Y sĩ Phạm Thị Thanh Cần, 35 năm công tác tại Trạm y tế xã Ninh Thọ thì có tới 17 năm chị phải khám bệnh, đỡ đẻ bằng ánh sáng đèn dầu.
Khai tăng tuổi, từ bỏ ước mơ để được làm y sĩ
Chứng kiến cảnh người dân phải đi bộ hơn 10km trong đêm để khám, chữa bệnh mỗi khi ốm đau, chị Phạm Thị Thanh Cần (SN 1962, trú xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo để đi học Trung cấp Y sĩ Đa khoa và gắn bó với Trạm y tế xã Ninh Thọ suốt 35 năm qua.
Cách đây gần 40 năm về trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường chị Phạm Thị Thanh Cần cũng như bao bạn bè cùng trang lứa đều có cho mình một ước mơ nghề nghiệp. Chị Cần ước mơ trở thành cô giáo, gia đình, thầy cô, bạn bè ủng hộ chị hết lòng, họ quả quyết chị chỉ có thể làm được nghề gõ đầu trẻ bởi nhìn chị nhỏ nhắn, yếu ớt.
Y sĩ Phạm Thị Thanh Cần, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ninh Thọ (Ninh Hòa, Khánh Hòa)
Suy nghĩ sau này sẽ trở thành một giáo viên cũng “đóng đinh” trong đầu chị từ đó. Nhưng, khi thấy người thân trong gia đình cũng như những người dân khác trong xã mỗi khi ốm đau phải đi bộ hơn 10km để được khám, chữa bệnh chị thấy sao mà vất vả, khổ sở quá. Nhất là những trường hợp cấp cứu phải đi ngay trong đêm nhưng vì đường sá xa xôi đã phải bỏ mạng dọc đường, điều này khiến chị trăn trở nhiều đêm.
Đang loay hoay không biết làm cách nào giúp những người dân khốn khó vơi bớt phần cực nhọc mỗi khi ốm đau, bệnh tật thì bố chị, vốn là Quân giải phóng miền Nam về nhà gợi ý cho cô con gái đi học lớp Trung cấp Y sĩ đa khoa. “Khi nghe bố nói vậy, tôi đồng ý đi học ngay và chấp nhận từ bỏ ước mơ làm cô giáo”, chị Cần nhớ lại. Nhưng, việc đi học của chị cũng gặp lắm khó khăn phần vì gia đình đông anh em, kinh tế eo hẹp và quan trọng là khi đó chị mới 16 tuổi, không đủ tuổi đi học.
Nhất quyết phải đi học y sĩ bằng được, chị Cần đến cầu cứu ông Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ. Trước nguyện vọng của chị Cần, vị Chủ tịch xã chấp nhận cho chị khai tăng lên 2 tuổi, hợp lý hóa hồ sơ, giấy tờ để chị Cần đủ điều kiện nhập học. Càng học chị càng nhận ra đi học Trung cấp Y sĩ là một quyết đúng đắn và sáng suốt.
Lần đi thực tập ở bệnh viện, chị đã gặp vô vàn những cảnh đời khốn khó, họ không chỉ khốn khó về mặt vật chất mà còn thiếu thốn về mặt tinh thần bởi không có ai ngó ngàng chăm sóc. Nhiều người bệnh không quá nặng nhưng vì suy sụp, thiếu thốn tình cảm khiến họ ngã quỵ, chấp nhận đầu hàng số phận. Chứng kiến cảnh đó, để khích lệ tinh thần người bệnh chị đã tự nguyện chăm sóc họ như những người thân của mình.
Vượt qua mọi khó khăn
Rồi thời gian cũng qua đi, chị Cần ra trường với những lời mời về các bệnh viện lớn công tác, nhưng chị từ chối hết thảy để về làm công việc tiêm thuốc cho bệnh nhân lao ở Trạm y tế xã Ninh Thọ. Chị bắt đầu công việc của mình bằng việc mài kim tiêm bằng sắt, sử dụng bơm tiêm bằng thủy tinh, một công đoạn không thể thiếu là chị phải nấu nước sôi để tiệt trùng kim tiêm trước khi tiêm cho bệnh nhân. Chị Cần kể về những ngày tháng gian khó với giọng hào hứng như nhắc lại những kỷ niệm khó quên trong đời.
Chị bảo năm 1980, Trạm y tế xã Ninh Thọ chỉ là một căn nhà cấp 4, nền đất, xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là vào thời điểm đó, xã Ninh Thọ chưa có điện, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những ca cấp cứu hoặc đỡ đẻ vào ban đêm. Ở đây, thứ ánh sáng duy nhất khi trời tối là ánh đèn dầu hoặc đèn măng xông, trạm y tế xã Ninh Thọ cũng không phải là một ngoại lệ. Và chị Cần nhớ lại cảm giác lần đầu tiên đỡ đẻ trong đêm bằng ánh đèn dầu.
Dù học Y sĩ đa khoa, nhưng vì không phải chuyên khoa sản nên ca đỡ đẻ đầu tiên chị rất run, nhất là vào ban đêm, điện không có, đèn dầu thì cũng chỉ có hai chiếc để thắp sáng. “Bản thân khá sợ, nhưng tôi cố bình tĩnh, hướng dẫn một người hộ lý cùng trực với mình để thực hiện các tháo tác đỡ đẻ. Nhưng oái ăm thay, đây lại là một ca đẻ ngược, đã có lúc chúng tôi nghĩ đến việc bỏ em bé để cứu mẹ. Nhưng, khi nhìn thấy thiên thần bé nhỏ thì chúng tôi lại cố hết sức để cứu cả mẹ lẫn con dù chỉ còn 1 tia hy vọng. Cuối cùng bằng sự nỗ lực và tia hy vọng mong manh đó mà em bé đã chào đời và tiếng khóc đầu tiên trong sự vui sướng của tất cả mọi người”, chị Cần kể lại.
Đến năm 1997, điện lưới quốc gia mới về chiếu sáng xã Ninh Thọ. Như vậy là suốt 17 năm chị đã khám, chữa bệnh và giúp cho hàng nghìn thiên thần bé nhỏ ra đời bằng ánh sáng ngọn đèn dầu.
Từ khi có điện, công tác khám, chữa bệnh trở nên thuận tiện hơn nhiều, chị cũng như các cán bộ khác ở trạm phát huy được năng lực trình độ của mình, được nhân dân trong xã tin yêu. Chị Cần tâm sự: “Chúng tôi vượt qua được những sự khó khăn là do bà con trong xã thương yêu, giúp đỡ. Nhờ bà con trong xã người mang đến cho củ sắn, củ khoai, nải chuối mà chúng tôi sống và theo nghề được cho tới tận bây giờ”.
Trạm y tế xã Ninh Thọ giờ đã khác xưa nhiều lắm, trạm được xây mới với 14 phòng chức năng, trang thiết bị y tế hiện đại hơn rất nhiều. Trạm là một trong số ít trạm xá xã trong cả nước thực hiện được xét nghiệm lâm sàng, việc này giúp giảm áp lực khám và điều trị cho bệnh viện tuyến trên. Chị Cần cho biết, từ khi cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị mỗi năm tăng lên rất nhiều.
Suốt 35 năm công tác tại Trạm y tế xã Ninh Thọ với những đóng góp của mình, chị PhạmThị Thanh Cần đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.