tuấn bỏ việc ở công ty nhảy ra ngoài làm, cũng từ đây, cuộc sống của anh là những ngày trốn chui trốn lủi, là những đêm nằm gầm xe ô tô ăn mỳ tôm sống nhớ vợ trẻ, con thơ ở quê nhà.
Cùng cực hơn cả là những lần trốn sự truy quét của cảnh sát, anh cứ sống bấp bênh, thấp thỏm, lo âu và sợ hãi như thế suốt nhiều năm trời.
Đã nhiều lần chị Duyên khuyên anh về quê, vợ chồng rau cháo nuôi nhau, nhưng khi nghĩ đến một mái nhà tử tế cho vợ con, anh lại cố gắng, đành lòng tiếp tục ở lại nơi đất khách quê người. Phải đến năm thứ 5, bỏ bao công sức lao động ở xứ Đài, anh mới gửi đủ tiền về nhà để vợ trả nợ số tiền 6.500 USD vay mượn lúc anh đi.
Khoảng 2 năm sau đó, anh Tuấn không gửi được một đồng nào về cho vợ. Mong muốn về quê thăm gia đình sau bao năm xa cách cũng vì thế mà trở nên xa vời.
Và rồi, ngay cả khi anh chết trên đất Đài Loan, cảnh sát kiểm tra trên người thấy trong ví của anh chỉ có hai tờ tiền mệnh giá 5 USD và một vài tấm hình của vợ con.
Ngày về phủ trắng khăn tang
29 Tết, tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập vào lúc nửa đêm, anh Tuấn báo tin cho chị Duyên là anh bị công an bắt, hiện đang ở trại tập trung của Đài Bắc. Từ lúc nghe tin chồng bị bắt, chị Duyên không tài nào ngủ được, cứ bồn chồn, lo lắng. Hai ngày sau, anh Tuấn điện báo sẽ về Việt Nam trong vài ngày tới.
8 năm, kể từ ngày anh Tuấn đi xuất khẩu lao động, cô con gái Vân Anh chưa một lần được gặp bố, ngày anh về thì bố con cách biệt âm dương
Quả đúng như lời anh nói, lần này anh về thật, nhưng không phải bằng xương bằng thịt, bằng hình hài vạm vỡ của người đàn ông nặng 80kg, cao 1,75m mà là bằng một nắm tro tàn.
Anh mất bên Đài Loan ngày 14/3 (tức ngày 24/1/2015 âm lịch), vì bị tụ máu ở não, co thắt động mạch tim, dịch tràn phổi, dập lá lách.
Tin dữ từ Đài Loan báo về khiến chị Duyên chết lặng, chị không tin vào những gì mình vừa nghe thấy, mắt chị tối sầm, đầu óc quay cuồng, chị ngất lên ngất xuống, căn bệnh rối loạn tiền đình và cao huyết áp lại được dịp hành hạ chị.
Từ khi nhận được hung tin, chị không ăn uống, khóc suốt ngày đêm, bé Vân Anh vì thế mà cũng xao nhãng học hành, hai mẹ con gầy đi trông thấy, da xanh như tàu lá chuối.
Dù đau đến tận cùng nhưng chị Duyên vẫn cố gượng dậy, đi khắp lượt anh em họ hàng vay mượn được 50 triệu đồng, đưa cho cô em chồng làm lộ phí để sang Đài Loan đưa tro cốt chồng về nước.
“Trước đây, đã có lúc anh ấy ốm nặng không có cả tiền mua thuốc, tôi phải đi vay tiền mua thuốc gửi sang cho anh ấy. Nhưng tôi không nghĩ lần này anh lại bỏ mẹ con tôi mà đi mãi. Hôm trước, anh ấy vẫn nói với tôi là mấy hôm nữa anh về nhà, vậy mà…”, chị Duyên bỏ lửng câu nói rồi nấc nghẹn.
Rất may, khi sang Đài Loan, cô em gái đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người Việt ở Đài Loan nên các thủ tục đưa tro cốt anh Tuấn về nước diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Ngày anh về trời mưa tầm tã, tang tóc bao trùm ngôi nhà nhỏ.
Nhìn vào mắt chị Duyên, tôi cảm nhận nỗi đau quá lớn, 8 năm vợ chồng xa cách, ngày trùng phùng thì cách biệt âm dương.
Còn tiếp...