Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng- Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, hiện là công chức duy nhất của người Bah Nar trong hệ thống Tòa án Gia Lai.
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai nhận xét “Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng là một người rất tâm huyết với nghề”.
Người con của núi rừng
Nữ Thẩm phán có cái tên rất thành thị ấy mang trong mình hai dòng máu, Bah Nar và Ja Rai, hai dân tộc lớn ở vùng đất Gia Lai, Tây Nguyên này. Bởi thế, có người nói chị có “đôi mắt Pleiku” rất đặc biệt, sâu thẳm, đen láy và như có lửa.
-Bố em là người Bah Nar, quê ở làng Đê Gỗ, xã Đăk Sơmei, huyện Đăk Đoa. Mẹ em người Ja Rai ở làng Vân, xã Ialy, huyện Chư Păh. Ngày xưa thì hai dân tộc này không bao giờ kết hôn với nhau nhưng vì bố em là bộ đội, mẹ em là nữ văn công, đám cưới do tổ chức tác thành nên hai gia tộc cũng chấp nhận - Như Phượng chia sẻ về nguồn gốc của mình.
Người Bah Nar là những cư dân chủ nhân lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên, họ đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở Tây Nguyên. Hiện nay dân số Ba Na có khoảng 225 ngàn người. Theo cuốn “Người Ba Na ở Kon Tum” của các học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, xuất bản năm 1937, thì Bah Nar theo phụ hệ.
Ngược lại, người Ja Rai theo mẫu hệ. Luật tục nghiêm cấm những người cùng dòng mẹ lấy nhau. Tuổi từ 18-19 nam nữ tự do lựa chọn người yêu, trong đó nữ chủ động tìm chồng. Khi đã thành vợ thành chồng thì đàn ông phải sang nhà vợ, không có trường hợp ngược lại. Có lẽ vì thế mà hai dân tộc này không kết hôn với nhau chăng…
Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng tuyên án trong một phiên tòa hình sự
- Vậy theo phong tục, chị có thể là người Bah Nar theo dòng cha, cũng có thể theo họ mẹ là người Ja Rai, nhưng sao chị lại có cái tên rất thành thị kiểu người Kinh như vậy - tôi thắc mắc.
- Người Bah Nar không có họ, chỉ có tên, như Anh hùng Núp cũng chỉ gọi là Núp thôi. Khi đi làm cách mạng, ông mới lấy thêm họ Đinh. Ba em cũng vậy, tên ở làng rất khó đọc, sau khi ba đi bộ đội thì lấy họ Đinh theo Anh hùng Núp và được đặt tên là Như Phước. Người Ja Rai thì có họ, mẹ họ Siu. Ba mẹ đều thống nhất cho con mang họ cha nên em mới có họ Đinh. Ban đầu, ba em định đặt tên em là Đinh Phôn, nghĩa là gì thì em không rõ nhưng tên đó theo phong tục Bah Nar thì tuyệt đối không trùng với tên của bà con họ tộc. Một người bạn của ba đã khuyên ba nên đặt tên con gái là Phượng, nên giờ em mới có họ tên là Đinh Thị Như Phượng.
Cô bé Như Phượng học hết phổ thông muốn làm diễn viên theo nghề của mẹ, nhưng ba không đồng ý. Phượng có ý định ôn thi vào ngành Đông Phương học nhưng các chú bạn ba nói: Đang có lớp cử tuyển Đại học Luật ngoài Hà Nội, cháu nên đăng ký theo học. Vậy là cô trở thành sinh viên Đại học Luật dù trước đó chưa bao giờ nghĩ đến hay có hiểu biết gì về ngành Luật.
Năm 1998 Như Phượng về thực tập ở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Cuối năm đó, cô thi tuyển công chức và chính thức về làm Thư ký, gắn bó với ngành Tòa án từ đó đến nay. Năm 2005, Như Phượng được bổ nhiệm Thẩm phán và năm 2010 chị là Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Pleiku. Cho đến nay, Như Phượng là đại diện duy nhất của dân tộc Bah Nar là công chức ngành Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Buồn vui chuyện nghề
10 năm làm Thẩm phán, chị có quá nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm chị không thể nào quên là khi giải quyết vụ án hồi công tác tại Tòa án nhân dân huyện Chư Păh. Người vợ nộp đơn xin ly hôn vì chồng ngoại tình. Cô ta kiên quyết ly hôn vì người chồng đã xúc phạm vợ nặng nề, không thể tha thứ được. Cô ta nói: Nếu chồng tôi cặp bồ với một người Kinh thì tôi còn có thể bỏ qua được, nhưng đằng này anh ta cặp bồ với một con “dân tộc”. Thư ký ngồi ghi biên bản định lên tiếng nhưng Thẩm phán Phượng ngăn lại và hỏi:
- Sao chị lại phân biệt, kỳ thị người “dân tộc” như vậy? Chị đang sống trên vùng đất của người “dân tộc” đã sống nhiều đời mà.
- Bởi vì chúng nó bẩn thỉu, mọi rợ lắm. Tôi không thể tưởng tượng được sao chồng tôi lại có thể ôm ấp con “dân tộc” đó.
- Tôi cũng là người “dân tộc” đây chị - Thẩm phán Phượng bình tĩnh nói.
Đương sự trố mắt không tin, nói “chị đừng đùa tôi”.
- Tôi không nói đùa, bố tôi người Bah Nar, mẹ tôi người Ja Rai. Chúng ta cùng là người Việt Nam, các dân tộc phải đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau thì cuộc sống mới tốt đẹp, xã hội mới phát triển được. Tôi nghĩ rằng chị không nên có cái nhìn kỳ thị, khinh miệt đồng bào các dân tộc bản địa như thế.
Nguyên đơn ngượng ngùng nói: Tôi xin lỗi chị, thú thật tôi chưa bao giờ gặp những “người dân tộc” như chị nên suy nghĩ bậy bạ, mong chị bỏ qua… Cô ta xin phép ra về và hôm sau đến xin rút đơn.
Chuyện đó kết thúc có hậu vì cô vợ rút đơn nhưng nó để lại dư âm không vui trong tâm hồn chị, bù lại nghề Thẩm phán cũng mang đến cho chị nhiều kỷ niệm thật ấm áp. Đồng bào rất chân chất, thật thà, họ nghĩ sao làm vậy. Có vụ hình sự, bị cáo là người đồng bào phạm tội ít nghiêm trọng nên Hội đồng cho bị cáo hưởng án treo. Vừa tuyên án xong, bị cáo và bà con reo ồ lên vì vui sướng. Ông bố bị cáo vội lấy trong gùi ra một miếng thịt heo nướng và mấy gói mỳ tôm chạy lên biếu Hội đồng xét xử để cảm ơn. Thấy tấm lòng của đồng bào, chị ra hiệu cho Thư ký nhận. Hồi ấy, Tòa có bếp tập thể nên bữa ăn hôm đó có thêm món thịt heo bất ngờ khiến ai cũng vui.
Chuyện dân cảm ơn Tòa ở nơi này không hiếm. Có vụ hai vợ chồng thuận tình ly hôn. Hẹn 1 giờ 30 chiều làm việc, thì 3 giờ mới thấy đến. Thẩm phán hỏi sao đến muộn, đương sự mồ hôi nhễ nhại mang tải bắp vào và nói còn phải đi bẻ bắp làm quà biếu Tòa. Họ năn nỉ, nhiệt tình, cuối cùng chị đành nhận bao tải bắp.
Người ta nói Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng có duyên hòa giải thành. Chia sẻ về nhận xét này chị nói mình cố gắng lắng nghe họ giãi bày, rồi khuyên giải phân tích thiệt hơn, bao giờ họ thấu hiểu mới thôi, vì thế mà tỷ lệ hòa giải thành cao. Có điều đáng buồn là chỉ hòa giải thành việc họ tự phân chia, không tranh chấp tài sản thôi, chứ hòa giải để họ trở về đoàn tụ với nhau thì rất ít thành công. Khi khuyên giải về đoàn tụ thì họ nói: “Trước khi ra Tòa tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi, không thể cứu vãn được, xin Tòa đừng nói gì nữa”. Nghe thấy họ nói vậy thì Thẩm phán cũng không muốn nói gì thêm.
Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng trong trang phục truyền thống
-Ly hôn là một lẽ, nhưng ly hôn mà tranh chấp tài sản với nhau thì dễ dẫn đến hận thù, gây đau khổ cho nhau và các con lâu dài, nên em thường cố gắng hết mức để khuyên họ thỏa thuận. Em thường hỏi: Theo anh/ chị trong hôn nhân điều gì quan trọng nhất? Họ nói, tình cảm quan trọng nhất, tình cảm không còn thì chia tay. Cái quan trọng nhất, quí nhất mình cũng buông bỏ được thì tài sản có đáng gì mà anh/ chị phải căng thẳng như vậy, theo chúng tôi anh/ chị nên thỏa thuận để chia tay được nhẹ nhàng. Vậy là họ nghe.
Trò chuyện với chị tôi mới hiểu vì sao Thẩm phán Đặng Phan Chung, Chánh án Tòa án tỉnh Gia Lai khi thấy tôi hẹn gặp Đinh Thị Như Phượng đã nói: “ Như Phượng là một Thẩm phán rất tâm huyết, tận tụy với nghề”.
Cái lý, cái tình
Kỷ niệm khiến Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng thấy yêu nghề hơn là những vụ được trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Gần đây nhất là vụ án một thanh niên người Quảng Bình làm phục vụ trong một quán ăn ở Pleiku. Công việc do người yêu là cháu họ của chủ nhà giới thiệu. Vậy mà cậu ta ăn cắp cái laptop của con chủ nhà, đi cầm đồ được 1,5 triệu đồng, bà chủ nhà phải đi chuộc lại. Hồ sơ vụ án chỉ có thế nhưng ra đến phiên tòa thì cả Hội đồng và người dự khán đều xúc động. Do người yêu cần tiền để trả nợ mà không kiếm đâu ra, nên anh ta liều lấy trộm cái laptop, cầm đồ được 1,5 triệu rồi đưa hết cho cô gái. Anh chàng bị bắt tạm giam thì cô gái cũng bỏ luôn.
Tại phiên tòa, bà mẹ bị hại không cầm được nước mắt, xin Tòa tha thứ cho bị cáo, vì cậu ta vốn chất phác, thật thà, mấy năm nay giao cho đi nhận tiền thì không bao giờ thiếu một đồng, lần này vì người yêu mà trót dại. Bà ấy nói với bị cáo: “Con ơi, cô cho con 1,5 triệu đó, con về ở với cô, nếu con cô không nhận lại con thì cô sẽ kiếm việc khác cho con”. Thẩm phán cố gắng che giấu nỗi xúc động vì tình người ấm áp và tuyên án, số ngày bị phạt tù bằng đúng số ngày đã bị tạm giam và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Nhìn bị cáo và người nhà bị hại líu ríu dắt nhau ra về, chị tin rằng cậu thanh niên này có cơ hội trở lại thành người tốt.
Hay vụ một bị cáo phạm tội trộm cắp. Ra tòa, hỏi hoàn cảnh bị cáo mà Thẩm phán giật mình thương cảm. Bị cáo có chồng và ba đứa con nhưng chồng đã bỏ đi, trong khi đứa con út bị bại não. Cô này bán trái cây, một mình bươn chải nuôi con. Một lần bạn rủ đi đòi tiền, đến nơi, chủ nhà mời đi xem nhà. Qua một phòng thấy có tiền lòi từ túi quần treo trên mắc, cô ta nổi lòng tham nên lấy cắp. Khi chủ nhà quay lại lấy tiền trả nợ thì phát hiện mất. Số tiền là 7 triệu đồng được lấy lại ngay lập tức. Ngày ra tòa, bị cáo đã bị tạm giam hơn 4 tháng. Thẩm phán nghĩ đến hoàn cảnh cơ cực của bị cáo, đến ba đứa con nhỏ do người mẹ già của bị cáo đang chăm sóc, số tiền lấy cắp cũng đã thu lại đầy đủ, nên quyết định mức án dành cho bị cáo bằng thời hạn tạm giam và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo bật khóc và cúi rạp xuống để cảm ơn Hội đồng.
- Em nghĩ mình đã làm đúng, giúp chính họ và giúp được cho con họ nữa. Điều đó khiến em vui lắm.
Với các vụ án hình sự, nhất là với các bị cáo người dân tộc thiểu số, Thẩm phán Phượng luôn luôn xét hỏi với thái độ ôn tồn, để họ bình tĩnh khai báo. Bà con các dân tộc thiểu số thường rất sợ hãi, run rẩy khi đứng trước cơ quan pháp luật. Run rẩy đến tội nghiệp. Vì thế Thẩm phán phải trấn an, động viên họ. Pháp luật công bằng, không phân biệt thành phần dân tộc, nhưng để có được phán quyết đúng đắn, rất cần tinh thần tận tụy, khách quan của người Thẩm phán. Bà con dân tộc ở đây tính cộng đồng cao, khi có người trong làng bị xét xử thì họ đi dự phiên tòa rất đông. Nhiều Thẩm phán trẻ thấy đông người là căng thẳng, nhưng với Thẩm phán Đinh Thị Như Phương thì đó là điều bình thường và có tác dụng giúp cho bị cáo đỡ sợ hãi, đây cũng là dịp tuyên truyền phổ biến pháp luật rất bổ ích cho đồng bào.
- Có bao giờ chị bị đe dọa không?
- Có chứ anh. Có lần khi giải quyết một vụ án dân sự, một đương sự gọi điện đến vào buổi tối và nói: “Chị cứ xử đi, xử xong tôi sẽ giết chị chết”. Không hiểu sao lúc đó em cũng không thấy sợ, em nói: Anh mà muốn giết tôi thì mai anh cứ đến Tòa. Buổi sau đến thì hắn chối, dù gọi đúng bằng số máy hắn thường dùng, với lý lẽ ai đó mượn máy nói bậy. Em thấy vậy bèn cho qua. Vụ thứ hai thì nghiêm trọng hơn, một người gửi cho em một phong thư, tất cả đều đánh máy. Trong đó chỉ có một miếng giấy nhỏ, đánh máy nội dung: “Bà biết cái mặt của bà chỉ một ca a xít là đủ”. Vụ đó liền sau vụ chị Loan ở Hà Nội bị tạt a xít nên em cũng sợ. Công an vào cuộc khá ráo riết, không tìm ra thủ phạm nhưng sau đó em không thấy bị đe doạ nữa.
Chỗ dựa vững chắc
Sau những căng thẳng của công việc thường nhật, trở về nhà chị có một bến đỗ bình yên, chồng và hai con luôn mang đến cho chị sự an ủi và niềm vui ấm áp. Chồng chị là người Đà Nẵng, dù là người Kinh nhưng mỗi lần về quê với vợ, anh ăn bốc với bà con, uống rượu cần đến say rồi ngủ ngay trên chiếu như trai làng, tỉnh dậy lại uống tiếp. Có công việc gì nửa đêm hay giữa trưa bà con trong plei gọi ra anh cũng nhiệt tình trò chuyện. Anh như một người con thứ thiệt của Đăk Sơmei, của làng Vân Ia Ly nên bà con nội ngoại thương lắm. Điều đó khiến Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng được tiếp thêm năng lượng.
Dù trải qua không ít thử thách, đôi lúc chán nản, nhất là sau những vụ án bị hủy, bị hiểu lầm, nhưng Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng xác định sẽ phấn đấu theo nghề đến cùng. Sau một bản án bị hủy sửa, Thẩm phán có thêm kinh nghiệm quí báu, cùng với ý thức không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, chị tin rằng mình sẽ vững vàng, giỏi nghề hơn, xét xử chất lượng cao hơn, xứng đáng với sự tin cậy của cơ quan và trong sâu thẳm tâm hồn chị là xứng đáng với niềm tự hào mà bà con Bah Nar, Ja Rai nội ngoại dành cho chị suốt bao nhiêu năm qua.
Ngồi dự một phiên tòa hình sự mà Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng làm chủ tọa, tôi chợt nhớ đến lễ thổi tai của đồng bào Bah Nar. Khi con lọt lòng, cha mẹ phải mời một bà mụ đến làm lễ thổi linh hồn vào cho nó thành người. Bà mụ cầm một cuộn chỉ, phun gừng mà bà đã nhai nát rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ để sát tai đứa bé. Vì thế, người ta gọi đây là lễ thổi tai. Vừa thổi bà mụ vừa khấn: “Làm người hãy nhận lấy hồn đây… Là con gái/ Chớ quên chiếc xa cán bông/ Cái go dệt vải/ Chớ quên cái yết làm cỏ/ Cái gùi suốt lúa/ Giọt nước đầu làng/ Và bếp lửa ủ ấm mẹ cha”… Không biết Như Phượng có còn được thổi tai khi lọt lòng hay không nhưng chắc chắn chị đã đi xa, rất xa “chiếc xa cán bông… cái gùi suốt lúa” , đã mang ao ước của dân tộc mình đến những chân trời mới và lại trở về để thêm yêu thương, thêm nhiều đóng góp cho phố núi cao nguyên quê hương chị còn nhiều khó khăn nhưng chân chất, thân thương này.