Bây giờ, bạo lực không chỉ xảy ra ở nam sinh mà còn cả ở nữ sinh với những cách hành xử đi ngược lại với sự giáo dục của nhà trường. Nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận bởi sự tàn bạo giữa các nam nữ sinh với nhiều mâu thuẫn yêu đương, tình ái.
Như Báo Công lý đã thông tin, khoảng 21h tối 17/10, một nam thanh niên là sinh viên một trường trên địa bàn Hà Nội đã tìm đến phòng bạn gái cũ đang ở tại ký túc xá trường Đại học Giao thông vận tải (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) để nói chuyện.
Tại đây hai bên đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi. Trong lúc tức giận, nam thanh niên muốn đòi lại tất cả những món quà bản thân đã tặng trước đó cho cô gái thì hai bên xảy ra cãi vã, xung đột.
Nơi xảy ra sự việc
Khi cô gái không đồng ý, chàng trai cầm mũ bảo hiểm đánh và tát bạn gái. Bức xúc cô gái lấy dao chém một nhát vào đầu và một nhát vào tay khiến nam thanh niên này bị thương. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu và hậu quả phải khâu 3 mũi trên đầu.
Có thể thấy, hiện nay, bạo lực không chỉ xảy ra ở các nam sinh mà còn cả ở nữ sinh với những cách hành xử đi ngược lại với sự giáo dục của nhà trường. Nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận bởi sự tàn bạo, xử sự bạo lực giữa các nam nữ sinh với nhiều mâu thuẫn như tình ái, ghen ghét nhau,..
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Qua nội dung ban đầu báo chí thông tin, xuất phát từ việc chia tay nhau, nam sinh đã đến Ký túc xá nữ sinh để giải quyết mâu thuẫn và đòi lại những món quà bản thân đã tặng trước đó nên hai bên đã xảy ra xung đột. Nam sinh đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào người nữ sinh. Do bức xúc bị đánh nên nữ sinh đã chạy vào trong phòng lấy dao chém lại gây thương tích cho nam sinh phải khâu 03 mũi trên đầu.
Nếu có căn cứ xác định, nam thanh niên cầm mũ bảo hiểm truy đuổi đánh nữ sinh đến mức đường cùng chạy vào phòng không có lối thoát thì hành vi bột phát lấy dao dùng trong sinh hoạt chống trả lại trước sự quyết liệt của nam sinh để bảo vệ tính mạng bản thân được coi là phòng vệ chính đáng.
Điều 15 Bộ luật Hình sự qui định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Trường hợp, nếu xác định nữ sinh bị nam sinh dùng mũ bảo hiểm gây thương tích về sức khỏe nhưng do yếu thế không đánh trả được đã chạy vào phòng cầm dao quay lại chém nam sinh vào đầu với thương tích nặng (ví dụ như lòi hộp sọ) thì có dấu hiệu tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự vì do nạn nhân có lỗi đánh gây thương tích trước. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức dùng hung khí nguy hiểm (con dao) tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể (vùng đầu) người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả không chết người xảy ra thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người với hậu quả chưa đạt theo Điều 18 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, để xử lý nữ sinh về tội giết người thì cần phải xác định mức độ thương tích vùng đầu nạn nhân có lớn hay không và thực tế có nguy hiểm đến tính mạng không. Nếu vết chém của nữ sinh là có chủ ý và quyết liệt với thương tích nặng làm bể hộp sọ nam sinh thì sẽ có dấu hiệu phạm tội giết người.
Ngược lại, nếu nữ sinh bị nam sinh đánh cũng gây thương tích mà yêu cầu cơ quan pháp luật khởi tố và cho đi trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật thì nam sinh sẽ phải chiu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Nếu thương tích của nữ sinh dưới 11 % thì vẫn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nam sinh theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết “có tính chất côn đồ”.
Theo thông tin phản ánh, thương tích vùng đầu nam sinh bị khâu 03 mũi nhiều khả năng đã bị nữ sinh chém sượt. Như vậy, mặc dù nữ sinh đã dùng dao tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể nam sinh nhưng xét mức độ thương tích là không đáng kể, thực tế chưa gây nguy hiểm đến tính mạng thì hành vi của nữ sinh có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự là thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được qui định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh thì nam sinh phải có đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị cho đi trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở xử lý theo qui định của pháp luật. Nếu nam sinh không yêu cầu khởi tố thì không có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |