Sức Khỏe

Nửa đêm vào viện với bàn tay đứt lìa được bảo quản trong thùng đá

Chí Tâm 19/09/2023 - 15:29

Khi vào ca làm việc đêm khuya, anh T. không may bị máy dập cắt lìa cổ tay phải, được các đồng nghiệp sơ cứu tại chỗ và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cùng với bàn tay bị đứt lìa.

Trước đó, vào lúc 0h ngày 14/9, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân L.G.T. (22 tuổi) trong tình trạng bị đứt lìa bàn tay phải và dập một đoạn xương cổ tay.

noi.jpeg
Ê-kíp phẫu thuật nối thành công bàn tay trái cho bệnh nhân.

Người thân anh T. cho biết, anh vào làm việc ca khuya, đến 23h ngày 13/9 thì bị máy dập cắt lìa cổ tay phải. Bệnh nhân được các đồng nghiệp sơ cứu tại chỗ, sau đó được đưa đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình với bọc đựng phần bàn tay đã đứt lìa.

Khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đánh giá đây là tai nạn gây chấn thương khá nặng. Do đó, bệnh viện đã chia ra nhiều nhóm để cùng lúc thực hiện hồi sức cấp cứu mất máu cho bệnh nhân, đồng thời, làm các xét nghiệm để có thể mổ khẩn cấp.

Riêng bàn tay bị đứt lìa được đưa ngay vào phòng mổ trước cả bệnh nhân để cắt lọc, vệ sinh và đánh dấu các cấu trúc mạch máu thần kinh cần thiết cho ca vi phẫu.

Phần đứt lìa của bệnh nhân bị dập đầu dưới xương quay. Trong khi đó, mạch máu thần kinh và gân bị dập lóc một đoạn, đã bị máy nghiền nát. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt ngắn xương trụ để tạo hình cổ tay tương đối ổn định, sau đó ưu tiên ghép vi phẫu động mạch và tĩnh mạch để cứu bàn tay.

Qua 5 ngày điều trị, bàn tay nối lại có dấu hiệu sống ổn định, tinh thần bệnh nhân đã phấn khởi hơn. Dự kiến, bệnh nhân còn trải qua các cuộc phẫu thuật để tạo hình, nối ghép vi phẫu thần kinh, nối ghép gân gấp và gân duỗi.

thamkha.jpeg
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạch thăm khám cho bệnh nhân sau ca mổ

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạch - Khoa Vi phẫu tạo hình, việc nối đứt lìa ca dập mất đoạn xương này thành công nhờ 3 yếu đó. Đó là, bệnh nhân bảo quản bộ phận đứt lìa đúng cách, bỏ vào bịch ni-lông cột dây thun lại, sau đó bỏ vào thùng nước có làm lạnh bằng nước đá. Thứ hai, ê-kíp mổ quyết định đưa phần bàn tay đứt lìa vào phòng mổ xử lý trước để tiết kiệm thời gian trong khi bệnh nhân đang làm các xét nghiệm phẫu thuật ở phòng cấp cứu. Thứ ba là phẫu thuật viên khâu nối vi phẫu có kinh nghiệm dày dạn.

Các bác sĩ khuyến cáo, người lao động cần lưu ý đảm bảo đầy đủ các phương tiện phòng hộ lao động, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo vệ bản thân, nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đặc biệt trong các tình huống cần làm đêm khuya, càng cần đề cao cảnh giác để đảm bảo lao động năng suất, an toàn cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nửa đêm vào viện với bàn tay đứt lìa được bảo quản trong thùng đá