Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó

Thanh Phương| 03/09/2018 15:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 3/9, mưa lũ đã làm 13 người chết, mất tích và bị thương. Hiện nước trên các sông bắt đầu rút, tỉnh Thanh Hóa đã huy động tất cả các phương tiện, lực lượng để giúp người dân ổn định đời sống.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 28/8, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến từ 70-200mm; một số nơi có lượng mưa lớn như: Mường Lát 356,0mm; Cổ Lũng (Bá Thước) 246,0mm; Thạch Quảng (Thạch Thành) 244,3,0mm. Lượng mưa lớn đã gây ra đợt lũ trên diện rộng, nhất là các huyện miền núi và ven các dòng sông lớn của tỉnh.

Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó

Sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Quan Hóa khiến giao thông bị chia cắt

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, từ chiều tối 1/9, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán 5.026 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn (Quan Hoá 386 hộ, Quan Sơn 18 hộ, Mường Lát 106 hộ, Bá Thước 691 hộ, Cẩm Thuỷ 3.825 hộ); các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn (Yên Định 1.971 hộ, Vĩnh Lộc 2.258 hộ, Thạch Thành 1.574 hộ, Thiệu Hoá 4 hộ, Hậu Lộc 253 hộ, Hoằng Hoá 220 hộ, thành phố Thanh Hoá 827 hộ, Hà Trung 181 hộ).

UBND các huyện, thành phố có đê tiếp tục chỉ đạo các xã, thôn huy động lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Về tài sản, đã có 208 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 8 nhà hư hỏng một phần, 146 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 6.500 ngôi nhà bị ngập. Cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cận kề ngày khai giảng nhưng có tới 13 điểm trường bị ngập, 6 điểm bị ảnh hưởng của sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp.

Ngành nông nghiệp cũng có nhiều thiệt hại, với gần 1.800 ha lúa, 266 ha hoa màu bị ngập và hư hỏng. Hơn 70 ha cây ăn quả và cây lâu năm, 0,5 ha cây giống bị hư hại; 500 kg lương thực bị cuốn trôi...

Trong chăn nuôi, đã có gần 25.100 con gia cầm, 138 con gia súc bị chết hoặc lũ cuốn trôi. Các công trình thủy lợi cũng có nhiều hư hỏng, với 50 m đê bao Thạch Định (Thạch Thành) bị sạt lở, 150 m kênh mương hư hỏng...

Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó

Các lực lượng vũ trang ra quân giúp người dân sớm ổn định sau lũ, ngập bùn đất

Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ tổ chức tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi. UBND huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Cẩm Thuỷ đã phối hợp với các lực lượng huyện đội, công an, dân quân tự vệ, Đội Cảnh sát PCCC số 6 Vĩnh Lộc tổ chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Vĩnh Lộc đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu sự cố rò rỉ, lùng mang cống Hón Công, đê hữu sông Bưởi dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh.

Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó

Huyện đoàn Thạch Thành nấu 700 xuất cơm hộp giúp bà con vùng lũ

Sở Giao thông vận tải và các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông; đồng thời chỉ đạo trực gác bão lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực ngập lụt, sạt lở.

Ngay trong sáng 3/9, lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ đã được huy động giúp đỡ bà con di dời tài sản và vật nuôi. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng đã kịp thời có mặt để kiểm tra thực trạng và bàn phương án khắc phục.

Hiện tại sườn đồi thuộc địa bàn bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa đã xuất hiện vết nứt rộng hơn 1 mét, chạy dài theo sườn đồi khiến các hộ dân đang sinh sống dưới chân đồi và khu vực liền kề lo ngại xảy ra sự cố sạt lở đất. Trước tình hình trên, xã Trung Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên thủy điện Trung Sơn sơ tán khẩn cấp 154 hộ dân, bố trí cho các hộ ở các lán, bạt trên các đồi luồng, trường học và tại khu tập thể  dành cho cán bộ, công nhân đơn vị này.

Trong ngày 2- 3/9, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động gần 100 cán bộ, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 về huyện Cẩm Thủy hỗ trợ các xã bị ngập lụt khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống của người dân. Những ngày qua, gần 3km tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy bị ngập sâu dưới bùn đất từ 40-60cm, khiến cho xã Cẩm Lương bị cô lập hoàn toàn. Đến ngày 3/9, khi nước rút, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 và các lực lượng dân quân, thanh niên địa phương, người dân đã có thể đi lại dễ dàng hơn.

Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó

Hàng nghìn hộ dân miền núi xứ Thanh vẫn bị ngập gần nóc nhà, trắng tay sau lũ dữ

Để đảm bảo môi trường, hạn chế dịch bệnh bùng phát, trong dịp này, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tăng cường thêm 2 tổ quân y cùng với lực lượng của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa giúp các địa phương bị ngập lụt nặng tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho nhân dân dùng hóa chất và phèn chua để xử lý nguồn nước, đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Xã Quý Lộc (Yên Định) là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Yên Định sau mưa lũ. Chỉ trong 2 ngày lũ dâng, toàn bộ 135 trang trại ở khu vực ngoại đê đã bị thiệt hại với tổng số hơn 1.000 con lợn và hơn 20.000 con gia cầm. Nước lũ rút để lại lượng bùn đất quá lớn trong khi các tuyến đường giao thông nối các thôn trên địa bàn xã hư hỏng nghiêm trọng đã gây khó khăn rất lớn lên công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Cho đến sáng ngày hôm nay, vẫn còn 2 thôn 10, 11 của xã Quý Lộc bị cô lập. Hàng chục hộ dân vẫn phải sinh sống tại các lán tạm phía trên mái đê, chưa thể trở về nhà. Theo thống kê, mưa lũ đã làm mất trắng hơn 180ha lúa, 140 ha cây công nghiệp và 15,7 ha nuôi trồng thủy hải sản.

Nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng lũ lụt, huyện Thạch Thành đã trích nguồn kinh phí từ ngân sách tổ chức nấu cơm trao đến người dân vùng lũ lụt trên địa bàn huyện. Ngay tại khuôn viên trường mầm non xã Thành Kim, các tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với chính quyền địa phương đã nấu 700 suất cơm và trực tiếp gửi đến các hộ dân đang bị cô lập do mưa lũ tại xã Thành Kim và xã Thành Trực, huyện Thạch Thành. Những suất cơm nghĩa tình được nấu ngay trong dịp kỷ niệm Tết Độc lập của dân tộc đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và hỗ trợ của người dân địa phương.

Chiều 3/9 Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cho biết: Các đoàn cứu trợ của tỉnh đã lên đến dốc Cổng trời, thuộc địa bàn xã Trung Lý. Tuy vậy, do tuyến quốc lộ 15C có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng do đó xe ô tô không thể di chuyển qua được. Trong khi đó, tuyến quốc lộ 16 từ bản Táo đi cầu Chiềng Nưa cũng trong tình trạng tương tự với hàng chục điểm sạt lở gây chia cắt. Trước tình hình đó, đoàn đã chuyển sang phương án vận chuyển bằng xe máy, đi đến đâu tiếp tế mì tôm và nước uống cho bà con đến đó.

Sau 5 ngày gần như bị cô lập hoàn toàn, huyện Mường Lát, các sở, ban, ngành đã và đang nỗ lực hết sức để tiếp cận, cũng như khắc phục những thiệt hại do mưa lũ, trong đó trọng tâm là giải tỏa các điểm chia cắt giao thông, cứu trợ cho người dân và khu vực chịu thiệt hại nặng.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày khai giảng năm học mới nhưng ngành giáo dục huyện Mường Lát phải gánh chịu những thiệt hại rất nặng nề. Nhiều điểm trường lẻ, phòng học bị đất đá sạt lở cuốn trôi, làm sập, hư hỏng nặng. Trong thế bị cô lập, huyện Mường Lát cũng đã chủ động triển khai công tác cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ cho người dân tại các khu vực chịu thiệt hại. Ngành viễn thông, điện lực cũng đã cử các đoàn lên tiếp cận với địa bàn huyện Mường Lát để khắc phục những thiệt hại, hư hỏng đường dây trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước lũ rút đến đâu, giúp dân dọn dẹp đến đó