Bình thường Gian rất hiền lành nhưng cứ mỗi khi uống rượu vào là lại chửi mắng vợ một cách thậm tệ. Trong một lần gây gổ, Gian rút dao cố tước đoạt mạng sống của một người bạn.
Trong thời gian chờ ra tòa, Gian lại bị đưa đi điều trị bắt buộc bệnh tâm thần. Đến nay, bệnh tình của Gian đã đỡ nhưng vẫn đang được điều trị. Khi đứng trước vành móng ngựa, nhiều câu hỏi, vợ là người trả lời giúp.
Bà Vẹn cùng chồng trước vành móng ngựa
Cặp vợ chồng trong sân Tòa án
Sáng sớm của một ngày giữa tháng 4/2014, từ huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An), bà Lê Thị Vẹn (SN 1962) đã cầm tay, dẫn chồng là ông Nguyễn Tường Gian (SN 1963) bắt xe lên Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM để tham dự phiên tòa mà chồng bà chính là bị cáo, phạm tội “Giết người”. Tới bến xe miền Tây, bà lại cầm tay ông lên tuyến xe buýt để đến địa điểm cần tới. Đến cổng Tòa án, hai người thoáng chút sợ hãi, khúm núm, không dám bước vào. Bảo vệ thấy vậy, đến hỏi rồi giục vào trong. Bà sợ trễ phiên tòa, lấy hết dũng cảm dắt chồng bước vào.
Nhiều người thấy hai vợ chồng khoác bộ áo quần cũ kĩ, màu bạc phếch, nhàu nát không khỏi ái ngại. Dường như, hiểu được những suy nghĩ ấy của mọi người, bà nắm chặt tay chồng: “Đây là hai bộ áo quần mới và đẹp nhất của vợ chồng tôi”. Nỗi sợ hãi trong bà đã choáng hết sự tức giận đối với cái nhìn khó chịu của mọi người.
Bà Vẹn năm nay chỉ mới 52 và chồng thua một tuổi, nhưng hai người già lắm. Tay chân sần sùi, mặt đầy vết nhăn. Có lẽ, cuộc sống ruộng vườn, khắc khổ đã làm hai người già hơn trước tuổi nhiều. Bà lặng người nhìn chồng chia sẻ, hai vợ chồng cưới nhau đã được 34 năm. Những ngày ban đầu dọn về sống với nhau đã gặp phải cảnh cơ hàn. Chừng ấy năm trôi qua, thế nhưng sự khắc khổ vẫn đeo bám không chịu buông tha.
Ông bà yêu thương nhau lắm. Ông không nhậu nhẹt, cà phê, đàn đúm, suốt ngày sát cánh bên vợ ra đồng trồng cây với mong muốn vượt qua khó khăn. Theo lời bà, ông “hiền khô”. Bên cạnh việc làm vườn, bất kể có ai thuê làm gì, hai vợ chồng cũng nhận hết. Tiền công ít, tiền công nhiều hai người cũng không dám than vãn. Giống như lời của bà là: “Có còn hơn không”.
Thỉnh thoảng, khi được mời đi đám tiệc ông mới uống đôi ba ly rượu. Thế nhưng, bình thường hiền từ bao nhiêu, lúc có hơi men, ông lại khó chịu bấy nhiêu. Nhậu xong, về đến nhà, bất kể có việc gì, ông cũng đều chửi vợ. Bà nhớ nhất, có lần, đi đám giỗ về, bà biết hôm đó, ông chỉ uống chút ít. Thế nhưng, khi vừa đặt chân vào đến nhà, thấy bà, ông la lối, chửi bới om sòm. Biết tính chồng, bà làm thinh. Nhưng bà càng im lặng, ông càng nổi sung, chửi bới càng hăng.Ông lôi chuyện từ đời nảo đời nao ra chửi. Ông chửi mệt lả rồi lăn ra giường ngủ. “Lúc ấy, tôi cứ nghĩ rượu say nên ông ấy thế, ai ngờ lại bị tâm thần”, bà nhìn chồng đau xót.
Đâm người trong cơn say
Khi được hỏi về nguyên do hai vợ chồng phải đến Tòa án, bà nước mắt ngắn dài trả lời. Vào ngày 22/10/2010, ông được người quen mời đi dự đám cưới. Trong bữa tiệc, ông có nhậu vài ly. Khoảng 12h cùng ngày, tiệc tan, ông ra về thì gặp ông Lê Hữu Trí. Sau một vài câu chuyện trò, hai người khoác vai nhau vào quán ông Võ Văn Tuần (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) để gầy bữa nhậu tiếp.
Gian dự khán với khuôn mặt đờ đẫn
Một lúc sau, Nguyễn Hữu Hiền Trường và Ngô Thành Tâm đến quán. Ông Trí mời ngồi xuống nhậu cùng cho vui. Trong lúc cụng ly, giữa Gian và Tâm xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Thấy vậy, Trường và Trí vội can ngăn. Khi hai người đã nguôi giận, Trí mời ba bạn đến nhà một người quen ở gần đó nhậu tiếp. Chỉ tới chỗ nhậu mới được một lát, giữa Gian và Tâm lại xảy ra mâu thuẫn. Hai người lớn tiếng chửi bới. Trường vội vàng kéo Tâm ra và dùng xe mô tô chở về nhà. Tuy nhiên, Tâm vừa đi được chừng 150m thì Gian cũng lấy xe đuổi theo. Khi tới gần, thấy Tâm đứng phía trước chặn xe, múa chân tay khiêu khích. Gian dừng xe lại, mở cốp, lấy con dao Thái Lan bỏ vào túi quần đi gần đến chỗ Tâm.
Thấy Gian đến, Tâm dùng tay đánh vào đầu Gian hai cái. Gian lấy con dao từ trong túi quần ra đâm thẳng vào người Tâm. Tâm phát hiện kịp thời dùng tay đỡ được nên chỉ bị sượt nhẹ. Vẫn chưa thỏa mãn, Gian tiếp tục vung dao đâm nhát thứ hai vào bụng khiến Tâm ngã quỵ. Trường đứng gần đó thấy vậy vội đưa Tâm đi cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, Tâm được cứu sống nhưng phải mang thương tích vĩnh viễn 40%. Riêng Gian sau khi gây án xong thì chạy xe về nhà. Trên đường về đã quăng hung khí xuống kênh thuộc ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Vào tháng 11/2013, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Gian về tội “Giết người”. Gian thừa nhận hành vi đã gây ra, nhưng mong được xem xét vì mình đang được điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần. Riêng ông Tâm khai, giữa ông và bị cáo có quen biết. Ngày xảy ra vụ án, có uống rượu chung và có cự cãi qua lại chứ không phải mâu thuẫn gì trầm trọng.
Sau đó, do được mọi người can ngăn nên Tâm đã bỏ về. Tuy nhiên, bị cáo đuổi theo. Khi bị đâm cái thứ nhất, ông dùng tay xô ra chứ không có đánh. Còn nhát sau thì bị trúng vào bụng. Ông yêu cầu phía bị cáo bồi thường cho mình hơn 36 triệu đồng. Trong phiên tòa hôm đó, Gian bị tuyên phạt bảy năm tù về tội“Giết người”.
Gian nan tìm án treo cho chồng
Bà Vẹn cho hay, bà không tận mắt chứng kiến cảnh chồng đâm ông Tâm. Tuy nhiên, khi hay tin, tay chân rụng rời. Sau một hồi chết lặng, bà lấy hết bình tĩnh đi tìm chồng, đồng thời đến gia đình ông Tâm thăm hỏi. Biết chồng có lỗi, bà chạy vạy khắp nơi, thậm chí vay lãi nóng để đưa cho ông Tâm điều trị vết thương. Bà biết, chừng ấy tiền sẽ chẳng thấm tháp vào đâu nhưng cũng thể hiện được cái tình, sự quan tâm của mình. Cũng vì điều này, sau khi được điều trị xong, ông Tâm và bà đã có tiếng nói chung trong việc bồi thường dân sự mà không có tranh chấp gì.
Vào ngày 3/10/2011, do Gian có nhiều biểu hiện bất thường, chính quyền địa phương đã bắt buộc chữa bệnh tại Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam. Đến ngày 21/12/2012, bà Vẹn xin đưa chồng về điều trị tại nhà và được chấp nhận. Đó cũng chính là lý do bà phải dẫn chồng đến Tòa án.
Trong phiên tòa hôm đó, bà cùng chồng đứng trước vành móng ngựa. Một vài câu thẩm vấn Gian trả lời được, một vài câu, ông đứng im lặng. Đến lúc này, bà lại trả lời thay. Bà nghẹn ngào cho biết, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chồng có tiền sử bệnh tâm thần. Năm 2012 có điều trị bắt buộc, hiện cũng đang tiếp tục điều trị ngoại trú tại khoa thần kinh bệnh viện Đa khoa Long An. Chính vì điều này, bà xin tòa cho chồng được hưởng án treo.
Mặc dù vậy, kiểm sát viên nêu quan điểm, qua phân tích diễn biến tâm lý của bị cáo từ khi cãi vã đến lúc đâm ông Tâm thì thấy hoàn toàn logic, bình thường. Kết luận giám định pháp y tâm thần cũng kết luận rõ bị cáo hoàn toàn đủ điều kiện để làm việc với cơ quan pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, giám định viên cũng khẳng định bị cáo trả lời đúng những câu hỏi do HĐXX đặt ra.
Còn việc bà Vẹn cho rằng chồng bị bệnh tâm thần phân liệt, ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi cũng chỉ là tình tiết xem xét giảm nhẹ chứ không phải là tình tiết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Giờ nghị án, bà Vẹn quay quắt nhìn chồng, lon ton gặp người này, người kia để hỏi xem chồng mình có thể được giảm từ án tù thụ án thành án treo hay không. Khi mọi người nêu quan điểm:“Điều đó khó có thể trở thành hiện thực”, bà gục mặt xuống bàn trong đau khổ. Giọng rấm rức: “Hai vợ chồng sống đời, ở kiếp với nhau. Giờ, ông ấy đang bị bệnh, tôi chỉ mong ông được tù treo để có thể chăm sóc. Tôi sợ, ông ấy đang bệnh tình như thế, nếu phải ngồi tù thì biết làm sao?”.
Phải chịu trách nhiệm những gì mình đã gây ra Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Gian là đặc biệt nguy hiểm. Bị hại Tâm sống sót là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Trước đây, trong phiên tòa sơ thẩm đã xem xét các tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại, bị tâm thần phân liệt… Bên cạnh đó, trước đây, ba lần bị cáo được đưa đi giám định pháp y và đều có cùng kết quả là trong quá trình gây án có thể nhận thức được mọi chuyện. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm đã gây ra. Từ những điều này, tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù giam về tội “Giết người”. |