Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc

Thanh Phương| 14/11/2019 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất chấp mọi hiểm họa, rủi ro thậm chí là sinh mạng mình, nhiều người dân xứ Thanh vẫn cả tin vào miền đất hứa phía bên kia biên giới. Cuộc sống phồn hoa, giàu sang đâu chưa thấy mà cơ cực, đày đọa và nước mắt đã lăn dài…

"Không hiểu vì sao chồng mình lại phải chết”

Tháng 11, mưa bắt đầu rơi rả rích, sự dịch chuyển của thời tiết làm cho con người dễ mềm lòng. Chúng tôi đi lòng vòng qua các con đường nhỏ, bờ đê muốn phần nào thấu hiểu cuộc sống của người dân vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa).

Ở xã Quảng Thạch những ngôi nhà ven biển cứ na ná như nhau, tềnh toàng và hoang vắng. Chẳng mấy khi thấy bóng dáng những người đàn ông, trai tráng ở đây, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ. Cái se lạnh của gió biển càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm tiêu điều.

Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc

Lao động từ nghề đi biển thu nhập không ổn định

Càng về chiều, mưa càng nặng hạt, bóng người ngày một vắng. Nhưng chẳng vì thế mà việc hỏi thăm nhà ông Hoàng Trọng Dũng (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) gặp khó khăn gì. Bởi từ lúc nghe hung tin con trai tử vong tại Trung Quốc khi đi lao động chui thì người thân, hàng xóm ai ai cũng đều cố gắng sắp xếp thời gian tới động viên thăm hỏi gia đình ông. 

Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc

Ông Dũng buồn đau khi kể về việc con trai tử nạn nơi đất khách

Kể từ ngày con trai H.V.T. (SN 1991) ra đi, ông Dũng cứ nằm bệt một góc không ra khỏi nhà. Chia sẻ với chúng tôi, ông không nén nổi nỗi đau đang cào xé trong lòng một người cha: "Ở nhà vợ chồng thằng T. không có công ăn việc làm ổn định. Đầu năm 2019, vợ chồng nó nói với tôi muốn đi làm ăn xa, tích góp ít vốn làm ăn rồi còn nuôi con ăn học, nó nhờ tôi chăm sóc con. Tôi hỏi vợ chồng nó đi làm ở đâu thì nó bảo đi làm gần, có tiền gửi về phụ giúp bố nuôi con nhỏ.

Tôi không biết vợ chồng nó sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp, nếu tôi biết tôi đã không để xảy ra cơ sự như thế này", ông Dũng lau vội giọt nước mắt đắng chát trên khuôn mặt chai sạn.

Từ tháng 2/2019, vợ chồng con trai lên đường đi làm ăn lâu lâu điện về hỏi thăm, bảo đang làm ở Hải Phòng. Do công việc chưa ổn định nên chưa tích cóp được tiền gửi về cho ông Dũng chăm cháu.

Tin dữ đến vào đầu tháng 11/2019, gia đình ông Dũng nhận được thông báo anh T. tử vong khi đánh nhau với nhóm người Việt ở Trung Quốc.

Công an Trung Quốc vào cuộc điều tra, tạm giữ các nghi phạm và trục xuất lao động chui về nước, trong đó có vợ anh T. Nhưng thủ tục còn rất phức tạp, mất nhiều thời gian nên đám tang chồng, chị chỉ biết khóc thương nơi đất khách.

Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc

Người thân lập bàn thờ cho người đã khuất khi lao động bên nước ngoài

Cùng tử vong trong vụ việc với anh T. còn có một nạn nhân nữa là anh Đ.V.N. (SN 1972) ở xã Quảng Nham, một vùng quê biển nghèo. Trong ngôi nhà trống vắng, chị Nguyễn Thị Bình (vợ anh N.) nức nở: “Hai vợ chồng ở nhà không có công ăn việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy, nên dù chị chăm chỉ bán cá, buôn hoa quả nhưng tiền lời lãi chả được là bao. Cũng vì "cơm áo gạo tiền", muốn thoát khỏi cái nghèo đeo bám nên năm 2018, vợ chồng sang Trung Quốc làm ăn và năm 2019 thì đưa con gái sang cùng.

Sang Trung Quốc, cả gia đình tôi làm chui trong một xưởng giày dép. Vì là lao động bất hợp pháp nên không ai dám đi đâu ra ngoài, chỉ đi làm ở xưởng rồi lại trở về nhà. Lương cũng không cao hơn bên Việt Nam là bao. Ở bên đấy rất đông người Việt. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao chồng mình lại phải chết”.

Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc

Chị Bình suy sụp vì sự ra đi đột ngột của chồng

Cần tạo việc làm ở địa phương để người dân có kế sinh nhai

Tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở xã Quảng Nham, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) đã diễn ra từ những năm 2011 và nở rộ vào những năm 2014-2015. Lúc cao điểm, có hàng trăm lao động ở đây sang Trung Quốc làm "chui". Hiện tại, xã Quảng Thạch còn khoảng hơn 20 người và Quảng Nham còn 43 người đang lao động bất hợp pháp bên Trung Quốc.

Trưởng Công an xã Quảng Nham Phạm Hồng Thái cho biết: "Những năm trước, người dân ở xã Quảng Nham đổ xô đi lao động trái phép bên Trung Quốc là do họ không có công việc ổn định. Hơn nữa, bên Trung Quốc không cần lao động phải qua đào tạo, không cần phải có trình độ hay độ tuổi, nên nhiều người đã bất chấp đánh cược số phận để sang bên đấy. Vừa rồi, tại địa phương có anh Đ.V.N. bị tử vong khi lao động trái phép bên Trung Quốc, nhưng là lao động bất hợp pháp nên phải gần 1 tháng sau, gia đình mới làm xong thủ tục để đưa anh N. về".

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 3.448 người đang lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Riêng lao động trái phép bên Trung Quốc nhiều nhất là vào năm 2015, khoảng 13.000 người. Hiện chỉ còn hơn 1.000 người. Toàn huyện Quảng Xương có tới hơn 150 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, có khoảng 1.351 người đang lao động tại châu Âu bằng nhiều hình thức khác nhau.

Một con số đáng báo động là trong số hàng nghìn người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thời gian qua, đã có 43 trường hợp chết, mất tích khi đang lao động chui. Nhiều trường hợp bị bắt và xét xử ở nước ngoài. 2.751 trường hợp bị bắt, trục xuất và trao trả về nước.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh đi lao động trái phép, phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép, khởi tố 14 đối tượng về hành vi "tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật".

Lao động tại các vùng biển không có tay nghề, khó xin việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc. Các công ty, đơn vị có chức năng về xuất khẩu lao động cũng tiến hành tuyển chọn, học tiếng và thủ tục thường phức tạp nên nhóm đối tượng này không đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để tham gia.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý đối với các đối tượng môi giới lao động đi làm việc trái phép. Mặt khác cần đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển ngay tại địa bàn các địa phương này. Có sinh kế tại chỗ ổn định sẽ không phát sinh các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và không còn đất sống cho cò, môi giới lao động trái phép sang nước ngoài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt người ở lại trong vụ lao động chui tử vong tại Trung Quốc